Ngày 16/8, tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội), Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, nhiệm kỳ 2024 – 2029.
Những năm qua, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa khu vực làng nghề và cơ quan quản lý Nhà nước.
Ngày 16/8, tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội), Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, nhiệm kỳ 2024 – 2029.
Ông Lưu Duy Dần – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam khóa III, IV cho biết, qua 19 năm xây dựng và trưởng thành, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện của các ngành nghề từ các làng nghề, phố nghề Việt Nam không ngừng phát triển lớn mạnh, qua 4 kỳ Đại hội. Hiệp hội đã và đang thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Nhà nước với các làng nghề truyền thống, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, văn hóa, nghệ nhân, doanh nhân đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
Hiệp hội đã tập hợp được đông đảo đội ngũ các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà văn hóa, các cấp Hội, các nghệ nhân và hội viên, vì vậy đã tạo nên sức sống mới của làng nghề Việt Nam.
“Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2018 - 2023 với mục tiêu “Kết nối cộng đồng làng nghề - Bảo tồn Văn hóa - Phát triển Du lịch - Đổi mới Sáng tạo - Hội nhập Quốc tế”; Ban Thường trực Hiệp hội đã duy trì sự chỉ đạo chặt chẽ và tranh thủ ý kiến của Hội đồng Tư vấn, các chuyên gia, các nhà khoa học để đưa ra những định hướng phù hợp, hoạt động thiết thực, khích lệ hoạt động sản xuất, sáng tạo, truyền - dạy - giữ nghề trong các làng nghề truyền thống trước thực trạng nhiều nghề thủ công có nguy cơ bị mai một", ông Dần nhấn mạnh.
Theo ông Dần, trong nhiệm kỳ qua, các sự kiện đều được tổ chức thành công, đạt hiệu quả, qua đó tạo được sự tin tưởng của các hội viên và đối tác đối với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam. Nhằm đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm trong “Chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam”, Hiệp hội đã phối hợp với chính quyền một số địa phương xây dựng tổ chức, phát triển nghề tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc ít người; phát triển du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch tâm linh...
Một số ý kiến tại Đại hội kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước sớm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho làng nghề về vấn đề xử lý môi trường, mặt bằng sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề; kiến nghị để Hiệp hội cũng là một đầu mối giới thiệu đề xuất phong tặng nghệ nhân Ưu tú và nghệ nhân Nhân dân...
Tại Đại hội, ông Trịnh Quốc Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam khoá IV được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2024 - 2029.