Phát biểu tại phiên thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội, bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (đại biểu Quốc hội đoàn Bắc Kạn) cho biết, người dân rất bức xúc trong vấn đề bảo hiểm nhân thọ. Từ đó, đại biểu Quốc hội kiến nghị Bộ Tài chính thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm nhân thọ; Bộ Công an xác minh, làm rõ có hay không dấu hiệu lừa đảo, lừa dối khách hàng, nếu có đề nghị khởi tố điều tra.
Từ lâu, nhiều khuất tất trong hoạt động bảo hiểm nhân thọ (BHNT) của một số doanh nghiệp bảo hiểm gây bức xúc cho người dân, đã được truyền thông liên tục lên tiếng. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa có nhiều biến chuyển. Bản chất của BHNT là sản phẩm mang tính nhân văn, giúp hỗ trợ con người, giảm thiểu mất mát, thiệt hại do ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên, dư luận bày tỏ bức xúc trước hàng loạt vụ việc mang tính lừa đảo bị phanh phui.
Nhiều người mua BHNT đã “sập bẫy” bởi sự tư vấn mập mờ của tư vấn viên. Cùng đó, với một bộ hợp đồng dày gần 100 trang của công ty bảo hiểm, ngay đến luật sư, chuyên gia lĩnh vực tài chính cũng chỉ hiểu tối đa 70%, huống gì người dân. Người mua BHNT đã được khuyến khích bởi nhân viên tư vấn, đặt niềm tin vào công ty bảo hiểm nên đã dễ dàng ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, khi nảy sinh vấn đề thì hầu hết các trường hợp người mua bảo hiểm chịu thua thiệt, vì trong phần phụ lục của hợp đồng có những điều khoản bổ sung để công ty bảo hiểm nắm đằng chuôi, còn “lưỡi dao” thì cho vào tay khách hàng.
Đáng ngại hơn khi các hợp đồng BHNT dưới dạng liên kết, đầu tư. Tức là tiền của khách hàng được đưa vào các quỹ chứng khoán, trái phiếu. Công ty bảo hiểm thu lợi, ngân hàng thu lợi, doanh nghiệp bán trái phiếu thu lợi; chỉ có người tưởng rằng mình đang mua BHNT là thiệt hại. Lại cũng nhiều người không hiểu “độ linh hoạt” của hợp đồng, nếu như thanh lý sau 3 năm, 5 năm, 10 năm... thì sẽ nhận lại được bao nhiêu số tiền đã đóng. Đặc biệt, sự mù mờ đến từ tư vấn viên khiến nhiều người ký hợp đồng đến 70 năm, 90 năm - điều họ không bao giờ ngờ tới. Khi phát hiện muốn hủy hợp đồng, nhưng do thời gian đóng bảo hiểm ít họ hoàn toàn có thể mất trắng số tiền đã đóng.
“Dư luận đặt câu hỏi, từ những vụ việc vừa qua, có hay không việc công ty bảo hiểm biết nhưng cố tình bỏ qua lỗi của tư vấn viên, đại lý bảo hiểm gây bất lợi cho khách hàng?”- ĐBQH Nguyễn Thị Thủy đặt vấn đề.
Việc Bộ Tài chính phải thanh tra toàn diện hoạt động BHNT, trong đó có loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư; cũng như Bộ Công an vào cuộc xác minh làm rõ có hay không có dấu hiệu lừa đảo, lừa dối khách hàng là vấn đề được ĐBQH cũng như cử tri và nhân dân đặt ra. Đó là việc cần thiết để đưa hoạt động BHNT vào quy củ, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia bảo hiểm.
Trước đó, ngày 10/5, báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết trong đơn thư gửi về, cử tri, nhân dân lo lắng vấn đề giao kết và thực hiện một số sản phẩm BHNT thiếu minh bạch, không rõ ràng đã gây rủi ro và thiệt hại cho người mua. Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, tăng cường thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp BHNT trong việc liên kết với ngân hàng thương mại. Kiểm tra, rà soát hợp đồng mẫu về một số sản phẩm BHNT để đảm bảo tính minh bạch của thị trường bảo hiểm và quyền lợi của người tham gia.
Cũng trong ngày 10/5, trình bày dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (khai mạc ngày 22/5), Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân phản ánh gặp rủi ro khi mua BHNT. Vì tin tưởng các hợp đồng in sẵn đã được cơ quan chức năng thẩm định nên người dân không đọc hoặc đọc cũng không hiểu rõ nên điều khoản bất lợi thường thuộc về bên mua, gây thiệt hại cả về vật chất và tinh thần cho người dân.
Được biết, Bộ Tài chính cũng đã lập đường dây nóng 24/7 để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh. Tính đến ngày 5/5, đã phân loại xử lý 350 đơn tố cáo liên quan đến bảo hiểm liên kết với ngân hàng. Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp làm việc, cung cấp thông tin; chuyển đơn thư phản ánh hành vi có dấu hiệu hình sự sang Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an để xử lý theo quy định pháp luật.
Phải minh bạch BHNT để không ai bị “sập bẫy”, đó là đòi hỏi chính đáng của người dân.