Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp trực tuyến Chính phủ, các bộ, ngành liên quan với các tỉnh, thành phố có biển về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) diễn ra ngày 7/9.
Cuộc họp được kết nối giữa điểm cầu Trụ sở Chính phủ và các điểm cầu tại 28 tỉnh, thành phố; 144 huyện, thị xã và 392 xã, phường, thị trấn có biển. Tại cuộc họp, các địa phương ven biển đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo về IUU. Trong đó, tập trung vào các giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân; áp dụng các giải pháp công nghệ để tăng cường quản lý, giám sát tàu cá của ngư dân hoạt động trên biển. Bên cạnh đó các địa phương cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo và các bộ ngành nhiều giải pháp để hỗ trợ địa phương, nâng cao hiệu quả công tác này, góp phần để EC sớm gỡ “thẻ vàng”.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Sau gần 4 năm, phía EC có những đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành của cấp Trung ương với sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Bên cạnh đó, phía EC cũng khẳng định, Việt Nam đang đi đúng hướng; EC cũng ghi nhận và đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên về kết quả triển khai chống khai thác IUU.
Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu cho nhiệm vụ chống khai thác IUU. Đơn cử như: Chưa ngăn chặn, chấm dứt được tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; Công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU còn thấp so với các vụ việc vi phạm.
Trước tình hình trên, tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp kiểm tra, và hỏi cụ thể từng xã, huyện, tỉnh có biển về công tác đánh bắt thủy hải sản, về việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định để nắm bắt tình hình thực tế tại địa phương.
Người đứng đầu Chính phủ đặt câu hỏi với ông Lê Nguyên Trắng, Chủ tịch UBND xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre về tình hình vi phạm của người dân trên địa bàn, xử lý đến đâu? Tại sao người dân vi phạm? Lãnh đạo địa phương đã đến thăm, tìm hiểu gia đình người bị bắt chưa, người thân của họ nói thế nào?
Lãnh đạo địa phương tỏ ra lúng túng trước các câu hỏi này. “Các đồng chí quay sang hỏi người xung quanh, như thế là các đồng chí nắm chưa chắc. Vì lãnh đạo cơ sở nắm chưa chắc nên người dân mới vi phạm” - Thủ tướng nhắc nhở và yêu cầu rút kinh nghiệm.
Qua kiểm tra, Thủ tướng đã yêu cầu, phải có biện pháp làm sao đạt mục tiêu để EC gỡ “thẻ vàng”. Dứt khoát phải thực hiện theo chỉ đạo của Ban Bí thư là không để “thẻ đỏ”. Do đó cơ sở phải nỗ lực. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. “Xã, phường, thị trấn là nơi gần dân nhất. Phải xuất phát từ xã, phường, thị trấn để nâng cao ý thức người dân. Hệ thống chính trị phải vào cuộc chúng ta mới thành công. Mặc dù việc nhỏ nhưng ảnh hưởng rất lớn. Nếu chúng ta không tuyên truyền tốt, không hướng dẫn tốt, không có vận động tốt, có khi người dân chưa hiểu được việc đó ảnh hưởng đến quốc gia dân tộc thế nào, ảnh hưởng đến chính người dân thế nào?”- Thủ tướng căn dặn.
Từ đó, Thủ tướng đề nghị xã, phường, thị trấn trực tiếp làm việc với người dân, phải tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Đồng thời tỉnh, huyện cũng phải lãnh đạo chỉ đạo, kiểm tra, làm sao nhanh chóng để EC gỡ “thẻ vàng”, thúc đẩy phát triển ngành thủy hải sản đi đúng hướng.