Giáo dục

Ôn thi tốt nghiệp THPT: Cách nào để đạt kết quả tốt?

XUÂN ĐOÀN 19/05/2024 09:15

Chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa, học sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo các thầy cô giáo, trong giai đoạn nước rút, phương pháp ôn tập phù hợp, nắm chắc các kỹ năng làm bài sẽ giúp thí sinh tự tin, sẵn sàng bước vào kỳ thi quan trọng.

1.jpg
Học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân, Hà Nội) ôn thi tốt nghiệp THPT.

Nắm chắc kiến thức cơ bản

Theo Bộ GDĐT, năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dạy học và thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Do đó, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản giữ ổn định cấu trúc như kỳ thi năm 2023 với 4 cấp độ nhận thức nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; phù hợp với các mục tiêu của kỳ thi.

Cô Nguyễn Thị Huyền Phương - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Đan Phượng (Hà Nội) chia sẻ: Khi thời gian chuẩn bị cho kỳ thi không còn nhiều, thí sinh cần tập trung nắm chắc kiến thức cơ bản gồm những nội dung trong sách giáo khoa và một số lưu ý mấu chốt trong cách làm bài thi. Với môn Ngữ văn, học sinh cần nắm chắc kiến thức về thể loại; các biện pháp tu từ và tác dụng nghệ thuật của biện pháp tu từ. Ngoài ra cần luyện tập cách đọc văn bản để nắm được nội dung văn bản nhanh nhất, biết liên hệ nội dung văn bản với cuộc sống và bản thân…

Dựa theo đề minh họa, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, đề thi được xây dựng theo hướng khuyến khích học sinh phát huy tính sáng tạo, hạn chế văn mẫu. Đọc hiểu là phần chiếm 3 điểm trong đề thi, thí sinh nắm vững cấu trúc và phương pháp làm bài có thể lấy điểm tối đa. Các em tránh mất nhiều thời gian cho những câu hỏi này, dành thời gian cho những câu hỏi yêu cầu tư duy cao hơn. Để đạt được điểm cao, trong bài làm các em cần có thêm tính sáng tạo, kiến thức về lý luận văn học.

Thầy Lưu Huy Thưởng - giáo viên Toán, Hệ thống giáo dục Học Mãi cho rằng, độ khó đề tham khảo năm nay có phần tăng hơn so với với đề tốt nghiệp năm 2023. Trong đó, 38 câu đầu tiên là các câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết - thông hiểu. Học sinh nắm vững nền tảng kiến thức là có thể dễ dàng giải quyết. Tuy nhiên, để có thể hoàn thành bài thi trong thời gian cho phép, đòi hỏi học sinh phải thành thạo các kiến thức và kỹ năng làm bài (tính toán, biến đổi, sử dụng máy tính để tính toán...).

Thầy Thưởng lưu ý, các câu hỏi thuộc phần vận dụng cao giữa đề tham khảo và đề thi thật có thể thay đổi về dạng toán và độ khó. Vì vậy, với những học sinh đặt mục tiêu 8 điểm trở lên, ngoài việc luyện tập chăm chỉ với các dạng bài trong đề tham khảo thì cũng cần mở rộng phạm vi với các dạng toán vận dụng cao khác, không có trong đề tham khảo.

Không chủ quan, phụ thuộc vào may rủi

Với các môn học khác, các giáo viên cũng lưu ý thí sinh, điều quan trọng là nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung - giáo viên Địa lý, Trường THPT Minh Quang (Hà Nội) chia sẻ: Để làm tốt bài thi môn Địa lý, học sinh cần ôn tập bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ GDĐT đã đưa ra.

Với bộ môn Địa lý, đặc thù trong đề có 15 câu về kỹ năng Atlat Địa lí Việt Nam. Học sinh cần học kỹ phần kỹ năng làm việc với Atlat để làm nhanh và không bị sai những câu dễ. Bên cạnh đó là ôn luyện kỹ năng làm việc với bảng số liệu; nhận biết biểu đồ; các công thức tính toán trong Địa lý để xử lý tốt các câu hỏi nhận xét bảng số liệu, nhận xét biểu đồ (4 câu). Tiếp đến là phần lý thuyết chiếm 21 câu hỏi trong đề thi.

Ngoài việc ôn tập, củng cố kiến thức bài học, luyện tập các câu hỏi trắc nghiệm theo bài, theo mức độ nhận thức thì học sinh lưu ý phần kỹ năng làm câu hỏi lý thuyết: Xác định các từ khóa trong đề, khoanh vùng phạm vi kiến thức, dùng Atlat loại trừ đáp án, dùng từ khóa loại trừ đáp án...

Về kỹ năng làm bài, không làm mất điểm câu dễ, không bỏ qua câu khó. Các câu hỏi dễ thường là những kiến thức cơ bản và rất quen thuộc với các vấn đề tự nhiên, kinh tế, xã hội. Để chắc chắn có điểm phần này, học sinh cần ôn tập kỹ những kiến thức cơ bản; đồng thời chú ý quan tâm đến quy luật tự nhiên, kinh tế, xã hội hiển nhiên hoặc mang tính thời sự hiện nay.

Đối với câu khó, học sinh cần đọc kỹ câu hỏi và gạch từ chìa khóa; đặc biệt là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Từ đó, có thể loại bỏ dần các phương án gây nhiễu để chọn cho mình đáp án đúng nhất, bao quát nhất.

“Nhiều học sinh vẫn có quan niệm làm bài thi phụ thuộc vào may rủi, nhất là thi trắc nghiệm cho nên lơ là việc học tập, ôn luyện trước khi thi. Vào phòng thi chỉ cốt tô cho đủ số câu với hy vọng phép màu sẽ đến. Các em hết sức tránh quan niệm này. Để đạt kết quả cao các em cần tích cực học tập, nắm chắc kiến thức và kỹ năng, mở rộng thông tin và tăng cường tư duy. Nếu cố gắng nhiều thì kết quả cao, cố gắng ít thì kết quả thấp, còn không cố gắng thì không có kết quả”, cô Nhung nhắn nhủ.

Phân bổ thời gian học tập hợp lý

Gần đến mùa thi, với tâm lý lo lắng, không ít học sinh chạy đua theo các lớp học thêm. Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Minh Phi - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội), học sinh nên hạn chế tối đa việc học thêm, tăng cường việc tự học, cân bằng giữa học tập và giải trí.

“Có những em sáng học thêm tối cũng học thêm, thậm chí 1 ngày đi học thêm 4-5 ca, khi đến lớp rất mệt mỏi, uể oải, khả năng tiếp thu bài rất kém. Khi học thêm quá nhiều, các em cũng không còn thời gian để ôn lại các bài sau khi đã học, như vậy kết quả không thể cao. Thay vào đó, tôi vẫn khuyên học sinh nên chú ý lắng nghe bài giảng trên lớp, học chắc kiến thức, về nhà các em cần chủ động làm các bài tập trong sách giáo khoa hoặc luyện các đề thi thử, đề thi các năm để làm quen với cấu trúc đề thi và tăng tốc thời gian làm bài”, thầy Phi nói.

Các thầy cô giáo cũng nhấn mạnh rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều môn thi, học sinh nên phân bổ thời gian ôn thi hợp lý, đồng thời giữ vững tâm lý, tránh căng thẳng quá mức trước khi bước vào kỳ thi. Có nhiều học sinh học tốt nhưng hay hồi hộp, lo lắng, căng thẳng đã khiến kết quả không đạt như mong muốn.

Các học sinh nên chia thời gian ôn tập, tránh trọng tâm quá nhiều vào một phần hoặc không dành đủ thời gian cho ôn tập kiến thức phù hợp. Khi làm bài cần chọn câu dễ làm trước, những câu khó thì đọc đề thật kỹ rồi vạch những hướng làm ra nháp sau đó chọn cách làm thích hợp.

Thường những câu khó thì phải tư duy để chọn cách giải tối ưu. Không được choáng ngợp khi thấy những bạn xung quanh xin nhiều giấy nháp mà phải tin tưởng vào bản thân mình. Nếu làm xong thì đọc lại bài để kiểm tra sai sót lần cuối…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ôn thi tốt nghiệp THPT: Cách nào để đạt kết quả tốt?