Ứng xử với lễ hội là vấn đề đã được đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng mỗi năm những phản cảm trong lễ hội lại ở mức độ khác nhau. Nhìn vào cách mà chúng ta ứng xử với lễ hội, trao đổi với ĐĐK, GS. Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo, UBTƯMTTQ Việt Nam đề nghị, không chỉ giảm số lượng lễ hội, mà dần dần phải đưa yếu tố pháp luật vào xử lý.
GS. Đỗ Quang Hưng.
PV:Thưa GS, là người nghiên cứu về văn hóa và tôn giáo nhiều năm, ông nhìn nhận như thế nào về tình trạng bạo lực gia tăng trong dịp Tết, hay việc chen lấn, xô đẩy nhau tại các lễ hội đầu năm 2017?
GS Đỗ Quang Hưng: Sẽ là rất xấu hổ khi phải tổng kết chuyện va chạm xã hội do những cá thể không kiềm chế được dẫn đến bạo lực, mà thậm chí đánh nhau do tranh giành lộc trong lễ hội, đến mức sư thầy tại chùa Hương cũng bị kỷ luật của Giáo hội. Đó là điều đáng tiếc trong việc ứng xử về văn hóa.
Cuộc sống con người bên cạnh cái tốt thì bao giờ cũng có cái xấu, sự hư hỏng của con người cũng có nhiều loại khác nhau. Ở nước ta nó là những xung đột cá nhân, bộc lộ những cái tiêu cực. Khi thương nhau thì cho nhau từng miếng xôi, nhưng khi giành nhau quả bưởi, quả chuối thôi là có thể đánh nhau vỡ đầu.
Đây là một hiện tượng xã hội, một hiện tượng suy giảm các chuẩn mực xã hội, đạo đức văn hóa. Những sự kiện như thế này đặt ra báo động rất cao về quản lý lễ hội. Cách đây mấy năm, chúng ta bàn đến tình trạng lộn xộn trong lễ hội, rồi thương mại hóa nhưng bây giờ ở cấp độ nghiêm trọng hơn, đặt ra vấn đề quản lý phải nhìn lại.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện vừa cho rằng “bây giờ phải rà soát lại, không khuyến khích mà hạn chế lễ hội” là rất cần. Không chỉ giảm số lượng lễ hội, mà theo tôi dần dần phải đưa yếu tố luật pháp vào trong xử lý.
Tại sao các vụ đánh nhau như thế mà cơ quan an ninh, chính quyền không chọn ra vụ điển hình để xét xử? Là một người nghiên cứu về văn hóa dân tộc lâu năm tôi cảm thấy rất buồn.
Thưởng thức lễ hội phải có văn hóa nhưng xem ra chúng ta đang thiếu những chuẩn mực và giáo dục, thưa GS?
Chắc chắn vậy, đó là vấn đề muôn thủa, đó là nguyên lý và nguyên tắc nhưng nó rơi vào một căn bệnh trầm kha. Lễ hội đây đó xuất hiện sự trục lợi thô thiển. Cho nên khi mở lễ hội không phải chỉ suy nghĩ chuyện giảm số lượng? mà phải có yếu tố của luật pháp để kiểm soát. Nếu vi phạm nào đạt đến mức độ xấu như đánh nhau giành lộc thì phải chọn ra vụ tiêu biểu mà xét xử chứ không chỉ là biện pháp giáo dục.
Tôi mong rằng, người dân hiểu được điều này, người ta thấy xấu hổ và sẽ giảm bớt đi lễ hội không thiết thực. Thủ tướng cũng phải kêu gọi “tập trung bắt tay ngay vào việc đi”, Bí thư Thành ủy cũng phải kêu “chấm dứt nhé, bây giờ đi làm đi, đừng có đi lễ hội nữa hay có đi cũng không được dùng xe công” là đã cấp thiết rồi. Làm sao lại để cho xe công đi lễ hội; mà bây giờ cứ phải nói mãi chuyện xe công. Bây giờ phải luật hóa kể cả xử lý tiêu cực trong lễ hội.
Thưa GS, nhiều ý kiến cho rằng phải chăng do chúng ta tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội quá nhanh, mà xem nhẹ, không quan tâm đến vấn đề văn hóa?
Theo tôi, đó chỉ là cách nói khác. Không phải phát triển kinh tế quá mạnh mà lơ là văn hóa.
Hình ảnh một sư thầy ở chùa Hương ném lộc rồi phía dưới người dân tranh giành nhau, tạo ra hình ảnh phản cảm. Ông cảm nhận việc này như thế nào?
Lần đầu tiên một sư thầy phải bị kỷ luật trong đạo. Do đó điều mà tôi muốn nói là thái độ với lễ hội không phải ở chuyện giảm mà là cách nhìn, và quản lý lễ hội. Tức là vấn đề không còn chỉ trong phạm vi cộng đồng, mà phải có yếu tố luật pháp trong quản lý chứ không thể bỏ mặc để cho một số người lợi dụng.
Khi đã xảy ra chúng ta không chỉ đặt ra vấn đề giáo dục đạo đức hay lên án mà còn phải xử lý theo luật pháp. Tôi chỉ mong đến một lúc nào đó người ta nhận diện ra giá trị đích thực của lễ hội thật sự. Lễ hội không có lỗi mà một bộ phận con người đã lợi dụng và làm hỏng nó.
Vậy để giảm bớt lễ hội, đã có nhiều ý kiến đề xuất nên gộp Tết Tây và Tết ta. Ý kiến của GS, về vấn đề này?
Chuyện này là một vấn đề lớn, hiện Chính phủ nói chưa bàn vội. Tôi đồng ý với thái độ đó vì bàn vào lúc này là khó. Cho nên việc bảo chưa bàn vội là một sự thận trọng cần thiết. Nhưng đến một lúc nào đó, nếu cần được hỏi trong một trạng thái tâm lý xã hội bình tĩnh hơn nữa thì tôi sẽ giơ tay là nên gộp làm một.
Trân trọng cảm ơn GS!