“Tôi đứng đầu công ty nên tôi đang gánh chịu. Bây giờ vào trại giam hai tháng rồi, thật sự rất buồn. Nếu được ra, tôi không làm đa cấp nữa. Tiền nhiều chết cũng có mang theo được đâu, nhân quả mới là quan trọng”, người đứng đầu Công ty Liên Kết Việt cảm thán.
Ông chủ Liên Kết Việt Lê Xuân Giang trả lời phỏng vấn báo chí.
Ngay sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố thông tin khởi tố, bắt tạm giam 7 lãnh đạo Công ty Liên Kết Việt, phóng viên Bạch Hoàn, người đã tham gia vạch trần các sai phạm của Công ty Liên Kết Việt, đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với bị can Lê Xuân Giang, Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Liên Kết Việt, ngay trong trại tạm giam của Bộ Công an.
Trả lời phỏng vấn, Lê Xuân Giang, người đứng đầu đường dây đa cấp lừa đảo, đã thừa nhận nhiều sai phạm của Công ty Liên Kết Việt.
- Công ty Liên Kết Việt chính thức hoạt động bán hàng đa cấp vào khoảng tháng 4/2014. Tính đến tháng 11/2015, công ty đã lôi kéo được tới 60.000 người đổ tiền vào mạng lưới đa cấp của mình. Bằng cách nào để công ty có thể phát triển hệ thống với tốc độ chóng mặt như vậy?
Lê Xuân Giang: Tôi nghĩ kinh doanh theo mô hình đa cấp là xu hướng của xã hội phát triển. Chúng ta đã hội nhập tổ chức thương mại thế giới. Bộ Công thương cũng đã có Nghị định 42 tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh đa cấp. Tôi tìm hiểu một số công ty thấy mô hình tiên tiến vì bỏ qua khâu trung gian để bán hàng trực tiếp nên chúng tôi tham gia vào lĩnh vực này. Chúng tôi làm theo mô hình tiên tiến, có xây dựng nhà máy, có sản xuất hàng, công ty có công bố chế độ trả thưởng, hoa hồng, có uy tín nên tạo được niềm tin của người dân, nhà phân phối.
- Nhiều người dân cho biết, một trong những lý do khiến họ tin tưởng tham gia mạng lưới đa cấp Liên Kết Việt là vì công ty có cả Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, khi tôi tiếp cận bằng khen treo tại trụ sở công ty ở đường Hoàng Đạo Thuý, Hà Nội, thì phát hiện đây là bằng khen giả. Vậy ông có thừa nhận 7 chiếc bằng khen mà công ty công bố đều là giả?
Lê Xuân Giang tại cơ quan điều tra.
Lê Xuân Giang: Về việc này tôi đã khai với cơ quan điều tra.
- Ban thi đua khen thưởng Trung ương đã xác nhận không có bất kì bằng khen nào trao cho lãnh đạo và hai công ty Liên Kết Việt và công ty mẹ là Công ty cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP. Bằng khen giả ấy được làm với chi phí 30 triệu đồng có đúng không?
Lê Xuân Giang: Đúng như chị nói, chi phí là 30 triệu đồng.
- Đơn vị nào tổ chức lễ trao bằng khen giả ấy?
Lê Xuân Giang: Cái đó do công ty tự đứng ra tổ chức, tự trao.
- Thế còn việc mạo danh Bộ Quốc Phòng, thông qua tên gọi của công ty mẹ Công ty Liên Kết Việt là Công ty cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP, nhưng lại gọi là Bộ Quốc Phòng?
Lê Xuân Giang: Đó là do thủ lĩnh các cấp (người đứng đầu các nhánh trong mạng lưới đa cấp - PV) bán đứng lãnh đạo công ty để trục lợi. Họ nói điều sai, tuyên truyền là công ty thuộc Bộ Quốc phòng. Đó không phải chủ trương của công ty. Họ đã bắn tôi bằng những viên đạn đường rất nguy hiểm.
- Thế nhưng tại sao ở trụ sở chính của Công ty Liên Kết Việt và cả Công ty BQP lại có các bằng khen, giải thưởng ghi là Công ty cổ phần tập đoàn thiết bị y tế Bộ Quốc Phòng?
Lê Xuân Giang: Có tờ sai do nhân viên làm hồ sơ tham dự giải thưởng ghi sai. Năm 2015 cũng có nhiều bằng khen thành tích chúng tôi làm chuẩn.
- Không thể đổ lỗi cho nhân viên khi trong hồ sơ có chữ ký của phó giám đốc công ty?
Lê Xuân Giang: Lãnh đạo công ty một ngày ký nhiều giấy tờ nên có sơ ý.
- Thế tại sao các chứng nhận giải thưởng ghi sai theo hồ sơ là Công ty cổ phần tập đoàn thiết bị y tế Bộ Quốc phòng, thì công ty vẫn trưng bày, treo ở trụ sở, in vào các tài liệu để tuyên truyền cho người dân? Tại sao không đề nghị làm lại?
Lê Xuân Giang: Chúng tôi nghĩ đơn giản treo trưng bày. Hơn nữa, sau đó chúng tôi còn làm rất nhiều giải thưởng. Công ty có uy tín nên nhiều giải.
- Giải thưởng mà công ty có được thực tế là mua có đúng không? Giá thấp nhất có phải là 20 triệu đồng?
Lê Xuân Giang: Một năm có rất nhiều ban tổ chức giải thưởng, chương trình xã hội tìm đến công ty chúng tôi mời chào tham gia. Có cái chúng tôi trả vài trăm triệu đồng, có cái cả tỷ đồng. Thấp nhất như chị nói là 20 triệu đồng.
- Mặt hàng mà công ty kinh doanh đa cấp là thực phẩm chức năng và máy ozone. Tại trụ sở Công ty Liên Kết Việt có treo biển hiệu là hợp tác với Công ty Thanh Hà (Bộ Quốc phòng). Thực tế là hợp tác gì?
Lê Xuân Giang: Chúng tôi có giấy hợp tác với Công ty Thanh Hà. Hợp tác thì có nhiều loại hợp tác, hợp tác rất nhiều thứ. Chúng tôi khẳng định có giấy chứng nhận.
- Cụ thể là hợp tác cái gì? Máy ozone do Công ty Thanh Hà sản xuất hay Công ty BQP sản xuất?
Lê Xuân Giang: Thì là... hợp tác trên ý tưởng thôi. Máy thì Công ty BQP sản xuất ở Hà Nội.
- Vì tin vào các hợp tác, các bằng khen, giải thưởng và uy tín của công ty nên 60.000 người tham gia đa cấp đã nộp vào Công ty Liên Kết Việt 1.900 tỷ đồng. Nhiều người không lấy được hoa hồng. Bây giờ lẽ nào họ mất trắng?
Lê Xuân Giang: Họ phải bán được hàng thì mới có hoa hồng. Tức phải có thêm nhà phân phối nhánh dưới. Tôi chỉ còn hơn 100 tỷ đồng, đã nộp cho cơ quan điều tra. Chúng tôi không có nghĩa vụ phải trả lại tiền cho người dân.
- Nhưng họ được tư vấn và nộp tiền vào không phải để bán hàng, mà chỉ để có chân trong đường dây đa cấp, tiền của công ty sẽ tự rơi vào tài khoản, đồng thời lôi kéo được thêm người vào sẽ có thêm tiền?
Lê Xuân Giang: Đúng là công ty có chương trình không cần bán được hàng vẫn có hoa hồng do công ty gửi vào tài khoản. Nhưng đó là trong điều kiện công ty phát triển. Bây giờ thế này thì làm gì có tiền mà trả hoa hồng. Còn việc người ta tư vấn nhau lôi kéo thêm người vào để hưởng hoa hồng là do họ sai, lừa nhau là chủ yếu. Người nọ lừa người kia. Tôi đứng đầu công ty nên tôi đang gánh chịu. Bây giờ vào trại giam hai tháng rồi, thật sự rất buồn. Nếu được ra, tôi không làm đa cấp nữa. Tiền nhiều chết cũng có mang theo được đâu, nhân quả mới là quan trọng. Giờ thì tôi đang gánh chịu.