Cuối Thế kỷ XX, có một cuốn phim truyện của Ấn Độ gây được nhiều sự chú ý của người xem vì cách đặt vấn đề rất đặc biệt như sau: Cái khác nhau giữa con người và con vật là gì?
Con người thở hít khí trời, con vật cũng thở hít khí trời. Con người có dòng máu đỏ chảy trong cơ thể thì trong cơ thể con vật cũng có dòng máu đỏ đang chảy...
Sau khi phim được công chiếu đã nảy sinh nhiều tranh luận. Có nhiều bài viết, nhiều cuộc Hội thảo đã giải quyết được phần nào câu hỏi đã nêu trên bằng cách cố gắng tìm ra các “tiêu chuẩn đặc thù” của con người. Chỉ xin nêu thật ngắn gọn các ý kiến đã nêu trong hai lĩnh vực:
- Đặc tính sinh học đặc thù của con người.
- Tiêu chuẩn và phẩm chất làm người.
Đây là 2 vấn đề quá to lớn, quá rộng rãi, quá phong phú, vượt lên mọi khả năng nhận thức của một con người.
* Về mặt sinh học: Có nhiều tiêu chuẩn đặc thù cho con người, nhưng tiêu chuẩn đặc thù duy nhất và số 1 là “Nhóm máu”.
Con người ta dù giầu, dù nghèo, dù da trắng, da đen, dù sống ở Bắc cực hay Nam cực cũng chỉ có 1 trong 4 nhóm máu sau đây theo hệ ABO là: nhóm máu A, nhóm máu B, nhóm máu AB và nhóm máu O.
Nhóm máu của một người, của từng người là tiêu chuẩn sinh học cố định, không bao giờ thay đổi để xác định con người đó, để chỉ điểm sinh học cho con người đó từ lúc sinh ra đến khi chết là không bao giờ thay đổi. Một số nước đã ghi tên nhóm máu của từng công dân vào luôn Thẻ căn cước hay Chứng minh thư hoặc Hộ chiếu của họ. Một số gián điệp Quốc tế thay hình đổi dạng tùy theo ý muốn hoặc theo mục đích hoạt động của họ, nhưng nếu truy xét đến nhóm máu thì chắc chắn bị bại lộ. Như vậy, con người có thể lột xác, có thể “tái sinh” nhờ khoa học Thẩm mỹ, nhưng tên nhóm máu của người đó vẫn do Thượng đế định đoạt và nắm giữ. Có người hỏi: “Nếu ta “thay máu”, tức là truyền thật nhiều máu của người khác vào thì sao?”, cũng thế thôi, không thay đổi được gì, vì nếu truyền máu thuộc nhóm máu khác thì người đó sẽ chết, thành ra vẫn chỉ có thể “thay máu” bằng chính nhóm máu cùng tên với nhóm máu của người đó mà thôi. Đã nói là độc quyền của Thượng đế thì đừng có tranh luận, bàn cãi làm gì!
Còn ở động vật, không xác định được nhóm máu ABO. Chính nhờ có đặc điểm vĩ đại này, các nhà khoa học Hình sự đã có biện pháp xác định nhóm máu khi điều tra các dấu vết ở hiện trường gây tội ác để phân biệt được máu người hay máu động vật (máu gà, máu chó, máu mèo ...), phân biệt được máu của thủ phạm, máu của nghi phạm ...
* Về mặt tiêu chuẩn hay phẩm chất làm người:
Có nhiều tác giả đề xuất nhiều tiêu chuẩn, nhiều tiêu chí, nhiều phẩm chất khác nhau, nhưng tựu chung có 4 phẩm chất, 4 đức tính, 4 nhân tính hết sức cao quý, hết sức đặc biệt, hết sức khó khăn mới đạt được sau đây để xác định được một con người chân chính, một con người lương thiện, một con người hướng thiện, một con người đúng nghĩa “Con người”. Những phẩm chất này mang cái riêng chỉ có ở con người, được hình thành nên do di truyền, do giáo dục (gia đình, nhà trường, xã hội, hệ thống chính trị, hệ thống văn hóa), do tác động từ bên ngoài (môi trường sống, hoàn cảnh sống, điều kiện sống) và đặc biệt nhờ quá trình tự tu dưỡng của từng cá thể con người, quá trình tự phấn đấu, tự rèn luyện, tự vươn lên, tự hoàn thiện bản thân mới có được.
Bốn phẩm chất đó là:
1. Lòng trắc ẩn (còn gọi là lương tri, nhân tính).
2. Sự nhường nhịn (còn gọi là lòng vị tha).
3. Lòng tự trọng (còn gọi là có liêm sỉ, biết xấu hổ khi làm điều sai trái).
4. Sự hiểu biết (còn gọi là kiến thức để học làm người, hay đạo làm người).
Xin được nói về từng phẩm chất.
1. Lòng trắc ẩn:
- Lòng trắc ẩn thể hiện ở sự cứu giúp đồng loại khi gặp khó khăn, thiếu thốn, tai nạn, đau đớn. Thí dụ: không ai nỡ nhìn ông cụ già run lẩy bẩy muốn qua đường nhưng sợ hãi, mấy lần định đi sang nhưng lại quay lại vì xe đông quá, chạy rất nhanh lại lạng lách chen lấn nhau. Là người ai cũng muốn chạy nhanh đến đỡ ông cụ và nói: “Cụ cứ bình tĩnh, cháu sẽ đưa cụ sang đường an toàn, đi theo cháu, đừng lo quá”. Những người nhìn thấy cảnh thương tâm trên mà lờ đi, vô cảm, coi như không nhìn thấy gì là người không có lòng trắc ẩn.
- Lòng trắc ẩn thể hiện ở chỗ tận tình chỉ dẫn, mách bảo một cách vô tư cho người khác để họ tránh được nguy hiểm. Lòng trắc ẩn còn thể hiện ở sự thông cảm, sẻ chia, cưu mang người khác.
- Phẩm chất này còn thể hiện ở sự lên án, phản ứng mạnh mẽ trước những hành vi ngang trái, hành động áp bức, coi thường phẩm giá con người. Chính vì thế, người có lòng trắc ẩn không nỡ tàn phá một cây non đang lớn, không nỡ giết một con vật đang trưởng thành.
Phẩm chất này là cao quý nhất, đặc biệt nhất của con người, đến nỗi nhà triết học vĩ đại phương Đông – Mạnh Tử đã phải thốt lên: “Kẻ không có lòng trắc ẩn thì không phải là con người. Không có lòng nhân ái, không giúp đỡ người khác thì thử hỏi có khác gì loài cầm thú”.
2. Lòng vị tha:
Lòng vị tha chính là đạo lý biết nhường nhịn người khác. Nếu trong xã hội ai cũng tham lam, nhỏ nhen, chỉ muốn cướp của của người khác, chỉ muốn được hơn người khác thì xã hội ấy sẽ đi đến đâu?
Trái với phẩm chất vị tha là vị kỷ, tức là ích kỷ, tham lam, ti tiện, lúc nào cũng chỉ muốn vơ vét cho riêng mình. Vị kỷ là cách sống theo bản năng, có nguồn gốc động vật tranh ăn, tranh uống theo lối mạnh được, yếu thua. Vị tha là một phẩm chất cao thượng, phải tu dưỡng, phải gian khổ rèn luyện nhiều năm, chịu thiệt thòi về mình mới có được phẩm chất này. Kết quả của lòng vị tha sẽ dẫn đến thương yêu, đùm bọc, đoàn kết, tiến bộ. Kết quả của lòng vị kỷ sẽ dẫn đến chia rẽ, hận thù và chắc chắn sẽ dẫn đến tan nát đổ vỡ. Nên thuộc lòng câu danh ngôn sau đây của triết gia Dernadin de Pierre: “Chỉ có đem lại hạnh phúc cho người khác thì trong lòng ta mới được hạnh phúc” (On ne fait son bonheur qu'en s'occupant de celui des autres).
3. Lòng tự trọng:
Người có lòng tự trọng là người có liêm sỉ, biết xấu hổ trước những việc sai trái. Lòng tự trọng luôn gắn với sự khiêm tốn, biết cách học hỏi người khác, biết cách giao tiếp lịch thiệp hợp lý, biết cách ứng xử với mọi công việc một cách phải đạo. Đó là con người luôn sống đàng hoàng, ngay thẳng, không một chút khuất tất, không một chút tỳ vết phải che dấu nên luôn tự soi xét lòng mình, luôn tự kiểm điểm để điều chỉnh bản thân, biết vui với cái vui của người khác. Một xã hội có nhiều công dân có lòng tự trọng, có liêm sỉ là một xã hội lành mạnh, là một xã hội an toàn, là một xã hội đáng sống.
Trái với lòng tự trọng là sự vô liêm sỉ. Người không có lòng tự trọng là người không biết xấu hổ, không biết nhục nhã trước những sai trái, những tham lam, những độc ác của bản thân. Những hạng người vô liêm sỉ thường tiến thân bằng mọi giá, kiếm lợi bằng mọi giá, việc gì xấu cũng có thể làm được, bất chấp mọi thủ đoạn. Hậu quả sẽ rất tệ hại cho chính con người đó và cho cả cộng đồng, cho cả xã hội. Một xã hội có nhiều người vô liêm sỉ là một xã hội không còn an toàn nữa.
4. Sự hiểu biết (hay kiến thức để học làm người, hoặc đạo làm người):
Đạo làm người hay văn hóa làm người (culture humaine) là một phẩm chất cực kỳ quan trọng, lúc đẻ ra chưa có. Phải học tập suốt đời, phải trau dồi suốt đời để tự hoàn thiện bản thân mình mới có được kiến thức, mới có được hiểu biết để làm người, mới biết được cách làm người cho đúng mực.
Nếu không được học, không được trau dồi, con người ta sẽ không phân biệt được đâu là phải – trái, đâu là tốt – xấu, đâu là đúng – sai, đâu là thiện – ác. Quán triệt tầm quan trọng của phẩm chất Học làm người này, Tổ chức Văn hóa giáo dục của Liên hiệp Quốc (UNESCO) đã có một định nghĩa quan trọng về giáo dục như sau: “Chúng ta cần học để hiểu biết, học để làm người, học để làm việc, học để chung sống với cộng đồng”.
Kết luận: Theo dòng thời gian, mọi của cải vật chất sẽ đổi chủ, nhan sắc sẽ tàn phai, quyền lực sẽ sang tay người khác, chỉ còn duy nhất Phẩm chất làm người là tồn tại mãi mãi.