Nước ngọt và nỗi lo áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Thanh Giang 15/09/2017 09:00

“Việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT), nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ đẩy ngành sản xuất nước ngọt vào “chân tường”, ngành này sẽ đứng trước nguy cơ thu hẹp sản xuất, giảm doanh thu… là ý kiến nhiều doanh nghiệp đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Luật Thuế do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.

Nước ngọt bị đưa vào danh sách mặt hàng áp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ngay sau khi Bộ Tài chính đề nghị bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, Hiệp hội Bia rượu – Nước giải khát Việt Nam lên tiếng không ủng hộ.

Ông Nguyễn Tiến Vị - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu – Nước giải khát Việt Nam cho biết, nếu nước ngọt bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt thì ở mức 10%, cộng với 10 – 12% VAT, cộng 5% VAT đường; giá thành đầu vào tăng, chắc chắn giá bán sản phẩm cũng tăng.

Dự kiến, giá sản phẩm sẽ tăng khoảng 12%, tức là từ 5.000 đồng/lít sẽ tăng lên thành 5.600 đồng/lít. “Việc tăng VAT, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ đẩy ngành sản xuất nước ngọt vào “chân tường”, ông Vị nhấn mạnh.

Hiệp hội Bia rượu – Nước giải khát Việt Nam cho rằng, không nên đánh đồng các loại nước ngọt như hiện nay (trừ nước trái cây 100% tự nhiên và sữa).

Cần phải làm rõ nước ngọt có gaz, không gaz… sản phẩm có đường khác cũng nên xem xét tạo công bằng. Đồng quan ngại việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt nêu trên, ông Khuất Quang Hưng, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ cho rằng, phải cân nhắc kỹ trước khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng nước ngọt.

“Có thể đánh giá từng mặt hàng cụ thể, bởi vì khái niệm nước ngọt quá rộng. Đối tượng bao gồm cả những sản phẩm có ích cho sức khỏe, sản phẩm cho trẻ em có sử dụng đường rất dễ áp dụng tính vào mặt hàng nước ngọt.

Nước trái cây và rau quả tốt cho sức khỏe cũng chứa phụ gia và đường. Cách tiếp cận này thiếu công bằng cho các sản phẩm có hàm lượng đường khác nhau, đồng thời không khuyến khích doanh nghiệp giảm hàm lượng đường trong sản phẩm”, ông Khuất Quang Hưng góp ý.

Ông Nguyễn Hải – Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam nêu quan điểm, đánh thuế nước ngọt là ảnh hưởng trực tiếp tới ngành đường. Đặc biêt, không cẩn trọng thì nông dân thiệt hại.

Theo tính toán, trên thế giới bình quân một người tiêu thụ khoảng 23 - 24kg đường/năm, có những nước dùng nhiều thì đạt đến 40kg/người/năm.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Công thương, mức tiêu thụ chỉ khoảng 17kg đường/người/năm. Như vậy mức tiêu thụ đường bình quân của Việt Nam thấp hơn mức thế giới, cho nên đây không phải là điều đáng lo.

Lý giải việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng VAT đối với nước ngọt, Bộ Tài chính khẳng định, theo các nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, việc lạm dụng nước ngọt dẫn đến béo phì và tiểu đường.

Chưa hết, Quỹ Nâng cao sức khỏe Victoria, Úc, cùng nhiều nghiên cứu khác cũng chứng minh, sử dụng nước ngọt gắn với tăng cân, béo phì.

Do vậy, để định hướng và hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có đường các nước trong khu vực đã thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng nước ngọt.

Bộ Tài chính cũng thông tin thêm, các nước châu Âu áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này khá cao. Đơn cử, Pháp thu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức tuyệt đối 0,72 euro/lít, Phần Lan thu 0,075 euro/lít, Hungary thu tuyệt đối là 0,04 euro/chai hoặc 1 lon, Hà Lan thu 0,09 USD/lít…

Theo Bộ Tài chính, để hướng dẫn điều tiết tiêu dùng đối với đồ uống có đường và phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với hai phương án thuế suất. Phương án 1: áp dụng mức thuế suất 10% từ năm 2019, phương án 2: áp dụng thuế suất 20% từ năm 2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước ngọt và nỗi lo áp thuế tiêu thụ đặc biệt