Phác thảo hình ảnh cá chép trước ngày tiễn ông Công - ông Táo về trời

Hoàng Vân 24/01/2022 08:10

Xuất phát từ mong muốn gìn giữ nét văn hóa Á Đông, Dương Hương Nhiên (32 tuổi, TP HCM) đã tìm cách phác thảo hình ảnh cá chép "vượt vũ môn" trên xương lá bồ đề nhân dịp đưa tiễn ông Công, ông Táo về trời.

“Văn hóa dân gian Việt Nam xem cá chép biểu trưng cho việc vượt lên khó khăn, thử thách, vươn tới thành công. Cùng với tranh cá chép đỏ, mình cũng vẽ những tranh dân gian như cá chép ngắm trăng, cá chép vượt vũ môn trên xương lá và nhận được nhiều sự yêu mến”, Hương Nhiên nói với Đại Đoàn Kết Online.

Dương Hương Nhiên thực hiện các tác phẩm tranh trên lá bồ đề.

Xuất phát từ tình yêu dành cho lá bồ đề - loài cây biểu tượng cho trí tuệ và sự giác ngộ của Đức Phật, Hương Nhiên đã tìm cách “thổi hồn” lên mỗi chiếc lá và biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật hút mắt người xem.

Tết Trung thu cổ truyền của người Việt được chị Nhiên truyền tải lên xương lá bồ đề.

Trò chuyện với Đại Đoàn Kết Online, chị Nhiên cho hay, bắt nguồn từ những chiếc xương lá được người bạn gửi tặng, chị nảy ra ý tưởng sẽ làm một điều gì đấy mang dấu ấn cá nhân. Biết đến sản phẩm thủ công qua các trang mạng xã hội, từ đó, cô gái 8X nhen nhóm ý định sẽ phác thảo các hình ảnh dân gian lên trên lá cây bồ đề.

Ban đầu, Hương Nhiên lấy cảm hứng từ tranh dân gian Việt Nam. Sau đó, chị thể hiện đa dạng chủ đề như vẽ chân dung, phong cảnh hay món ăn Việt trên xương lá.

Hương Nhiên sử dụng chất liệu dân gian là nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tác.

Để có xương lá chất lượng tốt, phù hợp với việc vẽ tranh, Hương Nhiên nhờ người bạn nhặt những lá bồ đề già, kích thước lớn từ cây bồ đề cổ thụ ở chùa Bái Đính, Ninh Bình. Khi có lá tươi, chị đem ngâm chừng một tháng cho rã thịt lá, tiếp đến dùng bàn chải nhẹ nhàng tẩy phần diệp lục còn sót lại. Xương lá đó đem phơi khô, có thể nhuộm màu tùy ý thích.

Nói về những khó khăn khi tiếp cận loại hình nghệ thuật mới, Hương Nhiên chia sẻ, chất liệu đặc thù với những mắt lá rỗng, những đường gân gồ ghề khiến việc vẽ trở nên khó khăn, nét vẽ dễ bị lem, nhòe, không sắc sảo. Dần dà, chị khắc phục được những hạn chế. Đến nay, Hương Nhiên đã tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật trên xương lá bồ đề.

Qua những tác phẩm của mình, chị Nhiên mong uốn có thể giới thiệu nét văn hóa truyền thống ở một dạng thức mới mẻ.

“Vẽ lên lá về cơ bản cũng như vẽ tranh thông thường, dù vậy xương lá là chất liệu mang tính đặc thù bởi có những đường gân lá và những mắt lá rỗng. Điều đó đòi hỏi cần phải có quá trình luyện tập để làm chủ được cọ vẽ. Một hạn chế nữa của vẽ trên xương lá đó là khổ lá giới hạn, vì thế cần tỉ mỉ trong việc thể hiện chi tiết nhỏ”, chị Nhiên thông tin.

Hình ảnh cá chép trước ngày đưa tiễn ông Công - ông Táo về trời.

Những tác phẩm của chị bắt mắt người xem không chỉ bởi độ đẹp mắt, sắc sảo, tinh tế mà còn góp phần gìn giữ giá trị tinh thần của dân tộc, tạo nên sản phẩm mang bản sắc Việt. Đồng thời, các sản phẩm có thể làm quà tặng lưu niệm, giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

Với tâm nguyện gìn giữ bản sắc Việt và giới thiệu nghệ thuật dân gian Việt đến bạn bè quốc tế, hàng loạt tác phẩm tranh dân gian như “Ngũ Hổ, “Đám cưới chuột” đã được Hương Nhiên tái hiện trên xương lá bồ đề.

Hình ảnh cá chép vượt vũ môn được chị Hương tỉ mẩn thực hiện.

Mỗi bức tranh có kích thước 71x 60 cm 60 cm khi vẽ trên lá phải thu nhỏ lại với kích cỡ chỉ khoảng gấp rưỡi lòng bàn tay. Suốt 3 năm vẽ tranh trên lá, chị Nhiên tâm huyết và dành nhiều công sức cho bức vẽ “Ngũ Hổ”. Bức vẽ vỏn vẹn 15 - 17 cm với rất nhiều chi tiết nhỏ, phác thảo khung cảnh dân gian hàng Trống.

Trước ngày cúng lễ ông Công, ông Táo, Hương Nhiên đăng tải hình ảnh phác thảo từng đàn cá chép trên xương lá bồ đề lên trang cá nhân Facebook khiến nhiều người thích thú.

Cỏ cây, hoa lá cùng cá chép trong cùng một bức vẽ hài hòa, bắt mắt.

Ngay sau khi bức hình được chị Nhiên đăng tải lên mạng xã hội đã được cư dân mạng đón nhận và nhận về hàng nghìn lượt tương tác, chia sẻ kèm những lời cầu mong trong ngày đưa tiễn ông Công, ông Táo về trời.

Hương Nhiên thường đóng khung để giữ ẩm cho những "đứa con" của mình.

Anh Hoàng Hà (Cầu giấy, Hà Nội) tỏ ra bất ngờ khi nhìn những hình vẽ cá chép trên xương lá, anh nói: “Tập tục cúng Táo quân khởi nguồn từ bếp lửa, tượng trưng cho sự ấm no, sung túc, cung cấp sự sống cho con người bằng việc sưởi ấm, đun chín thức ăn. Đó cũng là hình tượng trong cõi tâm linh về vua Bếp. Hi vọng những ai nhìn thấy hình ảnh cá chép trên lá bồ đề đều sẽ bình an, may mắn”.

“Hình ảnh cá chép phác thảo thật đẹp, hi vọng trong thời gian tới, bạn sẽ tạo ra nhiều sản phẩm đẹp mắt hơn nữa. Giá mà gia đình mình cũng có một chiếc lá vẽ hình ảnh đàn cá trên lá cây bồ đề vào ngày đưa tiễn ông Công, ông Táo thì thật tuyệt”, bạn Hương Lan (Mễ Trì, Hà Nội) bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phác thảo hình ảnh cá chép trước ngày tiễn ông Công - ông Táo về trời