Không phải bây giờ làng nhiếp ảnh mới “có chuyện”, nhưng gần đây đã trở nên phức tạp hơn khi mà nhiều tác phẩm đoạt giải nhận đủ sự chê bai và không ít cuộc thi ảnh phải rút giải thưởng vì nhiều lý do khác nhau.
Có thể lấy một vài ví dụ mới nhất. Với tác phẩm “Chiều công trường” của tác giả Lâm Điều Trung đoạt Huy chương Đồng nhóm chủ đề ảnh tự do tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật truyền thống TPHCM lần thứ 49 năm 2024; thì ngay sau đó Hội Nhiếp ảnh TPHCM đã buộc phải ra quyết định hủy và thu hồi Huy chương đồng đối với tác phẩm. Lý do: phát hiện việc lấy mây trên mạng thay vào mây bầu trời trong ảnh.
Tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền Đông Nam Bộ, tác phẩm “Ánh sáng tương lai” của tác giả Nguyễn Kim Hoàn (Ninh Thuận) dù đã đạt giải Vàng nhưng rồi cũng bị phát hiện chụp ở địa điểm ngoài khu vực Đông Nam Bộ, vi phạm thể lệ của liên hoan này. Bị thu hồi giải.
Cũng còn phải kể đến những lùm xùm ở cuộc thi ảnh “Việt Nam điểm hẹn thế giới” 2024, khi mà có không ít tác phẩm đạt giải nhưng rồi cũng bị phát hiện phạm quy, bị “bóc phốt” từ giải Nhất đến giải Khuyến khích...
Những năm qua, cùng với công nghệ, nhiếp ảnh phát triển rầm rộ, phổ cập đến mức ai cũng có xu hướng trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh dù chỉ với một chiếc Smartphone trên tay. Yêu vẻ đẹp thiên nhiên, yêu cuộc sống, yêu con người và muốn lưu giữ những khoảnh khắc đặc biệt qua những bức ảnh là điều rất đáng quý. Tuy nhiên, với những cuộc thi, các tác giả gửi tác phẩm tham gia trước hết phải nắm được quy định của giải để không bị vi phạm. Cố nhiên việc cố tình vi phạm lại là chuyện khác.
Trong câu chuyện thu hồi giải sau khi trao, thì ngoài sự tự giác của tác giả thì trách nhiệm cao thuộc về ban tổ chức, hội đồng nghệ thuật của giải. Không thể cứ trao rồi lại rút giải vì phạm quy, vì gian dối hay vì chất lượng tác phẩm không thuyết phục số đông. Điều đó sẽ để lại những tác động xấu, ảnh hưởng tới sự sáng tạo thực sự của những người cầm máy chân chính. Những bức ảnh dự thi bị rút giải sau khi đã được trao trên thực tế đã chiếm “mất chỗ” của những tác phẩm xứng đáng.
Một việc khác cũng rất cần lưu ý, nói như nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Công Thắng - người sáng lập không gian trưng bày Ký ức nhiếp ảnh, nhiều cuộc thi nhiếp ảnh ở Việt Nam đều chưa đạt chuẩn về tính chuyên nghiệp. Từ khâu tổ chức, ban hành quy chế, nội dung thể lệ cuộc thi cho đến việc lựa chọn hội đồng giám khảo…
Trong khi đó, đại diện Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam lại cho rằng cảm nhận và đánh giá về nghệ thuật của mỗi người khác nhau. Việc nhiều người không tham gia lĩnh vực nhiếp ảnh nhưng lại tranh cãi về ảnh trên mạng xã hội là rất phiến diện.
Có thể nói, từ những tranh luận, ý kiến đánh giá rất trái ngược cho đến việc trao giải rồi rút giải đã khiến những người cầm máy hoang mang. Điều đó rất không có lợi cho phong trào nhiếp ảnh. Nhưng cũng thật đáng tiếc là trước những sự cố thì cũng không thấy tiếng nói thẩm định rõ ràng và cũng không có những biện pháp ngăn ngừa. Vì rằng, thực tế việc trao giải rồi rút giải ở các cuộc thi ảnh nghệ thuật sau khi bị phát hiện vi phạm, thì cũng chỉ rất cá nhân. Không thấy ban tổ chức giải, hội đồng nghệ thuật của giải nào vướng sự cố bị xử lý ra sao.
Đó là điều không công bằng và vì thế cũng không có tác dụng làm gương.