Ở nơi bắt đất nhả vàng

Song Nguyên 29/09/2017 10:00

Vốn là một trong những huyện nghèo của miền đất chiến khu một thời Tuyên Quang, chục năm về trước, những người dân thuộc các dân tộc như Tày, Nùng, Mông, Dao của huyện Hàm Yên luôn rơi vào tình cảnh túng thiếu trên những mảnh nương đầu núi, mom đồi của mình. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ trái cam đặc sản mà người Hàm Yên, trong đó có không ít các gia đình người dân tộc thiểu số không những vươn lên làm giầu mà còn được mệnh danh là các gia đình triệu phú, tỷ phú!


Niềm vui mùa cam chín.

Chuyện một gia đình tỷ phú

Mùa này, cữ may sương Thu đã bắt đầu giáng ven chân núi trong mỗi độ chiều hay sáng. Dọc đường Quốc lộ số 2 qua thủ phủ “miền gái đẹp” có tên Tuyên Quang để nối chân lên huyện Hàm Yên, đặc biệt khi đi qua thị trấn Tân Yên, với cây cầu Bắc Mục gợi sự đói no một thời, cam sớm đã bắt đầu cho thu quả. Cùng với đó là sự tấp nập của người dân, dựng lều, căng bạt, bắc điện, nhóm lửa ven đường để cắt và bán cam cho xe, cho khách từ mọi miền tìm về lấy hàng.

Cam và cam, cây trĩu quả, hanh một màu xanh vàng kéo dọc theo bờ con sông Lô đầy huyền thoại. Giữa màu xanh của lá, màu xám của đá và trĩu cành của cam, sự no ấm không nói sẽ hiển hiện trong mắt, trong lòng, trong suy nghĩ của không ít người khi bước chân lên với đất này. Cùng với đó là những ngôi nhà thiết kế theo kiểu dáng biệt thự, xây có, nhà sàn có vươn lên xóa đi sự khô cằn gian khó của núi, đá; của những dáng đi về thoăn thoắt mềm dẻo lưng ong áo chàm thôn nữ.

Ghé vào bất cứ sạp bán cam, bất cứ nhà dân nào bên vệ đường mà hỏi thu nhập, người ta sẽ có những số liệu liệt kê về tiền của những hộ gia đình, trong các vụ cam màu trước. Toàn tiền trăm, tiền tỷ cả, chả mấy thuyết phục nếu không thực tế nhìn tận mắt với những gì đang hiển hiện ở miền đất nổi tiếng nghèo khó một thời có tên Hàm Yên này!

Ngược lại 10 năm về trước, nói đến cuộc sống của những người anh em Tày, Nùng, Mông, Dao của huyện Hàm Yên trên đây, đói kém luôn là nỗi lo toan thường trực của họ. Tuy nhiên, không mãi chịu cảnh dậm chân tại chỗ, chấp nhận số phận và nhờ sự trợ giúp, họ đã lần hồi đi tìm giống cây đặc sản cho mình. Hàng chục, hàng trăm giống các loại cây, từ bản địa đến các vùng miền khác đưa về trong đó có cây cam. Và may mắn, trong sự lam lũ kiếm tìm này, cây cam đã bén duyên và được người dân đưa lên núi phá thế, bắt núi, bắt đồi phải quy phục để từ đó mà phải nhả vàng cho các hộ gia đình sau mỗi mùa thu hoạch.

Trong các gia đình nổi tiếng về thu nhập từ cây cam, cái tên Trần Thị Tuyết, thôn Lăng Đán, xã Phù Lưu luôn được nhiều người dân nhắc đến. Tôi tìm vào nhà Tuyết, khi nắng đang cữ rát nhất của đỉnh tiết Thu mà thấy những sự choáng ngợp đang hiển hiện ra. Nhà đẹp, vườn đẹp, vật dụng tiêu dùng đẹp cùng với đó là hơn 2ha cam trải dài ngút ngát, chen đá mà lên đến giữa lưng chừng đồi.


Thêm một mùa cam bội thu với triệu phú trẻ Trần Thị Tuyết.

Trong ngôi nhà như chưa hề có sự hiển hiện nghèo khó một thời, Tuyết đưa chúng tôi ngược về quá vãng của những năm khốn khó trước khi cây cam và sự nhận thức về đặc sản chưa đến cùng người dân. Cũng như các hộ gia đình Tày, Nùng, Dao sống ở Lăng Đán này, mươi năm về trước, nhà Tuyết cũng khốn khó lắm. Đất đai thì hạn hẹp, đồi núi và những mảnh đất thiếu chất mùn ở đây như một thách đố và cùm kẹp người dân. Hết ngô, rồi khoai, lại sắn, năm đôi vụ thu hoạch, dù có chăm sóc đến thế nào đi chăng nữa nhưng giá trị bán đổi thấp nên dân và gia đình Tuyết cứ mãi nghèo.

Rồi đi tìm kiếm cây đặc sản có giá trị hơn, hết chuối, táo rồi na, lại ổi nhưng những giống cây vốn là đặc sản của các miền đất khác đã không chịu bén duyên, bén rễ và cho người dân đất này những thu hoạch. Rồi lại kiếm tìm, thế rồi như một duyên may, cây cam được đưa về. Một nhà trồng, hai nhà trồng, cây cam đã thực sự chọn đất để vươn lộc vươn cành. Rồi những nhà trồng trước có thu nhập, những hộ sau thấy vậy học theo. Tùy mỗi hoàn cảnh, túi tiền, nhà ít mua vài chục, nhà có điều kiện mua vài trăm cành và dọn đất, đào hố, găm cây và chăm sóc. Rồi màu xanh của cây cam loang dần, chế ngự đá núi và bắt đầu bắt đá, bắt đồi nhả vàng cho dân.

Nhà Trần Thị Tuyết, với hơn 2ha cam, do vợ chồng cần mẫn, bỏ công chăm sóc nên được coi là một trong những vườn đẹp và có thu nhập của thôn Lăng Đán. Gần 10 năm theo trồng cây đặc sản, 6 năm cam cho thu hoạch, năm vừa rồi nhà chị được 80 tấn quả. Tổng cộng cả lúc bán sớm, bán muộn, giá cam được hay mất, tổng kết niên vụ vừa qua chị đã có thu nhập tới gần 1 tỷ đồng. Đây là một con số có thể gọi là nằm mơ không có với dân nghèo Lăng Đán cũng như cả xã Phù Lưu những năm về trước khi cây cam chưa xuất hiện.


Mùa cam sành.

Trái vàng chinh phục phương xa
Cam Hàm Yên hiện đang được người dân trên địa bàn cũng như khách phương xa mệnh danh là trái vàng. Không coi là trái vàng sao được vì sau mỗi mùa cam, ngoài sự nghèo khó của mỗi gia đình được xóa đi nhanh chóng thì còn là nhà lầu xe hơi hiện diện trên miền đất khó này. Nếu không lên với Hàm Yên, người ta sẽ ít khi tin được những chàng trai cô gái dân tộc nghèo khó một thời trên đây giờ đã biết sử dụng những loại xe máy đắt tiền, trong đó có cả ô tô.

Niềm vui đến với cam Hàm Yên, người Hàm Yên đấy chính là vừa qua cam đất này đã được đưa vào danh sách bình chọn là 1 trong 10 loại quả ngon nhất Việt Nam. Hiện, theo thống kê của huyện Hàm Yên, cây cam đang trở thành cây đặc sản có ưu thế và ưu tiên trồng tập trung, có quy hoạch tại các xã Nhân Mục, Phù Lưu, Tân Thành. Cũng theo thống kê, hiện huyện có khoảng 5.000ha cam đã được trồng trong đó đã có tới 3.200 ha đang cho thu hoạch với tổng sản lượng niên vụ 2015 - 2016 là trên 43.000 tấn.

Quy hoạch vùng trồng, tạo thương hiệu và kiếm tìm đầu ra luôn là chủ trương lớn, một sự chú ý với tỉnh Tuyên Quang và huyện Hàm Yên. Ngoài trồng theo tự nhiên thì việc định hướng và khuyến khích trồng cam theo các tiêu chí, tiêu chuẩn, trong đó có tiêu chuẩn VietGAP đang được triển khai mạnh. Vì việc chú ý tạo thương hiệu, chất lượng này mà cam Hàm Yên đã xâm nhập vào hệ thống các siêu thị như BigC, Metro, Saigon Co.opmart…

Theo UBND huyện Hàm Yên, trước đây, Phù Lưu là xã nghèo khó của huyện Hàm Yên, với 65% số hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm cao, nhưng những năm gần đây, cam sành được mùa, được giá đã giúp đời sống người dân nâng lên. Hiện nay, tỷ lệ hộ giàu của xã chiếm 50%; số hộ khá, trung bình chiếm khoảng hơn 40%... Từ bán cam, nhiều gia đình xây được nhà cao tầng, sắm được những phương tiện sử dụng đắt tiền như ô tô.

Đặc biệt hơn, thời gian vừa qua, cam sành Hàm Yên đã chính thức tìm vào với vựa trái cây phương Nam để tiêu thụ. Và cũng theo thống kê, vài năm trở lại đây, 60% sản lượng cam đủ tiêu chuẩn của Hàm Yên đã được tiêu thụ tại miền Nam trong đó có những thị trường lớn và khó tính như Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ… Để giúp người dân mở rộng diện tích cam và xây dựng thương hiệu cam sành, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện hỗ trợ vốn vay cho người nghèo (với 30 triệu đồng/ha), cụ thể hộ nghèo vay vốn được hỗ trợ 100% lãi suất; hộ cận nghèo được hỗ trợ 70% lãi suất và các hộ khác được hỗ trợ tới 50% lãi suất.

Một mùa vàng nữa đang về với người dân Hàm Yên, xuôi sông Lô và Quốc lộ 2 tôi về, nhớ mãi câu chuyện và sự thống kê của ông Đỗ Hữu Ước, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu. Theo ông Ước, hiện Phù Lưu là xã có diện tích trồng cam lớn nhất tỉnh, với hơn 1.800ha, trung bình mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 15.000 tấn quả, doanh thu gần 200 tỷ đồng. Cũng nhờ thương hiệu cam sành, Phù Lưu được biết đến là xã có đến 41 tỷ phú chân đất đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/hộ/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ở nơi bắt đất nhả vàng