Phẩm chất làm người

TRẦN HỮU THĂNG 19/05/2023 07:38

Sự khác nhau giữa con người và con vật là gì? Điều này rất khó giải thích và dẫn chứng một cách dễ hiểu. Bài viết này rút lại thật ngắn gọn các tài liệu trong hai lĩnh vực: Sinh học đặc thù của con người và tiêu chuẩn, phẩm chất làm người.

Về mặt sinh học đặc thù của con người: Có nhiều tiêu chuẩn đặc thù của con người, ở đây chỉ nêu một tiêu chuẩn đặc sắc nhất, tiêu biểu nhất là “nhóm máu”. Con người ta dù giàu, dù nghèo, dù da trắng hay da đen, dù ở Bắc cực hay Nam cực cũng chỉ có 1 trong 4 nhóm máu sau đây của hệ ABO là: nhóm máu A, nhóm máu B, nhóm máu AB và nhóm máu O.

Nhóm máu của từng người là tiêu chuẩn sinh học không bao giờ thay đổi. Một số nước đã ghi tên nhóm máu của một công dân vào luôn thẻ căn cước hay chứng minh thư của họ. Còn ở động vật không thể xác định được nhóm máu hệ ABO. Trong khoa học hình sự, khi khám nghiệm pháp y, nhờ xác định nhóm máu mà người ta phân biệt được máu người hay máu động vật ở hiện trường gây án, phân biệt được máu của thủ phạm với các nghi phạm...

Bốn phẩm chất xác định việc “làm người” đó là: Học để làm người (còn gọi là sự hiểu biết), Lòng trắc ẩn (còn gọi là lương tri, nhân tính), Lòng vị tha (còn gọi là sự nhường nhịn, biết chia sẻ cho người khác) và Lòng tự trọng (còn gọi là biết xấu hổ, có liêm sỉ).

Về mặt tiêu chuẩn hay phẩm chất làm người cần phải có: Các tác giả đề xuất những tiêu chí rất khác nhau, ở đây chúng tôi dựa chủ yếu vào 2 cuốn sách sau để làm tài liệu tham khảo chính. Đó là cuốn “Những nhu cầu của tâm hồn” của nữ triết gia nổi tiếng Simone Weil (? - 1943) do nhà xuất bản Payot và Rivages-Paris, tái bản năm 2022 và cuốn “Niềm vui suy tưởng” của nhà triết học đương đại Pháp - André Comte Sponville, do nhà xuất bản Vuibert-Paris ấn hành năm 2022.

Theo hai tác giả vừa nêu trên và một số danh ngôn sẽ trích dẫn thì có nhiều tiêu chuẩn hay phẩm chất làm người với nhiều cách giải thích và minh họa, nhưng tựu chung có bốn phẩm chất bắt buộc sau đây để xác định việc “làm người”.

Những phẩm chất này chỉ có riêng ở con người, được hình thành và phát triển do di truyền, do giáo dục ở nhà trường và xã hội, do những tác động của tự nhiên và xã hội (môi trường sống, hoàn cảnh sống nói chung và hoàn cảnh sống cụ thể của từng người trong nhiều thời đại, nhiều năm tháng khác nhau) và đặc biệt là quá trình tự tu dưỡng của mỗi con người. Bốn phẩm chất đó là: Học để làm người (còn gọi là sự hiểu biết), Lòng trắc ẩn (còn gọi là lương tri, nhân tính), Lòng vị tha (còn gọi là sự nhường nhịn, biết chia sẻ cho người khác) và Lòng tự trọng (còn gọi là biết xấu hổ, có liêm sỉ).

Học để làm người: Về sự hiểu biết để làm người thì lúc mới sinh ra con người chưa có. Nếu ai có may mắn được học hỏi và cố gắng chăm chỉ học tập, trau dồi kiến thức suốt đời để tự hoàn thiện mình, may ra mới có hiểu biết để học làm người được một phần nào. Từ cái phần nào nhỏ bé ấy, mỗi ngày một ít, tích tiểu thành đại mới có được cái tư duy của con người. Nếu không được học, con người sẽ không phân biệt được phải-trái, đúng-sai, thiện-ác, tốt- xấu.

Định nghĩa về sự học của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc) đã chỉ rõ: “Học để biết, học để làm người, học để làm việc, học để chung sống với cộng đồng”. Định nghĩa của UNESCO về sự học này dựa vào cái nền tảng tốt đẹp của giáo dục trong mọi thời đại, như lời dạy của triết gia huyền thoại Platon (năm 429 đến năm 347 trước Công nguyên) là: “Mục tiêu của giáo dục là dạy cho chúng ta biết yêu cái đẹp”. Cái đẹp mà Platon đã đề cập đến từ hàng ngàn năm về trước cho đến nay vẫn được tỏa sáng bởi hai câu nói được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhất trong một đời người là “Cảm ơn” và “Xin lỗi”.

Như thế có thể viết thành công thức ngắn gọn:

Học làm người = Biết ơn + Khiêm tốn nhận lỗi.

Biết ơn là phẩm chất cơ bản nhất của con người. Phải biết ơn các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh để đất nước được tươi đẹp giàu có như ngày hôm nay. Phải biết ơn ông bà, cha mẹ, thầy cô, đồng bào đã nuôi dạy ta nên người. Phải làm sao cho xứng đáng với sự biết ơn ấy.

Còn khi ta xin lỗi, chưa chắc ta đã có một lỗi cụ thể nào nhưng là dịp bày tỏ sự khiêm tốn bản thân và đề cao người khác là việc mà một công dân toàn cầu phải có để giao lưu, kết bạn có hiệu quả.

Cần nhớ mãi câu danh ngôn để đời về phẩm chất “Biết ơn” mà Alexandre Dumas đã dạy: “Không khi nào ta có thể trả xong nợ với những người đã giúp đỡ ta, vì ta không nợ tiền bạc mà vì ta còn mãi nợ họ về ân nghĩa”. Nợ ân nghĩa thì bao giờ biết trả cho xong. Chao ôi, thật chí tình chí lý.

Lòng trắc ẩn: Còn gọi là Lương tri, Nhân tính. Con người cao quý cần được kính trọng chính là nhờ có nhân tính (còn gọi là tính người) hay lương tri, hay lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn thể hiện ở sự biết cứu giúp đồng loại khi họ gặp tai nạn, tận tình chỉ dẫn mách bảo một cách vô tư cho người khác để tránh được nguy hiểm. Nó còn thể hiện ở sự biết chia sẻ, thông cảm, cưu mang người khác.

Thực tế đã cho thấy, có những kẻ khi tham gia giao thông thấy người gặp tai nạn vẫn nhắm mắt bỏ đi, không tham gia cứu nạn, coi như không nhìn thấy gì. Thói xấu này cần phải được trừng trị và giáo dục nghiêm khắc.

Trong đời sống xã hội hàng ngày, phẩm chất lòng trắc ẩn còn thể hiện ở sự biết lên án, có phản ứng mạnh mẽ trước những hành vi ngang trái, áp bức, coi thường phẩm giá con người. Biết bao phong trào quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em chính là bảo vệ những đối tượng, những nhóm người yếu thế trong xã hội cần được bênh vực và che chở.

Nhìn rộng ra, người có lòng trắc ẩn sẽ không nỡ giết một con vật đang trưởng thành, không nỡ tàn phá những cây non đang lớn. Triết gia Đông phương cổ đại Mạnh Tử đã viết: “Kẻ không có lòng trắc ẩn không phải là người. Không có lòng nhân ái, không biết giúp đỡ người khác thì cũng chẳng khác gì loài cầm thú”.

Lòng vị tha: Chính là đạo lý biết nhường nhịn người khác. Nếu ai cũng tham lam, nhỏ nhen thì thử hỏi xã hội sẽ đi về đâu? Trái với vị tha là vị kỷ, tức là tham lam, nhỏ nhen, ti tiện. Vị kỷ là sống theo bản năng, như đói là ăn, khát là uống bất kể lúc nào và của ai. Vị tha là một phẩm chất cao thượng phải tu dưỡng phấn đấu nhiều năm mới có được. Kết quả của lòng vị tha sẽ dẫn đến thương yêu, đùm bọc, đoàn kết, tiến bộ. Lòng vị kỷ sẽ dẫn đến chia rẽ, thù hận và chắc chắn dẫn đến đổ vỡ, tan nát.

Lòng tự trọng: Người có lòng tự trọng là người có liêm sỉ, biết xấu hổ trước những việc sai trái. Lòng tự trọng luôn gắn với sự khiêm tốn, biết cách giao tiếp, ứng xử phải đạo. Đó là những con người đàng hoàng, luôn tự soi xét bản thân mình, luôn tự kiểm điểm để điều chỉnh bản thân từng ngày, từng tháng, từng năm. Họ biết vui với cái vui của người khác. Một cộng đồng dân cư có nhiều công dân có lòng tự trọng, có liêm sỉ là một cộng đồng lành mạnh, an toàn.

Trái với lòng tự trọng là sự vô liêm sỉ, không biết xấu hổ trước những việc làm ti tiện, nhỏ nhen, tham lam, ích kỷ của bản thân mình. Những người này trong cách tiến thân luôn thèm khát thăng quan tiến chức bằng mọi giá, việc gì cũng dám làm. Hậu quả sẽ rất tệ hại cho chính bản thân kẻ vô liêm sỉ đó và cho cả cộng đồng. Một cộng đồng dân cư có nhiều người vô liêm sỉ là một cộng đồng không còn an toàn nữa.

Những giới thiệu trên đây chỉ là tóm tắt trong bốn phẩm chất cơ bản nhất mà việc học làm người phải cần đạt tới. Có tác giả lại đơn giản hơn nữa khi nêu ra: “Cứ tuân thủ và chấp hành mọi quy định của pháp luật và đạo đức cũng chính là hướng đến việc “Học làm người” suốt đời và bền vững”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phẩm chất làm người