Quy trình nuôi loài động vật hoang dã phải đảm bảo trang trại luôn “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Tuyệt đối không cho người lạ vào chuồng trong giai đoạn vật nuôi đang mang thai.
Giải bài toán tìm hướng chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị và thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại theo Nghị quyết HĐND tỉnh Hà Tĩnh và HĐND thành phố Hà Tĩnh, phường Đại Nài rà soát, giao cho Hội Nông dân phối hợp, hướng dẫn hồ sơ thủ tục hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình chăn nuôi chồn hương.
Nắm bắt được cơ hội, vào giữa năm 2023, anh Trần Thanh Tiệp (SN 1986) cùng người bạn đồng hành Phan Văn Hoàng, ở tổ dân phố 8, phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh, bắt tay thực hiện mô hình nuôi nhốt giống chồn hương.
Từ mảnh đất hơn 300 m2 đất, anh Tiệp và anh Hoàng đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng chuồng trại, mua 70 con chồn giống về nuôi thử nghiệm. Quá trình nuôi cho thấy, chồn sinh trưởng tốt, thích nghi thời tiết ở Hà Tĩnh, ít dịch bệnh.
“Nuôi chồn quan trọng nhất là phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt. Hơn nữa, đây là loài động vật hoang dã nên quá trình chúng sinh sản phải được yên tĩnh, tránh người lạ tiếp cận dẫn đến sảy thai hoặc chồn mẹ gây hại đến con”, anh Tiệp nói.
Theo anh, quy trình nuôi của trang trại luôn “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Tuyệt đối không cho người lạ vào chuồng trong giai đoạn chồn đang mang thai. Khi chồn mẹ chuẩn bị sinh, anh đưa chúng sang một khu nuôi khác yên tĩnh hơn nhằm giảm căng thẳng cho cả mẹ và con.
Theo 2 nông dân 8X, để nuôi chồn đạt hiệu quả cao, người nuôi cần chú ý các bệnh về đường ruột và theo dõi kỹ vào mùa phối giống. Tại các thời điểm này, người nuôi phải vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, tiêm phòng đầy đủ cũng như cung cấp chế độ ăn nhiều dinh dưỡng hơn ngày thường.
Nguồn thức ăn như: trứng gà, cá, chuối, ốc… trên địa bàn TP Hà Tĩnh rất dồi dào. Bà con không dùng biện pháp bảo vệ thực vật trên thức ăn nên rất phù hợp để mở rộng mô hình.
Qua theo dõi, chồn hương nuôi khoảng 10 tháng tuổi là có khả năng sinh sản (trung bình 2 lứa/năm). Sau 1 năm vừa nuôi vừa đúc rút kinh nghiệm, đến nay anh Tiệp đã nhân đàn lên 170 con.
Giá bán bình quân 1 cặp chồn con từ 10 - 12 triệu đồng, chồn đực chiến 30 triệu đồng/con, chồn cái sinh sản có giá từ 15 - 20 triệu đồng/con, dự kiến mỗi năm anh Tiệp có thể thu lãi hàng trăm triệu đồng.
“Con số doanh thu, lợi nhuận đang là ước lượng, hiện chúng tôi đang tiếp tục nhân đàn chứ chưa xuất bán. Khoảng cuối năm nay hoặc đầu năm 2025 trang trại sẽ bán đồng loạt, đồng thời chuyển giao kỹ thuật nuôi cho bà con có nhu cầu học tập kinh nghiệm”, anh Phan Văn Hoàng tiếp lời người cộng sự.
Theo Bí thư Đảng ủy phường Đại Nài Trần Trọng Dũng, việc nuôi thành công chồn hương tại trang trại anh Trần Thanh Tiệp và Phan Văn Hoàng ở tổ dân phố 8 đã mở ra hướng đi mới trong việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi của phường Đại Nài nói riêng, thành phố Hà Tĩnh nói chung theo hướng an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đây cũng là tiền đề để TP Hà Tĩnh xóa bỏ dần chăn nuôi gia súc như trâu bò, lợn nông hộ sang nuôi các giống vật nuôi mới, có giá trị kinh tế cao và thân thiện với môi trường trong khu dân cư.
“Mặc dù đã lên phường 20 năm nhưng hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống vẫn đang người dân Đại Nài duy trì. Hiện quỹ đất cũng như nguồn thức ăn sẵn có rất dồi dào nên sắp tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình nuôi chồn hương cho bà con toàn phường”, Bí thư Đảng ủy phường Đại Nài cho biết thêm.
Chồn hương là một loài động vật hoang dã, điều kiện để được cấp phép chăn nuôi đối tượng này khá khắt khe. Tuy nhiên, giá trị kinh tế của loại vật nuôi này đem lại cho người nuôi rất cao nên khoảng 10 năm trở lại đây người dân Hà Tĩnh nói riêng, thành phố Hà Tĩnh nói chung mạnh dạn đầu tư vốn, học tập kỹ thuật để nuôi nhốt loài thú tỏa ra mùi hương hấp dẫn nhằm nâng cao thu nhập.