Tinh hoa Việt

PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia: Vua Hàm Nghi - Hoạ sĩ hiện đại của Việt Nam

NGUYỄN QUỲNH TRANG (thực hiện) 08/12/2024 09:47

PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia cho rằng di sản nghệ thuật của vua Hàm Nghi đã phát lộ một cách khoa học và nghiêm cẩn.

PV: Tác phẩm “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger” do Tiến sĩ Amandine Dabat viết bằng tiếng Pháp (2019), bản tiếng Việt vừa được NXB Khoa học xã hội phát hành (2024) đã nói tới khoảng 100 tác phẩm hội hoạ và điêu khắc của vua Hàm Nghi. Đây là một cuốn sách thuộc dòng sách lịch sử - nghệ thuật, khai thác những phông tư liệu lịch sử quý hiếm. Khi những di sản nghệ thuật của cựu hoàng phát lộ, anh có đánh giá gì?

PSG Nguyen Tuan Cuong 3
PSG Nguyen Tuan Cuong 3

PGS.TS NGUYỄN TUẤN CƯỜNG: Trước khi cuốn “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger” ra đời, đâu đó cũng đã có một số thông tin về tranh và tượng của ông nói riêng, về cuộc đời lịch sử của ông nói chung, nhưng trong đó còn nhiều điều là giai thoại, vì chưa có chứng cứ xác thực. Cuốn sách của TS. Dabat ra đời, di sản nghệ thuật của vua Hàm Nghi được phát lộ một cách khoa học và nghiêm cẩn, tôi cho rằng đây là một cơ hội không chỉ để thoả mãn sự tò mò về tri thức cá nhân của mỗi người, mà còn làm sáng tỏ một vùng còn mờ tối trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam.

Vua Hàm Nghi từng có một số triển lãm cá nhân ở Paris: tại Bảo tàng Guimet (1904), tại Galerie Mantelet (1911), tại Galerie Mantelet - Colette Weil (1926). Nhiều tác phẩm nghệ thuật của ông đã bị phá hủy trong vụ cháy (vì chiến sự) tại Algeria năm 1964. Hiện còn khoảng 100 tác phẩm hội họa và điêu khắc sót lại trong các bộ sưu tập cá nhân, sở hữu bảo tàng và một số bạn bè, gia đình… Anh có thể chia sẻ gì thêm về số lượng tác phẩm này?

- Giai đoạn đầu vua Hàm Nghi vẽ khi có cảm hứng sáng tác và thực hành nghệ thuật. Về cuối đời ông vẽ thường xuyên hơn. Sau khi ông mất, gia đình ông từng phải rời bỏ Algerie tránh nạn chiến tranh, đa phần các tác phẩm bị bỏ lại, rồi bị thất lạc hay bị tiêu huỷ. Hiện nay các con số về sản phẩm nghệ thuật của vua Hàm Nghi được biết đến qua cuốn sách của TS. Dabat và một phần qua triển lãm tranh - tượng “Hàm Nghi - Nghệ thuật lưu vong” mà TS. Amandine Dabat đã tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á ở Nice (Pháp) năm 2022. Tác phẩm tranh, tượng, hiện vật gia công mà Hàm Nghi sáng tác đang được lưu giữ tại gia tộc và một số bảo tàng, tư gia khác. Hàm Nghi cũng hay tặng các sáng tác của mình cho bạn bè, người thân cùng thời. Ví dụ như từ năm 1895 đến 1902, ông đã trao tặng 32 bức tranh cho người cùng thời. Như vậy có thể nói số lượng tác phẩm tranh và tượng do vua Hàm Nghi sáng tác khá đồ sộ so với con số thực tế khoảng 100 đơn vị đang còn lưu giữ.

Vì sao anh tham gia vào việc tổ chức bản dịch tiếng Việt của cuốn sách này?

- Tôi gặp TS. Dabat lần đầu tiên vào tháng 6/2019 tại một buổi gặp gỡ do ngài Đại sứ Nguyễn Thiệp tổ chức tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Paris. Khi ấy, chị Dabat đã bảo vệ luận án được 4 năm, và bản thảo sách tiếng Pháp thoát thai từ luận án sắp trình làng (cuối năm 2019). Những câu chuyện từ TS. Dabat khiến tôi tò mò về vị hoàng đế bị lưu đày này. Hơn nữa, với nghề nghiệp là người nghiên cứu khoa học nhân văn thời cổ trung đại, tôi hứng thú với tác phẩm tiểu sử này. Các vấn đề về phông lưu trữ tư nhân cũng cuốn hút tôi.

Chúng tôi tìm được hai đơn vị có chuyên môn về hội hoạ rất yêu mến vua Hàm Nghi là Viện Bảo tồn và Phát triển Văn hoá truyền thống (IPDTC) và ART30 Gallery để tổ chức xuất bản cùng với sự đóng góp tích cực từ Nhà xuất bản Khoa học xã hội, đồng thời chúng tôi cũng tổ chức được một đội ngũ các dịch giả tiếng Pháp giàu kinh nghiệm. Có thể nói là “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để thúc đẩy công việc chuyển ngữ và xuất bản cuốn sách, phục vụ độc giả Việt ngữ.

chan-dung-tu-hoa-cua-vua-ham-nghi-than-chi-tren-giay-ve-nam-1896-cua-vua-ham-nghi(1).jpg
Chân dung tự họa của vua Hàm Nghi (than chì trên giấy - 1896).

Trong quá trình làm việc, những nguồn tư liệu lịch sử nào làm anh cảm thấy thú vị?

- Là người nghiên cứu về văn hiến học cổ điển, tôi ấn tượng về các phông lưu trữ cá nhân mà tác giả đã tiếp cận được. Việc lưu trữ khoa học, hệ thống, cẩn trọng, tôn trọng tài liệu này, trong phạm vi gia đình, dòng tộc, là một điều rất đáng để chúng ta học hỏi. Một điều đáng trọng hơn nữa là gia tộc luôn hỗ trợ tác giả trong việc tìm kiếm, khai thác và công bố các phông tư liệu cá nhân này. Đó là một thái độ tích cực đối với lịch sử và với sử học.

Từ chuyển ngữ tiếng Pháp sang tiếng Việt và có một cuốn sách dày dặn cùng nhiều tư liệu quý hiếm, anh và nhóm đã làm việc ra sao?

- Chuyển ngữ tác phẩm này, ngoài việc xác định giữ nguyên văn phong tác giả ra, còn phải tra cứu khá nhiều các sự kiện lịch sử, để đảm bảo tính khoa học trong truyền đạt thông tin. Nhóm dịch có người chủ trì là PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp, một dịch giả uy tín từng dịch thuật hàng chục đầu sách học thuật từ Pháp văn sang tiếng Việt. Trong nhóm còn có (nguyên) Đại sứ Nguyễn Thiệp, người vừa giỏi Pháp văn, vừa có tri thức phong phú và trải nghiệm sâu sắc về lịch sử văn hoá Việt - Pháp. Có thể nói rằng nhóm dịch là những người giàu kinh nghiệm làm việc với dòng sách lịch sử văn hoá. Ngoài ra, những kiến thức mĩ thuật, văn học sử cổ trung đại cũng có một số cố vấn chuyên biệt.

Nhận định chung của anh về cuốn sách và ý nghĩa về việc đóng góp giá trị lịch sử?

- Nội dung của quyển sách là lịch sử, là văn hoá, là nghệ thuật, là thẩm mĩ, là hội hoạ, là điêu khắc, là văn chương, là tâm sự cuộc sống, là thư tín cá nhân, là những biến cố lớn và càng đặc biệt hơn khi nó gắn với cuộc đời của một vị hoàng đế bị lưu đày. Chưa từng có một công trình khoa học nào cung cấp cho chúng ta những thông tin mới mẻ như vậy về cuộc đời vua Hàm Nghi từ góc độ khoa học liên ngành theo đúng nghĩa của thuật ngữ này. Tôi tin rằng phải rất lâu nữa giới khoa học mới có thể có thêm những phát hiện mới mẻ và quan trọng về vua Hàm Nghi so với cuốn sách này.

bia sach Ham Nghi Hoang de luu vong 2
Ảnh bìa Cuốn sách Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger.

Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về các phông lưu trữ cá nhân về vua Hàm Nghi được tác giả sử dụng trong sách?

Tôi cho rằng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, vua Hàm Nghi nếu không phải là người đầu tiên duy nhất thì cũng là một trong những người đầu tiên xứng đáng được ghi danh là hoạ sĩ hiện đại của Việt Nam.

- Bên cạnh những kho tư liệu và phông lưu trữ nhà nước mà hầu như đã được công khai, thì các phông lưu trữ tư nhân thường ít được biết đến. Với sự hậu thuẫn từ các hậu duệ của vua Hàm Nghi, TS. Dabat đã được tiếp cận và giải đọc gần 2.500 đơn vị tư liệu cá nhân do các gia đình lưu trữ, trong đó chủ yếu là thư tín cá nhân của vua Hàm Nghi trao đổi với rất nhiều người khác. Đây là một lượng tư liệu cực kì phong phú để phục dựng tiểu sử nhân vật một cách minh bạch, bên cạnh nguồn sử liệu trước đây đã biết. Những kho tư nhân này là điều mà học giới trong nước khát khao nhưng chưa có điều kiện tiếp cận. Vì vậy, giá trị sử học, tư liệu học, thư mục học của cuốn sách này là rất lớn.

TS. Amadine Dabat đã sử dụng nguồn tư liệu phong phú về vua Hàm Nghi như thế nào, thưa anh?

- Trong việc khai thác sử liệu, lý tưởng nhất là để sử liệu xuất hiện như nó vốn có, bên cạnh đó là sự giải đọc của sử gia. Trong cuốn sách này, chúng ta có thể thấy rõ vị trí, vai trò đậm nét của tác giả Amandine Dabat - hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi. Đó là một vị trí tựa như “người kể chuyện tiểu sử”. Tác giả có bày tỏ các đánh giá, nhận định của cá nhân mình, nhưng luôn trên vị trí của người kể chuyện. Vai trò dòng tộc, quan hệ hậu duệ của vua Hàm Nghi được tạm thời đặt sang một bên khi tác giả viết sách, điều đó khiến tác phẩm có một tầm nhìn khách quan của một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Tôi cho đó là sự minh bạch của một tác giả hậu duệ. Tác giả đã tuân thủ việc trình bày thư tín của vua Hàm Nghi đúng theo thực trạng vốn có, với đầy đủ những lỗi sai chính tả, gạch xoá, thêm bớt… ở các bức thư nháp.

Trước khi cuốn sách này ra đời, vua Hàm Nghi thường được biết tới với vai trò là biểu tượng của phong trào Cần vương. Chi tiết về quãng đời lưu đày của nhà vua rất ít được biết đến ở Việt Nam. Các nội dung này và các trước tác nghệ thuật, may mắn thay, đã được tác giả Amandine Dabat trình bày kĩ càng trong tác phẩm của mình. Ở đó, chúng ta biết được những trăn trở, suy tư của một vị vua lưu đày; biết được những chi tiết cụ thể theo hướng biên niên trong cuộc sống bình nhật của vua Hàm Nghi; và biết được từng bức tranh, bức tượng, thư từ… cũng như hành trình mà vua Hàm Nghi sáng tác chúng.

tp-khong-de-son-dau-tren-toan-ve-nam-1902-cua-vua-ham-nghi(1).jpg
Không đề (Sơn dầu - 1902).

Lịch sử mỹ thuật Việt Nam được ghi nhận thêm về một hoạ sĩ Hàm Nghi, điều này có ý nghĩa ra sao thưa anh?

- Cuốn sách của TS. Dabat đã cho biết trong thời gian bị lưu đày, vua Hàm Nghi đã theo học hội họa và điêu khắc. Về chủng loại và chất liệu, tác phẩm tranh của Hàm Nghi cơ bản là tranh sơn dầu và phấn màu; tác phẩm điêu khắc đa dạng hơn, có đồng thau, đất nung, thạch cao; hiện vật nội thất là giường tủ gỗ hết sức tinh xảo… Đây là một sự nghiệp mỹ thuật rất phong phú về chủng loại và đáng ngạc nhiên về nghệ thuật.

Tôi cho rằng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, Hàm Nghi nếu không phải là người đầu tiên duy nhất thì cũng là một trong những người đầu tiên xứng đáng được ghi danh là hoạ sĩ hiện đại của Việt Nam.

Nhìn những bức tranh vua Hàm Nghi đã vẽ, dù ông không qua trường lớp đào tạo chính quy nghệ thuật nào, mà hoàn toàn tự học, nhưng vẫn vẽ rất nhiều bức tranh sơn dầu, chất liệu này thời đó cũng còn rất mới mẻ ở Việt Nam?

- Khi tổ chức sản xuất dịch phẩm này, chúng tôi có thảo luận về vấn đề tự học vẽ của vua Hàm Nghi với giới nghiên cứu hội hoạ. Chúng tôi có biết những câu chuyện bên lề về việc Hàm Nghi học vẽ không qua trường lớp chính quy. Tuy nhiên, những thiết chứng mà tác giả Dabat đã trình bày trong tác phẩm này đã chứng tỏ rõ ràng: vua Hàm Nghi không tự học nghệ thuật, mà ông được học bài bản qua sự dìu dắt của các nghệ sĩ bậc thầy đương thời.

Cụ thể, ông học vẽ trong khoảng 15 năm tại nhà riêng ở Alger, chủ yếu học với hoạ sĩ Marius Reynaud theo mô hình ngành hội hoạ của trường Mĩ thuật Paris. Có một chi tiết trong sách nói về việc theo học tại nhà riêng ở Alger lúc bấy giờ, hoàn toàn không giống với việc thuê gia sư tới nhà dạy. Đó là một thoả thuận về địa điểm học, còn chương trình vẫn phải theo chương trình chung của cơ sở giáo dục, và giáo viên được cấp có thẩm quyền cử đến tư gia dạy học. Ngoài ra ông còn học điêu khắc với điêu khắc gia nổi tiếng Auguste Rodin và Léon Fourquet. Ông cũng tiếp xúc với nhóm hoạ Nabis, chịu ảnh hưởng của danh hoạ Paul Gauguin và trường phái ấn tượng, hậu ấn tượng. Ở Alger, vua Hàm Nghi mới được học kĩ thuật vẽ tranh sơn dầu, phấn màu, và nghiên cứu các kĩ thuật hội hoạ. Sơn dầu là chất liệu kinh điển của hội hoạ phương Tây, ở Việt Nam thời kì đó chưa phổ biến.

Vì sao ông lại rất thích vẽ tranh phong cảnh, dựa vào hoàn cảnh sống của ông khi đó, có thể giải thích được điều này?

- GS. Nora Taylor trong Lời giới thiệu cuốn sách có đưa ra nhận định “phong cảnh tựa quê hương” trong tranh của vua Hàm Nghi. TS. Dabat cũng có những đánh giá về việc nhà vua bị lưu đày trút nỗi nhớ nhà và tìm kiếm tự do cá nhân vào các tác phẩm phong cảnh. Tranh phong cảnh của vua Hàm Nghi có thể có liên quan tới việc diễn tả cảm quan về vũ trụ và nhân sinh, sự tiếp nhận cái mới nơi đất khách quê người, man mác nỗi nhớ quê hương, nỗi buồn xa xứ…

Từ khoảng 100 tác phẩm hội hoạ và điêu khắc, có thể thấy nhà vua gửi gắm tâm tình của mình qua mỗi tác phẩm ra sao?

- Tôi không phải người nghiên cứu chuyên sâu về mĩ thuật, cũng không phải nhà phê bình nghệ thuật. Tôi có cảm xúc nhiều hơn là các đánh giá nghệ thuật. Với tư cách là công chúng xem nghệ thuật, tôi nhận thấy tranh của vua Hàm Nghi khiến cho người ta có cảm xúc về nỗi buồn. Các mẫu tượng của ông cũng thế, trong vẻ sống động luôn như có một tâm sự. TS. Dabat có phân tích về những kí ngụ của vua Hàm Nghi trong nghệ thuật, ví như những con người có kích thước rất nhỏ xuất hiện trong tranh phong cảnh của ông có thể diễn tả sự cô đơn lẻ loi của con người trong cuộc sống hiện tại. Hay việc tuân thủ những yếu tố kinh điển của luật viễn cận trong hội hoạ, với đầy đủ phần cận cảnh (thường là bụi cây hoặc một thân cây), trung cảnh (thường là ngọn đồi hoặc khu rừng, con đường), và viễn cảnh (thường là mặt biển hoặc bầu trời) cho thấy nhãn quan nghệ thuật của vua Hàm Nghi có gắn với những hồi ức tuổi thơ, cụ thể là quang cảnh của kinh thành Huế nơi ông sinh ra - một quang cảnh được chủ động bố trí theo phối cảnh hội hoạ. Đó phải chăng là những nỗi u hoài và niềm nhớ nhung Tổ quốc.

Việc đi sâu nghiên cứu về các hoàng đế Việt Nam với tư cách nghệ sĩ có ý nghĩa ra sao, thưa anh?

- Tôi kêu gọi đi sâu nghiên cứu về các tác gia hoàng phái, hoàng tộc, đặc biệt là các hoàng đế triều Nguyễn với tư cách là các nghệ sĩ, thi sĩ, và hoạ sĩ như trường hợp vua Hàm Nghi. Ví dụ “Cống Thảo viên tập” - tập thơ chữ Hán của vị hoàng tử tài hoa Nguyễn Phúc Miên Cư (1892-1854), con của vua Minh Mạng, ở Việt Nam không lưu được bản nào, bản duy nhất hiện còn ở Đài Loan (Trung Quốc) đã dịch xong và sắp xuất bản, cung cấp cho quý vị độc giả những thông tin rất mới về một tác gia hoàng phái. Năm ngoái chúng tôi đã xuất bản cuốn sách “Kinh thành Huế trong thi hoạ” của tác giả Nguyễn Văn Phương (Nxb. Khoa học xã hội, 2023), trong đó đã phác hoạ tài năng thơ và hoạ của vua Thiệu Trị qua phiên dịch và phân tích tác phẩm “Ngự đề đồ hội thi tập” của ông. Những thông tin mới về các tác gia hoàng phái có thể giúp chúng ta có cái nhìn chân xác hơn về đóng góp của họ trong lịch sử văn chương nghệ thuật Việt Nam.

Xin cảm ơn anh về những chia sẻ quý giá này!

Nội dung của quyển sách là lịch sử, là văn hoá, là nghệ thuật, là thẩm mĩ, là hội hoạ, là điêu khắc, là văn chương, là tâm sự cuộc sống, là thư tín cá nhân, là những biến cố lớn, và càng đặc biệt hơn khi nó gắn với cuộc đời của một vị hoàng đế bị lưu đày. Chưa từng có một công trình khoa học nào cung cấp cho chúng ta những thông tin mới mẻ như vậy về cuộc đời vua Hàm Nghi từ góc độ khoa học liên ngành theo đúng nghĩa của thuật ngữ này. Tôi tin rằng phải rất lâu nữa giới khoa học mới có thể có thêm những phát hiện mới mẻ và quan trọng về vua Hàm Nghi so với cuốn sách này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia: Vua Hàm Nghi - Hoạ sĩ hiện đại của Việt Nam