Một trong những vấn đề quan trọng được Trung ương cho ý kiến tại Hội nghị Trung ương 6 là tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Theo ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cần làm tốt ngay từ từng chi bộ, thực chất trong tự phê bình và phê bình.
PV: Cá nhân ông đánh giá như thế nào về việc từ Đại hội XIII đến nay đã có 7 Ủy viên Trung ương Đảng bị các hình thức kỷ luật Đảng gồm cách chức, thôi chức, khai trừ Đảng?
Ông NGÔ VĂN SỬU: Đến ngày 3/10, chúng ta đã có 7 Ủy viên Trung ương Đảng bị các hình thức kỷ luật Đảng gồm cách chức, thôi chức, khai trừ Đảng. Đây là việc làm kịp thời, chặt chẽ của Trung ương khi thời gian qua có những cán bộ là Ủy viên Trung ương bị kỷ luật, khởi tố, bắt giam. Tôi đánh giá cao bước này của Trung ương, đều nhanh chóng, kịp thời, chứ không chậm trễ. Bởi xử lý kỷ luật Đảng phải chặt chẽ, đúng nguyên tắc.
Tại Hội nghị Trung ương 6 lần này, một trong những việc quan trọng là Trung ương cho ý kiến về việc Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Điều đó giúp ích như thế nào trong vấn đề xây dựng Đảng hiện nay, thưa ông?
- Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là nội dung rất lớn, quan trọng trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Bởi phương thức lãnh đạo của Đảng nếu không được tổng kết, rút kinh nghiệm, nâng cao lên, sửa chữa những cái không phù hợp thì sẽ khó đáp ứng được trong tình hình mới từ hình thức cho đến nội dung lãnh đạo.
Phương thức, chức năng lãnh đạo là “gốc”, tức là ra quyết định lãnh đạo rồi xem nội dung có phù hợp và đúng hay không, cách thực hiện các quyết định, kiểm tra các quyết định thực hiện thế nào. Lâu nay chúng ta ít kiểm tra xem bao nhiêu quyết định được Trung ương đưa ra nhưng chưa được kiểm tra triệt để. Đến khi phát hiện đã xảy ra những sai sót, từ đó hàng loạt cán bộ bị vi phạm.
Mỗi quyết định lãnh đạo cần có một phương pháp để kiểm tra ngay. Tức là kiểm tra xem quyết định lãnh đạo có đúng không? Nếu đúng rồi thì tại sao không thực hiện được? Do tổ chức thực hiện hay do chủ trương không sát? Cho nên phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là việc rất lớn và vô cùng quan trọng. Qua bao nhiêu năm triển khai, đến nay tại Hội nghị Trung ương 6 lần này, Ban chấp hành Trung ương tiến hành xem xét đánh giá là vô cùng hợp lý.
Đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng có ý kiến cho rằng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; chất lượng, hiệu quả chưa đều ở các cấp, việc tự kiểm tra, giám sát còn nhiều hạn chế. Theo ông nguyên nhân là do đâu?
- Lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Thực tế vừa qua nhiều tổ chức đảng thiếu kiểm tra, để đảng viên vi phạm, vi phạm bé nhưng để thành to, dồn đến lúc vỡ lở ra thì đã là nghiêm trọng. Vừa qua Quốc hội tổ chức đi giám sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là rất đúng và trúng. Qua giám sát Quốc hội đã phát hiện hàng nghìn dự án treo, chậm tiến độ, riêng báo cáo giám sát đã mấy nghìn trang giấy. Một chủ trương lớn của Nhà nước mà thiếu kiểm tra, giám sát làm sao biết thực hiện đúng hay sai. Tôi nói ví dụ trên để cho thấy việc kiểm tra giám sát có ý nghĩa rất lớn trong phương thức lãnh đạo của Đảng. Nhất là tại cơ sở, việc “chạy” khen thưởng, “chạy” huân chương cũng bắt nguồn từ kiểm tra, giám sát chưa kịp thời.
Thực tế thì hiện nay có một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc của Đảng trong tự phê bình và phê bình vẫn còn tình trạng bao biện, áp đặt, làm thay hoặc né tránh, sợ trách nhiệm, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng. Vậy làm sao để khắc phục việc này, thưa ông?
- Lâu nay tự phê bình và phê bình vẫn còn nhiều yếu kém. Ít ai dám phê bình, nhất là đối với lãnh đạo có mấy ai dám phê bình. Vì phê bình xong lại bị “ghét”. Vì thế tự phê bình và phê bình đang trở thành hình thức. Việc tự phê bình và phê bình của một số tổ chức đảng yếu kém là như vậy. Do đó tại Hội nghị lần này, Trung ương cần có giải pháp để khắc phục triệt để việc tự phê bình và phê bình, tránh việc tự phê bình và phê bình là hình thức.
Tôi nói ngay sinh hoạt chi bộ, chất lượng sinh hoạt chi bộ, hình thức sinh hoạt chi bộ cần phải cải tiến để sinh hoạt chi bộ là cần thiết. Trước đây trong điều kiện hoạt động bí mật nhưng vẫn sinh hoạt chi bộ để kiểm điểm, thống nhất chủ trương để lãnh đạo đấu tranh. Bây giờ sinh hoạt chi bộ lại nói với nhau “vài câu, ba điều” xong rồi về, là không được. Chất lượng sinh hoạt chi bộ là vấn đề đã được nêu ra hàng chục năm nay nhưng thực chất chưa hiệu quả, còn hình thức. Ví như chi bộ 3 xây, 3 chống, đảng viên 4 tốt, chi bộ 4 tốt, trong sạch, cuối năm bình bầu cho nhau. Đến khi mắc sai phạm thì mọi thứ mới vỡ lở. Đó là dùng hình thức bề ngoài để che đậy những yếu kém. Vì thế tôi mong Trung ương lần này bàn và đưa ra các giải pháp cụ thể để tự phê bình và phê bình, cũng như sinh hoạt chi bộ trở thành thực chất.
Sức sống của Đảng là ở chi bộ. Kiểm tra giám sát cũng diễn ra ngay tại chi bộ. Dù rằng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là việc không dễ vì đụng chạm đến con người, tâm lý và không thể “một chốc, một lúc” có thể làm được mà là lâu dài, nhưng chúng ta cần khắc phục để thực hiện triệt để.
Trân trọng cảm ơn ông!
Lâu nay tự phê bình và phê bình vẫn còn nhiều yếu kém. Ít ai dám phê bình, nhất là đối với lãnh đạo có mấy ai dám phê bình. Vì phê bình xong lại bị “ghét”. Vì thế tự phê bình và phê bình đang trở thành hình thức. Việc tự phê bình và phê bình của một số tổ chức đảng yếu kém là như vậy. Do đó tại Hội nghị Trung ương lần này, Trung ương cần có giải pháp để khắc phục triệt để việc tự phê bình và phê bình, tránh việc tự phê bình và phê bình là hình thức.