Vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay”, trao đổi về thực trạng và hướng đi của thơ đương đại. Từ tọa đàm, nhìn bao quát nền văn học nước ta hiện nay có thể thấy văn học vẫn đang trong quá trình vận động tương đối phức tạp. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Khánh Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương.
PV: Tại tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay” vừa rồi, có ý kiến cho rằng: “Thơ hiện nay rất đa dạng nhưng cũng có sự phân hóa cao, dẫu rằng các tác giả đều cố hướng đến giá trị lớn và những cái cao quý của thơ ca, nhưng chất lượng mặt bằng thơ đương đại gây nhiều tranh cãi”. Từ góc nhìn của người nghiên cứu, ông có bình luận gì về ý kiến trên?
PGS.TS TRẦN KHÁNH THÀNH: Theo dõi tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay”, tôi thấy có nhiều ý kiến tâm huyết với những cách nhìn nhận khác nhau về thơ. Tôi cho rằng mỗi thế hệ nhà thơ lại có những tìm tòi, thể nghiệm khác nhau. Thơ của ta hiện nay là tiếng nói đông đảo, đa thanh, đa giọng điệu của nhiều thế hệ. Những câu lạc bộ (CLB) thơ trên mạng hoạt động khá rầm rộ, có CLB lôi cuốn hàng ngàn thành viên. Các nhà xuất bản trên cả nước hàng năm cũng cho ra đời hàng trăm tập thơ. Thơ là của mọi nhà, của mọi người, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp.
Nhưng nhìn vào thơ đương đại thì trước hết nên nhìn vào thơ của những người trẻ. 90 năm trước, khi Thơ mới ra đời, hầu hết cũng là thơ của những người trẻ đó thôi. Mỗi thời đại có thể có hàng vạn người làm thơ, càng nhiều tiếng nói đa dạng, độc đáo thì càng quý, rồi thời gian và công chúng sẽ sàng lọc như đãi cát tìm vàng, những bài thơ đích thực sẽ ở lại.
Tôi thấy thơ hiện nay được trình hiện nhiều qua các phương tiện như trên báo giấy, báo mạng và in thành sách. Trong hàng ngàn bài thơ đến được với người đọc có không ít những bài hay. Có những bài được các nhạc sĩ sớm phát hiện và chuyển thành những ca khúc lay động lòng người. Thơ hiện nay có nhiều bè, nhiều giọng, nhiều thể nghiệm tìm tòi. Bên cạnh thơ truyền thống có những người thể nghiệm thơ tân hình thức, thơ thiên về triết với bút pháp tượng trưng như: Nguyễn Bình Phương, Trương Đăng Dung... Có những cây bút nữ thiên về thơ phái tính, dục tính. Trên diễn đàn thơ mạng có nhiều bạn trẻ thế hệ 8X, 9X như Nguyễn Phong Việt, Trần Việt Anh... đưa lại những tiếng nói mới. Tôi nêu lên vài ví dụ để nói rằng, khi người ta thích làm thơ là người ta còn có trái tim rung cảm, còn hướng về cái thơ mộng của cuộc đời. Dân tộc ta vốn có truyền thống yêu thơ, rồi trong nhiều bài thơ chưa hay sẽ có những bài hay, sẽ được người đọc yêu thích và lưu truyền.
Từ vấn đề đặt ra về thơ, ông đánh giá như thế nào về thực trạng và xu hướng của văn học Việt Nam hiện nay?
Văn học ở thời đại nào cũng phải quan tâm đến số phận con người và những vấn đề lớn lao của dân tộc, đất nước. Các tác phẩm văn chương hiện nay chưa thực sự đặt ra được những vấn đề lớn của thời đại mình. Nhân vật tích cực trong cuộc đời không ít nhưng trong văn chương sao quá thiếu vắng. Nhà văn cần góp phần khẳng định, tôn vinh, khơi dậy khát vọng và sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh…
- Tôi cho rằng, văn học Việt Nam trong những năm gần đây phát triển đa dạng với nhiều khuynh hướng và phong cách. Nhiều tác phẩm viết về đề tài lịch sử có giá trị nhận thức và giá trị nhân văn; những vấn đề của hiện thực đời sống đương đại cũng được khắc họa khá sinh động. Bên cạnh lối viết truyền thống đã xuất hiện những cách tân trên cả cách thức tiếp cận đời sống và phương thức thể hiện. Các nhà văn không chỉ khai thác bình diện xã hội của con người mà còn khai thác bình diện đời sống vô thức, tâm linh. Mối quan hệ của con người với tự nhiên, với sinh thái, với địa văn hóa được quan tâm nhiều hơn trước.
Các thể loại văn xuôi như: tiểu thuyết, truyện ngắn, tự truyện, hồi ký, tản văn đều phát triển, phản ánh khá chân thực cuộc sống phức tạp, đa dạng của con người trong thời kì đổi mới và hội nhập. Xu hướng tiểu thuyết ngắn, truyện mini, các mẩu kí ức phát triển nhanh; xu hướng giao thoa thể loại khá phổ biến. Đặc biệt nhất là sự xuất hiện các tác phẩm văn xuôi trên không gian mạng với những tự truyện ngôn tình hấp dẫn, truyện trinh thám ly kỳ cũng thu hút một lượng độc giả lớn. Nhiều tiểu thuyết, tự truyện, nhật ký, tản văn sau một thời gian ngắn xuất hiện trên mạng đã được các nhà xuất bản ấn hành hàng vạn bản. Thơ đương đại liên tục được sáng tác và vận động bởi nhiều nhà thơ, công chúng yêu thơ. Đặc biệt, thời đại kĩ thuật số và truyền thông đa phương tiện đã đưa những thể loại văn học mới kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật. Nhiều tác phẩm văn xuôi giàu chất thơ, chất kịch, chất điện ảnh hơn. Việc chuyển thể, cải biên tác phẩm văn học sang kịch, phim ngày càng phổ biến, có khi các loại hình nghệ thuật đó xuất hiện song hành trên các kênh đọc, nghe nhìn.
Nói đến đời sống văn học, phải nói đến chủ thể sáng tạo. Ông đánh giá thế nào về đội ngũ sáng tác văn học nước ta hiện nay?
- Theo tôi, đội ngũ những người viết văn hiện nay đông đảo nhưng chắc ít hơn người làm thơ. Vì nhiều người viết văn quá nên các nhà thơ, nhà văn thành danh thấy mình có phần bị “hạ giá”. Tâm lý đó xuất phát từ thực tế là một thời người ta đề cao quá mức công việc làm thơ, viết văn. Theo tôi thì sáng tác văn chương là nhu cầu tự nhiên của con người, nhu cầu được bộc lộ, giãi bày, chia sẻ, hiện diện. Họ có thể viết nhật ký, tự truyện, làm thơ cho mình, cho bè bạn và sau đó có thể in thành sách, báo. Những người viết được nhiều tác phẩm có giá trị đích thực thì được người đọc vinh danh là nhà thơ, nhà văn. Vì vậy, nói đến đội ngũ sáng tác văn chương hiện nay, tôi nghĩ cần hiểu thoáng hơn, rộng hơn, bao gồm những người sáng tác văn bản ngôn từ nghệ thuật được công bố và được người đọc tiếp nhận.
Đội ngũ sáng tác văn xuôi hiện nay gồm nhiều thế hệ. Có những người cao tuổi nhưng vẫn có nhiều đóng góp như: Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Thế Quang… Tiếp đến những nhà văn như: Nguyễn Nhật Ánh, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thế Kỷ, Nguyễn Bình Phương… Tiếp đến là: Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú, Phan Thúy Hà... Và một đội ngũ đông đảo thế hệ các cây viết văn xuôi trên mạng như: Trang Hạ, Trần Thu Trang, Gào, Cấn Vân Khánh, Nguyễn Ngọc Thạch… đến với diễn đàn văn học khá hồn nhiên và ồn ào. Ngoài ra còn có những cây bút văn xuôi hải ngoại khá quen thuộc với người đọc trong nước như: Thuận, Đoàn Minh Phượng, Linda Lê… với lối viết hiện đại của người xa xứ. Bên cạnh đó còn có những cây bút trẻ, họ là những nhân tố có thể hy vọng sẽ tạo nên những hiện tượng văn học trong tương lai.
Hiện nay sách văn học được xuất bản khá nhiều, tuy nhiên cũng đặt ra vấn đề về sự chênh giữa số lượng và chất lượng tác phẩm. Bên cạnh đó xuất hiện nhiều tác phẩm văn học mang tính giải trí thuần túy… Theo ông, vấn đề này cần nhìn nhận như thế nào?
- Nói về chất lượng tác phẩm thì văn học nước ta có những tác phẩm về hiện thực cuộc sống đương đại cũng khá phong phú. Nhiều tác phẩm mạnh dạn phê phán tình trạng tham nhũng, quan liêu, sự suy thoái về đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, sự vô cảm trước số phận con người. Xu hướng thế sự đời tư lấn át xu hướng sử thi, con người với nhiều góc khuất được phơi trải, con người bình thường và con người dị thường đều được quan tâm phản ánh. Đặc biệt, mảng tác phẩm viết về đề tài lịch sử là nhiều thành tựu hơn cả. Sự nở rộ của tiểu thuyết viết về lịch sử là tín hiệu đáng mừng. Nhiều nhà văn đã nhìn lại lịch sử để tôn vinh, tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc.
Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ, văn học hiện nay số lượng nhiều nhưng chất lượng còn khiêm tốn, nhiều tác phẩm còn nặng về giải trí, cốt truyện đơn điệu, công thức nhất là các tác phẩm ngôn tình, trinh thám, kiếm hiệp. Tôi nghĩ, văn học ở thời đại nào cũng phải quan tâm đến số phận con người và những vấn đề lớn lao của dân tộc, đất nước. Các tác phẩm văn chương hiện nay chưa thực sự đặt ra được những vấn đề lớn của thời đại mình. Nhân vật tích cực trong cuộc đời không ít nhưng trong văn chương sao quá thiếu vắng. Nhà văn cần góp phần khẳng định, tôn vinh, khơi dậy khát vọng và sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh. Lịch sử vẻ vang của dân tộc cần được viết nhiều hơn nữa để khơi dậy sức mạnh con người Việt Nam, bồi dưỡng niềm tự hào dân tộc, tình yêu nước thiết tha và tính nhân văn của con người.
Từ việc nhìn nhận diện mạo văn học nước ta hiện nay, ông nhận định như thế nào về tương lai của văn học Việt Nam?
- Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một tương lai tươi sáng của văn học Việt Nam. Tuy nhiên để đi đến tương lai đó, theo tôi hiện nay chúng ta cần đẩy mạnh hoạt động lý luận phê bình để đồng hành, điều chỉnh và định hướng cho sáng tác cũng như giáo dục nâng cao năng lực thẩm mỹ cho công chúng. Bên cạnh đó cần quảng bá sâu rộng nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật đến đông đảo nhân dân để văn học thực sự góp phần vào sự nghiệp giáo dục đào tạo, xây dựng tâm hồn, nhân cách đạo đức cho thế hệ nối tiếp.
Tương lai của nền văn học còn tùy thuộc nhiều ở sự xuất hiện tài năng. Có thời xuất hiện đồng loạt các tài năng văn học nhưng có lúc thưa vắng. Nhưng tôi tin rằng, đời sống chúng ta phong phú; chúng ta có nhiều điều kiện, môi trường thuận lợi cho sáng tạo. Nếu các nhà văn, nhà thơ phát huy tài năng tâm huyết của mình chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều tác phẩm giá trị cao, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần nhân dân, góp phần khơi dậy sức mạnh nội sinh của dân tộc trên hành trình đi tới.
Trân trọng cảm ơn ông!