Xã hội

Nước sạch nông thôn - Kỳ cuối: Loay hoay tìm mô hình vận hành

NHÓM PHÓNG VIÊN 27/03/2024 10:11

Quảng Ninh đang tập trung xây dựng, hoàn thiện Đề án “Cấp nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025”, với tổng kinh phí đã được khái toán gần 750 tỷ đồng. Trong bối cảnh nhiều dự án cấp nước nông thôn trước đây chưa thực sự phát huy được hiệu quả, thì việc đặt bút phê duyệt Đề án là vấn đề lớn.

anh-chinh.jpg
Công trình bể chứa, bể lọc Khe San cấp nước sinh hoạt cho gần 1.000 hộ dân xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên). Ảnh: Đông Bắc.

“Bắt bệnh” các mô hình quản lý

Tính tới thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 232 công trình nước sạch nông thôn đang hoạt động, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Các công trình này đang được vận hành, quản lý theo 4 mô hình chính gồm: Cơ quan nhà nước (UBND cấp xã) quản lý 239 công trình; Đơn vị sự nghiệp quản lý 14 công trình; Doanh nghiệp có vốn nhà nước quản lý 23 công trình; Tư nhân quản lý 2 công trình.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Quảng Ninh, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 99%. Thực tế cho thấy, tỷ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch đạt cao so với mặt bằng chung của cả nước, song một số nơi chưa thực sự bền vững. Nhiều địa bàn nông thôn khác ở Quảng Ninh đã được đầu tư công trình nước tập trung, song người dân lại quay về sử dụng nước khe, suối, giếng khoan, giếng đào…

Nhìn nhận về vấn đề này, một lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cho biết: Công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng một số dự án nước sinh hoạt (cả tập trung và phân tán) chưa được quan tâm. Một số dự án cấp nước sinh hoạt chưa có cơ chế quản lý, hoặc quản lý chưa chặt chẽ. Nhận thức trong quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước sinh hoạt của một số hộ dân còn hạn chế.

Đánh giá về công tác quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng các công trình nước sạch nông thôn, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh đưa ra nhận định: Đội ngũ quản lý, vận hành các công trình nước sạch nông thôn dù đã được đào tạo nhưng chưa chuyên sâu, năng lực quản lý vận hành còn hạn chế. Đối với các công trình do UBND cấp xã quản lý (được vận hành thông qua mô hình hợp tác xã, tổ tự quản), đội ngũ làm công tác quản lý, vận hành không có chuyên môn, chưa được đào tạo (hầu hết là kiêm nhiệm) nên công trình vận hành không ổn định.

Đối với các công trình cấp nước có quy mô lớn (hệ thống xử lý phức tạp, do các trung tâm, doanh nghiệp quản lý), do mức giá bán nước khu vực nông thôn thấp hơn giá thành sản xuất, chi phí quản lý vận hành lớn nên nguồn kinh phí để thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, cải tạo nâng cấp còn rất hạn chế, chủ yếu chỉ để thực hiện khắc phục sự cố, dẫn đến công trình bị hư hỏng, xuống cấp nhanh.

Đối với các công trình cấp nước quy mô nhỏ (các công trình cấp nước tự chảy do UBND cấp xã quản lý), hầu hết các công trình này không thu phí sử dụng nước, nguồn kinh phí phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách địa phương, nên công tác duy tu, bảo dưỡng công trình không được quan tâm. Nhiều công trình bị hư hỏng nhỏ không được xử lý, khắc phục kịp thời dẫn đến hư hỏng lớn khó xử lý, lâu dần dẫn đến công trình không hoạt động được.

anh-nho.jpg
Người dân xã Phong Dụ sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Đông Bắc.

“Kê đơn” cho quản lý nước sạch nông thôn

Huyện Tiên Yên - một huyện miền núi phía Đông của tỉnh Quảng Ninh, đang được xem là nơi thực hiện đầu tư, quản lý và sử dụng các công trình cấp nước tập trung nông thôn một cách bài bản, hiệu quả nhất. Đây cũng là 1 trong 2 địa phương của tỉnh Quảng Ninh mới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tính đến hết năm 2023, tổng số công trình cấp nước trên địa bàn huyện Tiên Yên là 54 công trình. Trong đó 3 công trình do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Miền Đông quản lý; 51 công trình do địa phương (UBND cấp xã) quản lý. Riêng năm 2023, huyện Tiên Yên đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 3 công trình mới. Cả 3 công trình sau khi hoàn thành đã góp phần hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Tại xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên), địa bàn thụ hưởng công trình đập dâng nước Khe San và hệ thống đường ống, bể chứa, bể lọc cung cấp nguồn nước sạch, ông Nguyễn Chí Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hiện xã đã thành lập tổ tự quản để vận hành công trình nước sạch. Đồng thời xây dựng quy chế, mức thu phí sử dụng để có nguồn kinh phí bảo dưỡng định kỳ và sửa chữa những hư hỏng nhỏ trong quá trình sử dụng, đảm bảo hiệu quả sau đầu tư của công trình.

Trong một cuộc hội thảo gần đây do huyện Tiên Yên tổ chức, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh và nhiều sở, ban, ngành của tỉnh đã nêu ra một loạt vấn đề liên quan đến công tác quản lý, sử dụng, khai thác các công trình cấp nước tập trung nông thôn làm sao để đảm bảo phát huy tài sản công sau đầu tư nhưng phải phù hợp với phong tục, tập quán, thói quen và khả năng chi trả của người dân, để người dân được thụ hưởng...

Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Cần phân định rõ ràng công tác quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sau đầu tư; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch nông thôn; tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn để bảo vệ nguồn nước; thực hiện nghiêm chức năng xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, vận hành và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.

Đối với việc xây dựng phương án giá nước sạch cho các công trình cấp nước tập trung nông thôn, UBND các địa phương và các đơn vị cấp nước cần sớm xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định tại Thông tư số 44/2021 ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính Quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt.

Đại diện Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh cũng nêu kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất thực hiện công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình thủy lợi và công trình nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định cụ thể về phân bổ, bố trí kinh phí hàng năm và cơ chế quản lý, vận hành đồng bộ, có hệ thống.

Về đầu tư hạ tầng cấp nước sinh hoạt nông thôn, vị đại diện Ban Dân tộc tỉnh lưu ý: Đối với các dự án đầu tư mới đề xuất cần khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng về nguồn sinh thủy, suất đầu tư và khả năng khai thác, sử dụng sau đầu tư trước khi quyết định đầu tư.

Với việc gấp rút hoàn thành Đề án “Cấp nước sạch nông thôn đến năm 2025”, tỉnh Quảng Ninh đang hướng đến một mô hình quản lý, vận hành các công trình nước sạch nông thôn hiệu quả, để người dân được thụ hưởng thành quả đầu tư. Một mô hình thực sự hiệu quả, áp dụng thống nhất để quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước tập trung nông thôn đúng theo các quy định hiện hành là điều không chỉ tỉnh Quảng Ninh, mà nhiều địa phương khác đang mong đợi.

“Phải có quyết tâm chính trị từ cấp ủy, sau đó là chỉ đạo của ủy ban đến các phòng, ban, rồi đến lãnh đạo thôn, khu, cho đến các hộ dân, để làm sao người dân được thụ hưởng nước sạch” - Ông Nghiêm Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước sạch nông thôn - Kỳ cuối: Loay hoay tìm mô hình vận hành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO