Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng vừa có công văn hỏa tốc, chỉ đạo kiểm tra, làm rõ vụ phá rừng xảy ra tại Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Bắc Hướng Hóa, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/11.
Ngày 28/11, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) Lê Trọng Tường thừa nhận, người dân trong xã là thủ phạm vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng ở Khu BTTN Bắc Hướng Hóa. Tại thời điểm này, địa phương đã có danh sách hơn 10 người ở thôn Cát, lợi dụng bão lũ, đem cưa máy vào Khu BTTN chặt hạ gỗ.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường trong các ngày từ 23 đến 26/11, có rất nhiều thân gỗ lớn bị chặt hạ. Ngoài những gốc cây đường kính gần 1m còn tươi nhựa, chúng tôi gặp nhiều đống gỗ được xẻ vuông vức chờ đưa ra khỏi rừng.
Ngày 24/11, ông Trần Hiệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị cho biết, đoàn kiểm tra liên ngành bước đầu đếm được 36 cây gỗ đường kính từ 20 đến 90cm bị đốn hạ trong Khu BTTN Bắc Hướng Hóa.
Diện tích lớn rừng bị phá thuộc khu vực bảo vệ nghiêm ngặt nhưng trong cuộc trao đổi với chúng tôi vào ngày 26/11, Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa Hà Văn Hoan không đề cập đến vai trò, trách nhiệm quản lý của tập thể, cá nhân mà chỉ nêu nguyên nhân chưa bố trí được kinh phí khoán bảo vệ rừng đến các hộ dân Hướng Sơn!. Ngày 28/11, chúng tôi được Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn Lê Trọng Tường cho biết, 4 thôn của xã gồm Ra Ly, Nguồn Rào, Hồ, Mới đã nhận chi trả dịch vụ môi trường rừng, chỉ còn 2 thôn Cát và Trỉa chưa đủ điều kiện hưởng dịch vụ. Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn cũng né tránh câu hỏi của chúng tôi về trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở để người dân phá rừng
Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) khẳng định, tất cả các Khu BTTN đều có quy định đặc biệt bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học. Điều 232 và điều 243 Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã quy định chi tiết về tội “hủy hoại rừng”, trong đó có vai trò, trách nhiệm tập thể cá nhân là chủ rừng.