Nước Anh và 'thập niên mất mát'

Thanh Đức 20/12/2022 06:41

Vương quốc Anh là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới tính theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP); lớn thứ 9 tính theo sức mua tương đương (PPP) và xếp thứ 21 về thu nhập bình quân đầu người. GDP của Vương quốc Anh chiếm 3,3% tổng GDP thế giới. Tuy nhiên, lạm phát đang khiến nước Anh chao đảo.

Người dân mua sắm trong một khu chợ ở phía đông London (Anh). Ảnh: Reuters.

Xuất phát từ khủng hoảng kinh tế do lạm phát tăng cao mà chỉ trong một thời gian rất ngắn nước Anh đã phải có tới 3 Thủ tướng. Ngày 7/7/2022, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố từ chức. Ngày 6/9 bà Liz Truss trở thành tân Thủ tướng nước Anh nhưng cũng chỉ tại vị được 44 ngày: ngày 20/10 phải từ chức. Hiện ông Rishi Sunak là Thủ tướng, tiếp tục chèo lái nền kinh tế Anh trong cơn khủng hoảng.

Mới đây, Liên đoàn Doanh nghiệp Anh (CBI) đã lên tiếng cảnh báo, nền kinh tế Anh sẽ đối mặt với “một thập niên mất mát tăng trưởng” nếu chính phủ không gấp rút hành động khi mà đầu tư của doanh nghiệp suy giảm liên tục, lực lượng lao động thiếu hụt dai dẳng trong bối cảnh kinh tế đất nước đang bước vào suy thoái.

Trong khi đó, theo CBI, nước Anh đã rơi vào cơn suy thoái “ngắn và nông”. Tổng giám đốc CBI Tony Danker nói, đất nước dường như đang rút lui khỏi các ưu tiên do đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá khí đốt tự nhiên tăng vọt, cũng như sự phục hồi chưa đầy đủ của thị trường lao động sau đại dịch Covid-19, cộng với đầu tư và năng suất suy yếu liên tục. Ông Danker cũng cho rằng “coi như chúng ta đã mất đứt năm 2022, sang 2023 cũng không khá hơn gì và chỉ còn hy vọng hồi phục từ 2024 với mức tăng trưởng dự báo 1,6%”.

Dự báo ảm đạm của CBI đưa ra sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng như Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố các dự báo kinh tế Anh lạm phát còn sâu hơn (khoảng 18,6% trong quý 1/2023).

Hết tháng 11/2022, lạm phát ở Anh ở mức 11,2%. Trong một báo cáo công bố cuối tuần qua, ngân hàng Trung ương Mỹ đã nâng dự báo mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá bán lẻ ở Anh trong quý 1/2023 lên mức tương ứng 18% và 21%. Các con số dự báo này đã tính đến khoản trợ cấp 300 bảng mà Chính phủ Anh dự kiến cấp cho các hộ gia đình nước này trong thời gian từ tháng 10 năm nay đến hết năm 2024 để trang trải hóa đơn năng lượng ngày càng “khủng”.

Theo Citigroup, hóa đơn năng lượng bình quân của một hộ gia đình ở Anh sẽ tăng lên mức 3.717 bảng (4.389 USD)/năm, từ mức 1.971 bảng hiện nay. Trong khi đó, Công ty nghiên cứu thị trường Cornwall Insight dự báo đến tháng 1/2023, trần giá năng lượng sẽ tiếp tục tăng và hóa đơn năng lượng bình quân của một hộ gia đình ở Anh sẽ lên tới 4.266 bảng/năm. Công ty tư vấn Auxilione thậm chí dự báo hóa đơn năng lượng bình quân của hộ gia đình Anh sẽ vượt 6.000 bảng/năm vào năm tới.

Ông Benjamin Nabarro - chuyên gia cấp cao về chiến lược và vĩ mô toàn cầu của Citigroup cho rằng khó khăn lớn nhất mà Chính phủ của ông Sunak phải đương đầu là sự leo thang của giá cả chưa thấy điểm dừng. “Nền kinh tế yếu đi, các dữ liệu cho thấy khả năng lạm phát tiếp tục ngấm vào tiền lương và giá cả sẽ còn tăng tốc mạnh hơn” - ông Nabarro nói.

Điều đáng nói là trong khi kinh tế 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), bao gồm 19 quốc gia khối sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) đã có dấu hiệu sáng lên khi mà tốc độ lạm phát đã giảm trong tháng 11 và có thể cả tháng 12 này; thì kinh tế Anh vẫn chật vật.

Ngày 31/1/2020, Vương quốc Anh chính thức rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, sau 47 năm gắn bó. Những tưởng sẽ phát huy được nhiều lợi thế nhưng thực tế cho thấy “hậu Brexit” vẫn kéo dài ở Anh. Người ta nói rằng, có lúc đồng bảng Anh đã phải “đi tàu lượn” chỉ trong vòng 1 tuần khi tỷ giá từ 1,12 so với USD, về thấp nhất 1,03 rồi lại lượn lên 1,13. Qua đó có thể thấy đồng tiền của nước Anh vẫn sẽ chịu sức ép không nhỏ trong thời gian tới.

Tờ Times nhận xét, một thế hệ sinh viên Anh nhập học năm 2022 cũng sẽ phải cân nhắc hơn về việc bỏ ra hơn 9.000 bảng Anh tiền học phí (chủ yếu là vay của chính phủ), còn sinh viên quốc tế sẽ phải trả cao hơn nhiều. Gánh nặng nợ cũng như giá trị mà khoản “đầu tư giáo dục” này mang đã bị xói mòn đáng kể bởi lạm phát cao.

Tuy nhiên, vào trung tuần tháng 12, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết, chính phủ sẽ làm mọi cách có thể để kéo giảm lạm phát, không để kinh tế nước Anh rơi vào suy thoái. Cam kết đó ít nhiều cũng đã mang lại niềm tin cho người dân, doanh nghiệp của xứ sở sương mù.

Giống như nhiều nền kinh tế châu Âu chịu ảnh hưởng của giá khí đốt và điện cao, đã khiến lạm phát khó quay đầu giảm, nhưng điều khiến các quan chức chính phủ Anh lo ngại nhất là lạm phát của nước này có nhiều dấu hiệu dai dẳng hơn so với nhiều nước châu Âu khác. Allan Monks - nhà kinh tế học tại JPMorgan cho rằng điều đó thể hiện về mức độ lạm phát cao từ giá năng lượng và hàng hóa thành các dịch vụ cốt lõi. Trong khi đó, bà Sandra Horsfield (Ngân hàng Investec) bày tỏ lạc quan hơn khi cho rằng chính phủ Anh đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm chống lạm phát trong năm 2022, “điều đó sẽ rất có ích đối với năm 2023 sắp tới”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước Anh và 'thập niên mất mát'