Hơn 2 tháng qua, giá vàng liên tục nhảy múa, nhất là vàng miếng. Nhiều phiên giao dịch chỉ trong 1 ngày nhà đầu tư đã mất hơn 3 triệu đồng khi giá vàng rơi thẳng đứng. Rồi lại đến những ngày nhúc nhắc không rõ lên mà cũng chẳng rõ xuống. Cùng đó, độ chênh giá vàng miếng trong nước với giá vàng quốc tế cũng... vô chừng.
Lúc cao điểm chênh cao hơn tới 18 triệu đồng/lượng. Lúc lại xuống 14 triệu đồng/lượng. Khiến người có ý định mua lẫn bán vàng đều lo ngại, vì không biết đâu mà lần với kim loại quý hiếm đắt đỏ này.
Thực tế thị trường vàng trong nước thời gian qua cho thấy, nếu giữ làm của để dành, nhiều người sẽ mua vàng nhẫn 4 số 9 thay vì vàng miếng SJC vì chất lượng như nhau trong khi vàng miếng SJC đắt hơn trên 10 triệu đồng/lượng tùy thời điểm. Vàng 4 số 9 nào cũng là vàng - một doanh nhân đã từng lăn lộn hàng chục năm trong ngành vàng nhận xét.
Nhưng nếu để mua đi bán lại kiếm lời thì người ta lại ngại ngần không dám đầu tư vào vàng trang sức.
Một thông tin cũng cần biết là vào năm 1994, đúng 5 năm sau ngày dập lượng vàng miếng đầu tiên, Công ty Vàng bạc Đá quý TPHCM (SJC) thông báo đã gia công 1 triệu lượng vàng, tương đương 37,6 tấn. Nhưng, từ chỗ chiếm hơn 90% lượng vàng lưu thông trên thị trường, tới nay vàng miếng SJC chỉ còn chiếm dưới 10% thị phần. Điều đó cho thấy thị trường đã cởi mở hơn rất nhiều, và thanh khoản trong giao dịch vàng miếng cũng có thể nói là đi xuống. Việc đầu tư vàng kiếm lời, hay chí ít là “hầm trú ẩn” khi kinh tế động, cũng đã không còn hấp dẫn. Một ngân hàng cổ phần từng có kho rộng chuyên trữ vàng cho biết, phí giữ hộ vàng hiện tại là 10.000 đồng/chỉ/tháng. Tính ra mỗi năm mất 1,2 triệu đồng phí/lượng nếu gửi vàng ở ngân hàng này. Nhưng cũng “thưa thớt lắm”.
Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TPHCM, doanh số mua vàng vào gần đây giảm 15%, bán ra giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.
Thi thoảng Hội đồng Vàng thế giới cũng công bố số liệu nhu cầu vàng của Việt Nam. Chẳng hạn theo tổ chức này, nhu cầu vàng năm 2019 của Việt Nam là 56,4 tấn. Qúy 1/2022 nhu cầu là 19,6 tấn, tăng 6% so với mức 18,6 tấn của qúy 4/2021. Tuy nhiên, một số công ty kinh doanh vàng cho rằng, con số đó chỉ mang tính võ đoán và Hội đồng Vàng thế giới không thể khảo sát nhu cầu từ các tiệm vàng tư nhân của Việt Nam.
Hôm qua, 17/8, chốt phiên giao dịch giá vàng trong nước được Tập đoàn DOJI niêm yết chiều mua vào 65,95 triệu đồng/lượng; bán ra là 66,95 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán vàng tại DOJI là 1 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng mua vào 66 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 67 triệu đồng/lượng, cũng chênh lệch giá mua - bán 1 triệu đồng/lượng.
Dẫn con số trên để đưa ra tiếp một con số: Ngày 7/3 cũng trong năm nay, giá vàng miếng SJC là 74 triệu đồng/lượng. Có nghĩa sau 5 tháng, nếu ai mang vàng đi bán thì sẽ mất khoảng 9 triệu đồng/lượng. Vì thế, nhiều người than rằng, phải chăng vàng đã “nhạt màu”?