Giá xăng giảm, giá hàng hóa giảm sẽ khiến cho áp lực lạm phát giảm. Giá xăng dầu giảm có tác động đến cả kinh tế vi mô và vĩ mô, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh sản xuất. Chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính Đinh Trọng Thịnh đã có cuộc trao đổi với Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề này.
PV: Giá xăng dầu đã giảm khoảng 7.500 đồng – 8.200 đồng/ lít tính ở đỉnh giá 32.370 đồng/lít, phần nào đã tạo ra “cơn gió mát” với cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Giá xăng ổn định ở mức hợp lý tạo ra nhiều kỳ vọng phát triển và có thể kích cầu mua sắm, tiêu dùng, thưa ông?
Ông Định Trọng Thịnh: Xét về tổng thể, giá xăng chiếm 3,54% trong chi phí sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Tất nhiên, mức độ chúng ta xem xét là cho cả nền kinh tế, còn xét về từng ngành riêng giá xăng dầu còn có ảnh hưởng lớn hơn như giao thông vận tải.
Tác động của giá xăng ở cả đầu vào, đầu ra đối với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp là rất lớn, tác động đến hoạt động logistic, tác động cơ cấu giá thành hàng hóa trong nền kinh tế quốc dân. Khi giá xăng giảm thì năng lượng đầu vào cho sản xuất giảm. Làm cho giá hàng hóa giảm, cũng làm tăng lợi nhuận doanh nghiệp, người tiêu dùng dễ chấp nhận giá mới do giảm giá hàng hóa.
Vì thông thường giá xăng tăng khoảng 10% thì tăng trưởng sản xuất kinh tế giảm 0,5%. Giá xăng tăng 10% làm cho lạm phát tăng 0,35%. Vì vậy khi giá xăng giảm thì cơ hội giảm lạm phát, nâng cao mức độ tăng trưởng.
Nhưng thưa ông có điều đáng bàn là giá xăng giảm nhưng giá hàng hóa không giảm tương xứng theo tỷ lệ. Vậy làm sao để làm tăng hiệu quả việc giảm giá xăng dầu đối với nền kinh tế?
- Chúng ta thấy có mấy vấn đề cần nhận xét. Về mặt khách quan giá xăng tăng trong khoảng 5 - 6 tháng vừa rồi với mức tăng 50% khiến cho giá nguyên vật liệu đầu vào tăng kinh khủng. Chưa kể giá nguyên vật liệu người mua về dùng còn phải dự trữ nên khi giá xăng giảm thì giá hàng hoá chưa thể giảm ngay. Song sau một khoảng thời gian là 3,4 tuần thì giá hàng hóa phải giảm theo tỷ lệ nhất định – tính theo cơ cấu giá xăng chiếm bao nhiêu % của tổng chi phí sản xuất. Giá xăng như đã nói không phải tác động trực tiếp mà còn tác động gián tiếp, ngấm vào giá thành sản phẩm, do vậy cần chu trình mới giảm giá hàng hoá.
Bên cạnh đó một số hàng hóa theo thói quen người kinh doanh là đã tăng giá rồi thì không giảm, nên chần chừ trong giảm giá. Giá hàng hóa không giảm tương xứng với giá xăng dầu. Và đây là hành động không được.
Như vậy khi giá không giảm thì người tiêu dùng phải thể hiện quyền của mình, lên án các hành động lũng đoạn giá, thao túng giá. Còn phía cơ quan quản lý là Tổng cục quản lý thị trường và Cục Giá phải rà soát giá đầu vào các mặt hàng trong nền kinh tế quốc dân, phát hiện những người nào cố tình làm giá, nâng giá, hưởng lợi thì xử phạt. Chúng ta đã có biện pháp nêu tên, xử phạt hành chính các doanh nghiệp kinh doanh bất chính, còn nếu doanh nghiệp cố tình vi phạm kéo dài thì phải xử lý hình sự.
Hiện nay sau khi giá xăng dầu trên thế giới giảm, thì giá nhiều mặt hàng hóa trên thế giới cũng giảm, như bột ngô giảm, giá phân bón cũng có phần hạ nhiệt…chúng ta phải kiểm tra, giám sát buộc doanh nghiệp và hộ gia đình đưa giá hang hóa về mặt bằng phù hợp.
Rất có thể tháng 8 này chúng ta sẽ có lạm phát âm so với tháng 7. Trong tháng 9 lạm phát có thể tăng lên do đúng thời gian nhập học, một số trường điều chỉnh giá học phí … nên để tạo khoảng trống bù lắp, ngay thời điểm này phải kiểm soát giá thật hợp lý để tăng hiệu quả giảm giá xăng dầu, hỗ trợ đời sống người dân.
Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng giá xăng nếu như được ổn định ở mức 22000 đồng/ lít sẽ thúc đẩy rất lớn đến tăng trưởng?
- Khả năng đạt tăng trưởng 7% - 7,5% rất khả thi nếu như giá xăng về 22.000 đồng – 24.000 đồng/ lít, kèm với đó là mặt bằng giá cả ổn định. Trong điều kiện giá như vậy, các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng được thị trường xuất nhập khẩu, tiêu dùng người dân tăng lên.
Trân trọng cảm ơn ông!