Tỉnh Đồng Nai được xem như “thủ phủ” chăn nuôi heo của cả nước, với tổng đàn khoảng 2,6 triệu con; bình quân mỗi tháng cung ứng ra thị trường khoảng 37 nghìn tấn thịt heo. Bên cạnh một số đơn vị chấp hành tốt bảo vệ môi trường thì còn nhiều nơi hoạt động chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đặc biệt là một số cơ sở chăn nuôi gia công cho các công ty, tập đoàn nước ngoài. Trong 2 năm (2021-2022), qua kiểm tra đã phát hiện 129 cơ sở vi phạm về bảo vệ môi trường (BVMT); xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 8,4 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động có thời hạn 7 cơ sở.
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định phê duyệt danh sách trên 3.000 cơ sở chăn nuôi (gia súc, gia cầm) ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Trong đó, gần 2.150 cơ sở buộc phải di dời, và trên 860 cơ sở ngưng chăn nuôi. Bên cạnh đó, từ 15/4 đến 15/7, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND 11 huyện, thành phố tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT đối với gần 10.000 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Đợt kiểm tra lần này nhằm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, góp phần phục hồi các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động chăn nuôi gây ra; lập danh sách cơ sở chưa đủ điều kiện về môi trường, quy hoạch. Sẽ công khai các cơ sở gây ô nhiễm. Trường hợp đã công khai cơ sở mà các công ty vẫn hợp đồng nuôi gia công thì phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các vi phạm về hoạt động chăn nuôi và BVMT.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, nhiều cơ sở nuôi heo vẫn gây ô nhiễm. Với người dân xã Lộ 25, huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai), đã từ lâu phải chịu đựng mùi hôi xuất phát từ những trang trại nuôi heo ở đây. “Cứ buổi chiều tối hoặc mỗi lần trời mưa là trại heo gần nhà lại xả thải khiến mùi hôi nồng nặc không chịu nổi. Nhiều bữa cơm chiều đang ăn thì mùi hôi của trại heo xộc thẳng vào nhà không thể nuốt nổi” - một người dân bức xúc.
Các hộ sinh sống gần trại heo này đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Còn ở thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất), người dân cho biết, vào ban đêm mùi rất hôi, bay xa tới 2-3km. Người dân bức xúc đi báo chính quyền địa phương. Nhưng phạt xong rồi đâu lại vào đó.
Cách huyện Thống Nhất khoảng 50km là “thủ phủ” heo Xuân Lộc. Đây cũng là một trong những địa phương có tổng đàn heo lớn nhất tỉnh Đồng Nai. Ông Trần Duy Nguyện - Chủ tịch UBND xã Suối Cao, địa phương có nhiều hộ nuôi heo cho biết, xã không thể vào kiểm tra được vì đây là trang trại do tỉnh cấp phép, chỉ có Chi cục BVMT mới được kiểm tra.
Được biết, hầu hết các doanh nghiệp nuôi heo được tỉnh Đồng Nai cấp phép xây dựng trang trại đều theo hình thức xây dựng xong phần chuồng trại rồi cho các công ty nước ngoài thuê lại để chăn nuôi. Hiện nay, để xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn quy mô hàng nghìn con heo trở lên thì nhà đầu tư phải bỏ ra kinh phí rất lớn.
Với các dự án chăn nuôi heo lớn do tỉnh cấp phép đầu tư trên địa bàn các xã, gần như người dân địa phương không được hưởng lợi ích gì, vì về cơ bản các trang trại không sử dụng nhân công tại chỗ, trong khi phải gánh chịu nỗi lo về ô nhiễm, đường sá nông thôn thì xuống cấp do các trang trại vận chuyển heo, thức ăn có tải trọng lớn.