Nút thắt trường học Thủ đô

Bảo Thư 03/07/2023 07:05

Ngày 12/10/2022, tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tại quận Hoàng Mai, ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội nói: “Quận Hoàng Mai mới phải tổ chức bốc thăm vào lớp học mầm non. Tôi nghe báo chí đăng tải mà xót ruột quá!". Đến ngày 1/7/2023, phát biểu tiếp thu giải trình tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, một lần nữa ông Dũng đề cập đến tình trạng thiếu trường công lập và nhận định "Hà Nội là điển hình".

Chuyện Hà Nội thiếu trường học (trường công) đã kéo dài nhiều năm. Nguyên nhân chính là do dân số tăng nhanh và ít trường học được xây mới, do thiếu đất. Tuy nhiên, Hà Nội cũng tồn đọng nhiều diện tích đất “bỏ hoang” khi mà nhiều dự án “đắp chiếu” không bị thu hồi. Hiện Hà Nội có 2,3 triệu học sinh, đông nhất cả nước, chiếm tới 1/10 tổng số học sinh cả nước nhưng trường học vẫn thiếu trầm trọng. Vì thế, ở bậc tiểu học, thay vì chuẩn 35 học sinh 1 lớp thì có lớp lên tới 60 học sinh.

Ngày 1/7, phát biểu với cử tri, ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết trong quá trình phát triển, dân cư tăng rất nhanh, nhất là gia tăng dân số cơ học nên lúc nào cũng thấy thiếu trường, thiếu lớp. Cạnh đó, ông Dũng chỉ rõ quá trình quản lý vừa qua có "những vấn đề bất cập ngay trong nội tại của Hà Nội" khi mà nhiều dự án đầu tư xây dựng khu đô thị 10-15 năm, dân cư ở ổn định rồi nhưng các quy hoạch, cơ sở về công trình xã hội, đặc biệt là trường học được đầu tư rất chậm.

Về giải pháp, ông Dũng cho biết Hà Nội đã và đang thu hồi một loạt khu đất để làm trường học trong các khu đô thị, theo phương thức đầu tư công hoặc kêu gọi xã hội hóa. "Cách như vậy, chúng ta sẽ dần khắc phục được thiếu trường, thiếu lớp" - ông Dũng nói.

Tuy nhiên, câu chuyện trường học ở Thủ đô vẫn rất nan giải. Điển hình là quận Hoàng Mai với 21 dự án trường học chậm triển khai nhiều năm tại một số dự án khu đô thị. Vì thế mới có chuyện phụ huynh phải “bốc thăm” may rủi để kiếm chỗ cho con đi học. Chủ tịch quận Hoàng Mai cho biết, trên địa bàn quận mỗi năm tăng từ 4.000 - 5.000 học sinh. Quận thiếu 10 trường mầm non, hơn 10 trường tiểu học. Còn theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, sĩ số học sinh của khối mầm non đến trung học phổ thông của quận Hoàng Mai trung bình là 50 học sinh/lớp, có lớp 60 học sinh/lớp, đều vượt xa tiêu chuẩn sĩ số lớp theo quy định.

Cũng có thể dẫn chứng thêm một trường hợp, đó là khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai): Trong quy hoạch sẽ có 23 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông nhưng dân đến ở đã lâu mà vẫn tuyệt nhiên không có bất cứ một trường công lập nào.

Được biết, Nghị quyết số 02 (ngày 8/4/2022) của HĐND TP Hà Nội là thành phố sẽ triển khai 139 dự án trường học với tổng mức đầu tư 8.873 tỷ đồng. Con số này cho thấy Hà Nội đang thiếu trường học ghê gớm. Hà Nội hiện có 12 quận và 17 huyện nhưng chỉ có 116 trường trung học phổ thông công lập, chính vì thế mà trong vòng 10 năm trở lại đây tỉ lệ “chọi” vào lớp 10 luôn cao nhất cả nước. Hiện Hà Nội đã ban hành kế hoạch xây mới 7 trường phổ thông nhiều cấp học "tiên tiến, hiện đại", sẽ được xây dựng từ đầu năm 2024, hoàn thành vào năm 2025 với tổng kinh phí 2.500 tỷ đồng. Các trường học này sẽ được xây dựng tại các quận/huyện: Hà Đông, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Thanh Trì, Sóc Sơn, Thạch Thất.

Như vậy, dù có chuyển biến, nhưng tốc độ vẫn quá chậm, không đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô. Xây dựng trường lớp, phát triển hệ thống giáo dục công không mang lại lợi nhuận kinh tế nhưng vô cùng hệ trọng trong ý nghĩa chuẩn bị những thế hệ công dân hữu ích cho đất nước.

Vậy, làm gì để “giải cơn khát” trường học ở Hà Nội? Nhiều ý kiến cho rằng cần tháo gỡ 2 nút thắt. Thứ nhất, kiên quyết thu hồi các dự án sử dụng đất nhưng chậm triển khai, vi phạm quy định để xây trường. Thứ hai, yêu cầu chủ đầu tư dự án khu đô thị phải xây dựng hạ tầng trường học, bệnh viện trước mới cho bán nhà. Muốn gỡ được 2 nút thắt đó đòi hỏi lãnh đạo thành phố cần có quyết tâm rất lớn trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương. Và cũng nên coi đó là nút thắt thứ ba cần tháo gỡ. Vì rằng, nếu như chủ dự án các khu đô thị mới buộc phải xây trường học xong mới được bán nhà thì phụ huynh sẽ không phải “bốc thăm” chỗ học cho con. Và nếu như lãnh đạo thành phố quyết liệt thu hồi những dự án chiếm đất không chịu triển khai để dành cho việc xây trường học thì chắc chắn Hà Nội sẽ không thiếu trường học như suốt hàng chục năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nút thắt trường học Thủ đô