Trong khi người Mỹ và châu Âu đang háo hức chờ đợi kỳ nghỉ lễ bình thường nhất của họ khi dịch Covid-19 có dấu hiệu lắng xuống, thì biến thể Omicron lại gieo rắc nỗi sợ hãi và sự không chắc chắn mới cho du khách, người mua sắm và toàn bộ nền kinh tế.
Cảm giác lo lắng
Ban nhạc Rockettes đã phải hủy bỏ buổi biểu diễn Giáng sinh của họ ở New York. Một số nhà hàng ở London đã vắng khách khi hành khách tránh xa trung tâm thành phố. Các chương trình Broadway đang hủy bỏ một số buổi biểu diễn. Liên đoàn Khúc côn cầu quốc gia đã đình chỉ các trận đấu cho đến sau lễ Giáng sinh. Thành phố Boston có kế hoạch yêu cầu thực khách, người vui chơi và người mua sắm xuất trình chứng nhận được tiêm phòng để vào các nhà hàng, quán bar và cửa hàng.
Cảm giác lo lắng dâng cao trước biến thể Omicron siêu lây nhiễm đã bắt đầu làm xói mòn niềm hy vọng mới nhen nhóm của một số người dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi biến thể này đã nhanh chóng trở thành phiên bản virus thống trị ở Mỹ.
Trong khi đó, nhiều người vẫn đi lại, mua sắm và tụ tập mặc dù có sự thận trọng hơn. Du lịch hàng không vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Nhiều cửa hàng và nhà hàng vẫn đang có doanh thu ổn định và Omicron vẫn chưa thể khiến khán giả rời xa các rạp chiếu phim.
Đặc biệt, cuối tuần qua, một lượng khán giả kỷ lục đã đổ đến rạp để xem bộ phim “Người Nhện” mới. Ông Steve Buck, Giám đốc chiến lược của EntTelligence cho biết, rạp chiếu phim vẫn chưa bị Omicron cản trở.
Điều quan trọng là vẫn chưa ai chắc chắn được rằng, rốt cuộc Omicron sẽ tác động thế nào đến “sức khỏe” của các nền kinh tế phương Tây, vốn đã trải qua giai đoạn suy thoái rồi phục hồi mạnh mẽ kể từ đầu năm 2020.
Ông Robin Brooks - nhà Kinh tế trưởng tại Viện Tài chính quốc tế cho biết: “Các biến thể vẫn liên tục xuất hiện. Xác suất về một biến thể cực kỳ nguy hiểm mà chúng ta nhận được là bao nhiêu? Không ai có bất kỳ câu trả lời nào. Tất cả đều vẫn rất khó nói”.
Liệu Omicron có gây bùng phát tại các nhà máy và bến cảng, làm gián đoạn hoạt động và làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn của chuỗi cung ứng vốn đã buộc giá cả tăng cao và góp phần gây ra đợt lạm phát nóng nhất ở Mỹ trong nhiều thập kỷ?
Liệu mọi người sẽ lại phải ở trong nhà và chi tiêu ít hơn cho các dịch vụ như: bữa ăn tại nhà hàng, buổi hòa nhạc, khách sạn. Điều này có thể làm suy yếu nền kinh tế nhưng có khả năng xoa dịu áp lực lạm phát?
Liệu kế hoạch quay trở lại văn phòng đối với những nhân viên hành chính có bị trì hoãn vô thời hạn, gây ảnh hưởng sâu sắc hơn đến các doanh nghiệp ở trung tâm thành phố? Hay Omicron sẽ phủ “bóng đêm” mới khi làm chậm quá trình phục hồi nền kinh tế từ cuộc suy thoái do đại dịch từ năm 2020?
Dấu hiệu của sự giảm tốc
Sợ hãi trước sự không chắc chắn và lo sợ về các tình huống xấu nhất, các thị trường chứng khoán trên khắp thế giới đã bán tháo trong 3 ngày trước khi quay lại đà phục hồi hôm 22/12.
Bà Megan Greene - nhà Kinh tế trưởng toàn cầu tại Viện Kroll cho biết: “Chúng tôi không biết liệu điều này là tốt hay xấu đối với tăng trưởng hoặc lạm phát trong trung hạn”. Việc chưa thể đánh giá hậu quả lâu dài của Omicron đã khiến các doanh nghiệp, người tiêu dùng và các nhà hoạch định chính sách phải vật lộn để đối phó với mối đe dọa này.
Cô Danielle Ballantyne - một chuyên gia dinh dưỡng ở Chicago, đã lên kế hoạch đến thăm một số cửa hàng và tìm kiếm nguồn cảm hứng cho những món quà ngày lễ. Nhưng khi Omicron lan rộng, cô ấy bỏ ý định đó để chuyển sang ở nhà và mua sắm trực tuyến.
“Từ những gì tôi đã nghe được, tôi hiểu Omicron dễ lây lan hơn, vì vậy, tôi đang cố gắng chọn lọc hơn nơi tôi đến trong điều kiện không gian công cộng lớn”- cô Ballantyne nói.
Tại các cửa hàng của mình ở các thành phố lớn như New York và Chicago, Untuckit đang báo cáo lượng khách hàng giảm 15%, tương tự như những gì nó đã trải qua khi biến thể Delta bắt đầu lan rộng vào mùa hè năm ngoái. Ông Aaron Sanandres - Giám đốc điều hành của công ty cho biết: “Tình hình hiện nay tác động đến nhận thức của mọi người về sự thoải mái và an toàn cũng như mức độ sẵn sàng ra ngoài của họ”.
Các nước châu Âu cho đến nay đã tiến xa hơn Mỹ về số lượng ca nhiễm mới, với các hạn chế từ việc đóng cửa hoàn toàn ở Hà Lan đến các quy định về khẩu trang trong nhà ở Anh.
Một nhà hát ở miền Tây nước Anh đã phải hoàn lại 240.000 USD tiền vé. Advantage Travel Group - đại diện cho các đại lý du lịch của Vương quốc Anh, cho biết, hoạt động kinh doanh như các chuyến bay, du lịch trên biển và các kỳ nghỉ trọn gói của họ đã giảm mạnh 40% so với một tháng trước đó.
Trong khi đó, một quán ăn ở trung tâm thành phố Madrid, Tây Ban Nha đã nhận được hàng loạt thông báo hủy chỗ trong một tuần gần đây.
Nhưng nỗi sợ hãi nhất hiện nay là biến thể Omicron sẽ tiếp tục làm gián đoạn quá trình sản xuất và vận chuyển, làm trầm trọng thêm tình trạng tồn đọng của chuỗi cung ứng và khiến lạm phát tiếp tục sôi sục.
Bên cạnh đó, có những lý do khác để cho rằng sự phục hồi có thể giảm tốc. Tại Mỹ, viện trợ kinh tế từ chi tiêu liên bang và chi phiếu cứu trợ đang giảm dần. Cục Dự trữ Liên bang đang giảm hỗ trợ kinh tế. Nền kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, cũng đang chậm lại.
Viện dẫn nguyên nhân từ Omicron và các yếu tố khác, Oxford Economics đã hạ thấp ước tính tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý IV xuống 7,3%, giảm 0,5% so với ước tính trước đó.