PGS.TS Hà Đình Đức: Yêu Hà Nội theo cách riêng

NGỌC HÀ 29/10/2023 08:58

Đã nhiều năm sau khi “cụ” rùa mất nhưng mọi người vẫn gọi ông với biệt danh trìu mến - “Giáo sư rùa” hay “Nhà rùa học”. Đó là PGS.TS Hà Đình Đức - người đã có hàng chục năm nghiên cứu về loài rùa. Dù nay đã ở tuổi 83 nhưng giáo sư vẫn nhanh nhẹn và yêu thích sử dụng máy tính, điện thoại thông minh.

PGS.TS Hà Đình Đức bên "cụ" rùa hồ Hoàn Kiếm (ngày 8/12/2014).

Ở tuổi xưa nay hiếm, PGS.TS Hà Đình Đức vẫn luôn làm việc với tất cả say mê và nhiệt huyết của ngọn lửa tình yêu dành cho Hà Nội. Trung tuần tháng 10 vừa qua, trong tiết thu Hà Nội, ông phấn khởi tới dự Lễ trao giải Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II, do Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức. Với tác phẩm “Kỷ niệm gần 30 năm gắn bó với cụ rùa Hồ Gươm”, PGS.TS Hà Đình Đức là tác giả cao tuổi nhất tham dự cuộc thi và được trao giải Nhì.

Trong buổi trao giải này, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Trưởng ban Giám khảo cho biết, ông ấn tượng với tác phẩm “Kỷ niệm gần 30 năm gắn bó với cụ rùa Hồ Gươm”, bởi không ai ở Hà Nội có thể hiểu về rùa Hồ Gươm hơn PGS.TS Hà Đình Đức.

Gặp ông sau lần nhận giải, “Nhà rùa học” vẫn xúc động khi nhắc về “cụ” rùa: “Hồ Gươm và “cụ” rùa để lại trong tôi biết bao kỷ niệm sâu sắc. Tôi vẫn nhớ lần đầu được nhìn thấy “cụ” nổi trên mặt Hồ Gươm, đó là hồi tháng 3/1991. Lúc đó trong tôi có một cảm giác rất lạ, vừa thích thú, vừa cảm thấy như thân thuộc với “cụ” rùa từ bao giờ.

Như một cơ duyên được sắp đặt, 7 tháng sau, Công ty Dịch vụ khai thác Du lịch thuộc Sở Văn hóa và Thông tin TP Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội) mời tôi tham gia Dự án “Khai thác hồ Hoàn Kiếm bảo vệ rùa”. Từ đó, tôi bắt đầu sứ mệnh của mình, hoạt động bảo vệ rùa ở khu vực Hồ Gươm”.

Còn nhớ năm 1992, khi Hà Nội rục rịch triển khai Dự án nạo vét hồ Hoàn Kiếm bằng cơ giới với quy mô lớn, đào 100.000m3 bùn đổ ra sông Hồng và bơm nước sông Hồng vào hồ Hoàn Kiếm. Nhận thấy nguy cơ làm xáo trộn môi trường, hệ sinh thái của “cụ” rùa, PGS.TS Hà Đình Đức lập tức gửi tờ trình lên cấp trên, nêu rõ tác hại của vấn đề này và đề xuất phương pháp nạo vét bằng biện pháp thủ công. Lá thư của ông sau đó đã được cấp trên đồng tình và chia sẻ. Cuối cùng Hà Nội đã thực hiện theo kiến nghị của ông.

Dù có khó khăn, vất vả nhưng gần 30 năm qua với một trái tim luôn đập vì tình yêu Hà Nội, PGS.TS Hà Đình Đức vẫn cần mẫn với những hướng nghiên cứu của mình. Ông là người sở hữu bộ sưu tập ảnh rùa Hồ Gươm với hàng ngàn bức ảnh. Trong đó, có hàng trăm bức ảnh “cụ” rùa nổi vào những thời khắc quan trọng của đất nước được ông lưu lại và chú thích. Ông có 6 công trình nghiên cứu cấp quốc gia về Hồ Gươm, viết 200 tin, bài về rùa... Hầu như tất cả hãng thông tấn lớn trên thế giới quan tâm tới “cụ” rùa đều đã từng một lần phỏng vấn ông.

PGS.TS Hà Đình Đức (thứ 2 từ phải sang) nhận giải Nhì cuộc thi viết Ký ức Hà Nội năm 2023.

Nhưng với ông, kỷ niệm sâu sắc nhất đó là công việc cứu chữa “cụ” rùa năm 2011 đã thành công. PGS.TS Hà Đình Đức nhớ lại: Lúc đó, công luận cũng như nhiều nhà khoa học tỏ vẻ nghi ngờ về công việc cứu chữa cho cụ. Nhưng tôi luôn có một niềm tin vững chắc và được minh chứng bằng một kết quả rõ ràng, “cụ” rùa khỏe mạnh trở lại Hồ Gươm sau 100 ngày điều trị. Và công tác chữa bệnh cho cụ rùa được bình chọn là sự kiện môi trường nổi bật nhất năm 2011.

Nhiều năm trôi đi, sau những nỗ lực, tìm tòi không biết mệt mỏi của mình, đến nay, PGS.TS Hà Đình Đức là người nghiên cứu lâu nhất về loài rùa ở hồ Hoàn Kiếm. Vì thế, ông được mọi người yêu mến gọi với biệt danh “Giáo sư rùa” hay “Nhà rùa học”.

Mặc dù đã nghỉ hưu nhiều năm, song bầu nhiệt huyết, đam mê được cống hiến cho Thủ đô ở PGS.TS Hà Đình Đức chưa khi nào nguôi. Hàng ngày ông tự mình cập nhật tin tức qua nhiều kênh thông tin. Thật ngạc nhiên khi ở tuổi 83, ông vẫn làm việc cần mẫn nhưng lại theo phong cách của người trẻ. Ông thành thạo các thao tác trên máy tính, sử dụng điện thoại, công nghệ khác rất linh hoạt”. Là một nhà khoa học, nghiên cứu sinh vật học, ông không cho phép mình tụt hậu. Với ông, người làm khoa học phải luôn vận động.

Sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa, năm 20 tuổi, ông ra Hà Nội học, là lứa sinh viên đầu tiên của Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc ĐHQG Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại khoa cho đến khi nghỉ hưu (2005).

Đối với PGS.TS Hà Đình Đức, nghiên cứu khoa học đã trở thành một niềm đam mê và một tình yêu lớn trong cuộc đời ông. Hơn 40 năm gắn bó với nghiên cứu khoa học, ông đã miệt mài, nhiệt huyết cùng những công trình nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn cao.

Ông đã cùng các chuyên gia quốc tế nghiên cứu một số đề tài như: “Khảo sát bò xám” (Bos sauveli) ở phía Tây tỉnh Đắk Lắk Việt Nam (cùng Andrew Laurie và Phạm Trọng Ảnh); Tình trạng của các loài khỉ ở Việt Nam và biện pháp bảo vệ chúng”; Bước đầu khảo sát về khỉ miền Bắc Việt Nam” (cùng Radoslaw R. và Roger Cox; Nghiên cứu loài Bò xám (Bos sauveli) ở Khu bảo tồn thiên nhiên Jok Don tỉnh Đắk Lắk, Việt Nam (cùng Roger Cox)...

Nhưng hơn hết, cả cuộc đời ông đã dâng hiến trí lực và tình yêu của mình cho mảnh đất ngàn năm văn hiến.

PGS.TS Hà Đình Đức từng tâm sự: "Tôi yêu Hà Nội theo cách của riêng mình. Và tôi luôn tâm niệm phải làm việc gì đó có ích cho Hà Nội, phải biến tình yêu ấy thành những việc làm vì Hà Nội". Bởi vậy mà ông đã có nhiều việc làm, nghiên cứu thiết thực để đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô trên nhiều lĩnh vực khoa học về bảo vệ thiên nhiên, di sản lịch sử, văn hóa...

Trong đó có những nghiên cứu thâm sâu về văn hóa, lịch sử đã làm cơ sở để ông đề xuất lấy ngày vua Lê đăng quang tại điện Kính Thiên (15/4 âm lịch) hàng năm làm ngày lễ hội của Hà Nội và đã được chấp nhận.

Bên cạnh đó, ông còn có nhiều bài viết về văn hóa của người Hà Nội, ai là người Hà Nội gốc. Có người sống nhiều đời ở Thủ đô, thân thuộc đến từng chân tơ kẽ tóc, nhưng rồi cũng khó gọi tình yêu đó thành con chữ.

Vậy mà, PGS.TS Hà Đình Đức lại “cụ thể hóa” những cảm xúc cá nhân thành hàng chục bài viết sinh động. Để có những chất liệu sống động ấy, ông đã phải chăm chú học tập, tìm hiểu, ghi chép về Hà Nội bằng một tình yêu lớn. Ông bảo, là một thầy giáo, một nhà nghiên cứu sống và làm việc lâu năm ở Hà Nội, ông trân trọng những giá trị lịch sử, văn hóa nơi đây, yêu Hà Nội từ con người trung thực, hào hoa đến thiên nhiên tươi đẹp.

Ông cho rằng dù cuộc sống xoay vần, đời sống tinh thần chịu nhiều tác động của mặt trái kinh tế thị trường song những giá trị tinh thần cao quý vẫn không thay đổi. Những nếp sống, thói quen mới được hình thành của người Hà Nội, tạo nên đặc trưng riêng trong đời sống văn hóa tinh thần cộng đồng dân cư và từ đó lan tỏa từ đời này sang đời khác.

Ngày nay, nét riêng đó vẫn được người dân gìn giữ như một vốn quý và luôn rèn giũa để nó tỏa sáng. Với lợi thế đó, Hà Nội đang có chiến lược phát triển toàn diện con người, trong đó chú trọng về văn hóa, văn minh và ứng xử.

PGS.TS Hà Đình Đức sinh ngày 23/3/1940, quê xã Xuân Thành, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Ghi nhận những nghiên cứu, đóng góp của ông trong công cuộc bảo vệ rùa Hồ Gươm và văn hóa lịch sử Thủ đô, thành phố Hà Nội đã quyết định xét tặng ông danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2012. Ngoài ra, còn rất nhiều bằng khen, danh hiệu cao quý khác như: Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2007; Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2010; Đồng tác giả Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012; Nhận giải thưởng “Bùi Xuân Phái vì Tình yêu Hà Nội” năm 2011; Hai lần được UBND Thành phố công nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt”; Kỷ lục Việt Nam về Người tìm hiểu, nghiên cứu và có bài viết về rùa Hồ Gươm nhiều nhất...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    PGS.TS Hà Đình Đức: Yêu Hà Nội theo cách riêng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO