Mới chỉ tiếp nhận vị trí lãnh đạo đảng của mình kể từ hồi tháng 5 vừa qua, nhưng chỉ trong vòng vài tháng, ông Sebastian Kurz đã tạo nên hẳn một phong trào rộng lớn, và chiến thắng mới nhất của ông trong cuộc tranh cử Thủ tướng tổ chức ở nước Áo mới đây được xem là cơn "địa chấn".
Sebastian Kurz, lãnh đạo đảng Nhân dân, có khả năng trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất châu Âu. (Nguồn: Politico).
Trên thực tế, cái tên Sebastian Kurz khá nổi tiếng ở nước Áo cũng như trong cộng đồng quốc tế. Trong nước, ông được đặt biệt danh là "Chàng trai kỳ diệu", trong khi tờ Politico từng đặt tên ông trong danh sách 100 người có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở châu Âu.
Có nhiều người chưa từng nghe đến cái tên Sebastian Kurz cho đến mãi cuộc bầu cử ở Áo gần đây, nhưng giờ đây, sau khi vị lãnh đạo của đảng Nhân dân tuyên bố chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, cái tên này đã được rất nhiều người nhắc tới. Và không chỉ bởi vẻ đẹp trai lịch lãm của mình, ông Sebastian - người đang giữ chức Ngoại trưởng Áo - còn có thể trở thành vị lãnh đạo trẻ tuổi nhất của châu Âu khi mới ở tuổi 31.
"Ông ấy có cá tính mạnh bạo, chiến dịch tranh cử của ông đặt nền tảng vào sự đổi mới, với nhiều tấm áp phích tuyên bố rằng đã đến lúc tạo nên điều gì đó mới mẻ" - tờ Guardian của Anh viết.
Tuy nhiên, ngoài sự ủng hộ rộng rãi, vị lãnh đạo trẻ tuổi của đảng Nhân dân cũng gây nên nhiều tranh cãi, khi nhiều người cho rằng ông là một "độc tài nhỏ" đang tham gia một "chương trình độc diễn". Được biết, ông Kurz từng dính vào một vụ bê bối do tổ chức một bữa tiệc xa hoa, từng phân phát miễn phí bao cao su và thừa nhận rằng lần đầu tiên ông gần gũi với phụ nữ là năm 15 tuổi.
Toàn bộ chiến dịch tranh cử của ông Kurz được xem là rất thành công, chủ yếu dựa vào chủ trương cắt giảm người nhập cư tới nước Áo. Trong vòng 24 giờ trước khi các điểm bỏ phiếu mở cửa, ông đã sử dụng mọi kênh truyền thông mà ông có để lan truyền đi thông điệp: "Ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp".
Ông Kurz từng gọi 560.000 người Hồi giáo đang sinh sống ở Áo là một "cộng đồng song song". Trong thời điểm mà châu Âu đang vật lộn với cuộc khủng hoảng di cư thì nước Áo đã chứng kiến một làn sóng trỗi dậy của đảng cánh hữu, trong đó đảng Nhân dân của ông Kurz đã nhận được số phiếu tăng 5% trong kỳ bầu cử trước hồi năm 2013.
Sebastian Kurz cũng là người đi tiên phong trong mặt trận đối thoại và nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhờ biến đổi đảng của ông thành một "phong trào" khi đưa ra quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư.
Nước Áo vốn là một quốc gia loay hoay trong cuộc khủng hoảng di cư bắt đầu từ năm 2015. Kể từ đó, quốc gia này được sử dụng như một cánh cổng để hơn 1 triệu người di cư bỏ trốn chiến tranh ở Trung Đông tới nước Đức.
Trong bối cảnh đó, Sebastian Kurz là người đã đứng ra tổ chức việc đóng cửa một tuyến đường di cư chạy xuyên qua khu vực phía Tây Balkan mà rất nhiều người di cư sử dụng để tới vùng đất hứa châu Âu trong năm ngoái. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Kurz cũng thường xuyên nhắc lại chiến dịch này.
Áo cũng phải tiếp nhận số lượng người tìm kiếm diện tị nạn lớn, 90.000 người, tương tự như Đức. Chính điều này đã làm dậy lên làn sóng phản đối người nhập cư ở Áo và kể từ sau khi tiếp nhận số người tị nạn nói trên, đất nước này chưa từng tiếp nhận thêm trường hợp nào.
Hiện nay, trên khắp châu Âu đã dấy lên mối quan ngại về tương lai của đất nước Áo và con đường mà ông Kurz - người có khả năng lớn sẽ trở thành Thủ tướng nước này - đã vạch ra. Một số nhà quan sát cho rằng, việc ông Kurz lên làm lãnh đạo nước Áo đồng nghĩa với tiêu hủy sự bình đẳng ở nước này và là một bước ngoặt của chính quyền nước này khi nghiêng về cánh hữu.
Hồi tháng trước, lệnh cấm khăn trùm đầu của người Hồi giáo mà ông Kurz kêu gọi đã bắt đầu có hiệu lực, bất chấp việc tạp chí Falter của Áo cáo buộc đội ngũ của ông chỉnh sửa lại một báo cáo về người Hồi giáo để bào chữa cho lệnh cấm này.
Trong lúc không có đảng nào ở Áo giành được đa số phiếu, ông Kurz được dự đoán sẽ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng của nước này và trở thành nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất của châu Âu, sau tiến trình đàm phán để thành lập chính phủ liên minh.
Các kết quả bỏ phiếu công bố cuối tuần qua cho thấy đảng Nhân dân của ông cán đích thứ nhất, với 31,4% số phiếu bầu. Đảng cánh hữu Tự do về thứ nhì với 27,4%, và dù lãnh đạo của đảng này, ông Heinz-Christian Strache có một quá khứ gây tranh cãi nhưng ông Kurz có khả năng sẽ cất nhắc một vị trí trong chính phủ của ông cho người này.
Trở thành người đứng đầu chính phủ cảu nước Áo sẽ là một bước nhảy xa trong sự nghiệp chính trị bắt đầu từ 8 năm trước của ông Kurz, khi ông tốt nghiệp trường luật, sau đó đắc cử vị trí lãnh đạo nhánh trẻ của đảng Nhân dân, và trở thành lãnh đạo cao nhất của đảng này vào hồi tháng 5 vừa qua.