Nuôi dưỡng đam mê khoa học từ những cuộc thi sáng tạo

Thu Trang (thực hiện) 16/11/2016 09:15

“Tâm hồn và trí não con trẻ như một tấm bảng trống. Chúng ta cho đầu vào như thế nào thì đầu ra tương lai của các em cũng như vậy. Nếu từ nhỏ các em được trải nghiệm các bộ môn khoa học kỹ thuật, toán học, về độ chính xác cao, về lập trình, viết code… thì chắc chắn sẽ nuôi dưỡng cho các em về mặt tư duy logic, tư duy hệ thống...”- anh Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình Sách hóa nông thôn chia sẻ.

Anh Nguyễn Quang Thạch.

PV: Hiện nay có nhiều cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho lứa tuổi tiểu học, THCS. Liệu có sớm quá không khi các em ở lứa tuổi còn nhỏ đã bắt đầu tiếp xúc với chế tạo rô-bốt, với lập trình?

Anh Nguyễn Quang Thạch: Lúc tôi học lớp 4 cũng đã từng chế tạo được ra chong chóng bằng mo cau chạy dưới nước, lớp 8 cũng chế tạo được ra bóng nê ông làm bộ phận ngưng lạnh rượu. Tôi cũng từng mở radio xem hàng trăm lần với một câu hỏi luôn thường trực, tại sao nó nói được? Tôi cho rằng chính vì những năm tháng tuổi thơ được trải nghiệm chế tạo là những thông tin đầu vào đó thôi thúc tôi làm ra chương trình sách hóa nông thôn một cách chuyên nghiệp, mặc dù tôi không học về thư viện, không học về vận động chính sách hay truyền thông, nhưng đã tự học, tự khám phá được.

Vì thế, con trẻ hôm nay được tham gia vào tiến trình thi, thực hành khoa học kỹ thuật đến đỉnh cao, trong đó liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học, tôi cho rằng là chuyện rất bình thường, không hề tạo áp lực mà còn giúp nuôi dưỡng cho các em đam mê khoa học, tạo nghề cho các em trong tương lai. Khi đứa trẻ được trải nghiệm cả một quy trình từ A đến Z để làm ra một sản phẩm, để tham gia điều khiển được rô-bốt chạy được sẽ hình thành cho các em nhiều kỹ năng quý giá mà không phải trường lớp nào cũng dạy được.

Đương nhiên trong quá trình thực hiện, trải nghiệm các em cũng sẽ nuôi dưỡng được kỹ năng sống một cách tự nhiên, như một đầu ra nghiễm nhiên của giáo dục chứ không phải đi học các kỹ năng sống, giá trị sống ở các lớp học ngọn nữa. Đây là cách giúp nuôi dưỡng đam mê khoa học trong các em, nuôi dưỡng giá trị sống, kỹ năng sống, tạo nghề cho các em trong tương lai. Tạo nghề có thể không phải chỉ ở tầm vóc quốc gia nữa, mà là công dân toàn cầu.

Có một thực tế là đa số các cuộc thi thường tổ chức ở các thành phố lớn. Trẻ em ở nông thôn vẫn ít được tham gia, thưa anh?

- Tôi theo đuổi chương trình Sách hóa nông thôn đã 19 năm rồi, tôi cũng rất trăn trở trong việc làm thế nào để con trẻ nông thôn được tiếp cận những tri thức khoa học, tiếp cận sách vở như con trẻ thành thị. Về mặt sách, chúng tôi đã có chương trình sách hóa nông thôn, nhưng còn về mặt máy tính, mặt tiếp cận STEM thì chưa có nhiều. Đến với những cuộc thi chỉ tổ chức quy mô ở các thành phố lớn tôi rất thương trẻ em nông thôn, vì các em bị khuyết thiếu quá lớn.

Bên chương trình Sách hóa nông thôn chúng tôi cũng có tiếp cận với Cty sách Long Minh làm STEM tái chế cấp thấp, một phần bù lại thiệt thòi cho các em, hi vọng những cuộc thi như thế này sẽ lan đến cấp huyện, đẻ trẻ em nông thôn được trải nghiệm. Nhưng chắc chắn phải có nhà nước vào cuộc, doanh nghiệp vào cuộc tham gia vào tiến trình giáo dục. Chẳng hạn các cuộc thi cấp huyện ngân sách phải cấp ra để tổ chức, trẻ em nông thôn sẽ được lợi.

Theo anh có nên đưa vào chương trình sách giáo khoa những nội dung về sáng tạo khoa học, kỹ thuật phù hợp?

- Điều này đã được thực hiện từ lâu ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Ở Việt Nam, theo tôi rất cần đưa vào chương trình sách giáo khoa để tất cả học sinh, dù ở thành thị hay nông thôn đều được tham gia, trải nghiệm, sáng tạo, được nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học từ thuở nhỏ…

Đương nhiên các cuộc thi như Robotcon chẳng hạn sẽ tạo ra định hướng cho từng con người. Những đứa trẻ được tham gia vào quá trình lập trình, vào quá trình thi chính là quá trình nuôi dưỡng các loại năng lực như tư duy logic, tư duy hệ thống. Những đứa trẻ từ nhỏ được trải nghiệm như thế này sẽ có năng lực làm việc chi tiết, đồng thời có cái nhìn tổng quan, sẽ đào tạo nghề cho công dân chúng ta trong tương lai.

Trân trọng cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nuôi dưỡng đam mê khoa học từ những cuộc thi sáng tạo