Chính trị

Phân cấp, phân quyền khi còn 2 cấp chính quyền địa phương

H.Vũ 12/04/2025 09:02

Với việc chính quyền địa phương chỉ còn 2 cấp thì thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” đang là vấn đề được đặt ra.

anhphucvudan11-4.jpg
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để giải quyết nhanh chóng các thủ tục liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Quang Vinh

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11, Trung ương đang cho ý kiến vào nhóm vấn đề về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Sau khi Trung ương thông qua, sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo lộ trình được đặt ra, tới đây tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội cũng sẽ xem xét sửa đổi Hiến pháp và các luật có liên quan, trong đó có Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo bà Nguyễn Phương Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, dự kiến Hiến pháp sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào ngày 20-25/6. Sau đó làm cơ sở cho các luật khác thông qua như Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Dự kiến ngày 1/7/2025 Hiến pháp có hiệu lực đồng thời với các luật.

Như vậy, dự kiến từ ngày 1/7/2025, bộ máy chính quyền địa phương chuyển sang mô hình chính quyền 2 cấp, chỉ còn cấp tỉnh và cấp cơ sở. Đặc biệt, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, dự kiến chúng ta sẽ hoàn thành toàn bộ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 30/6/2025 để đến ngày 1/7/2025 các đơn vị hành chính cấp xã được vận hành theo tổ chức mới. Hoàn thiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh hoàn thành trước ngày 30/8, để có thể thực hiện được ngay việc vận hành đơn vị hành chính cấp tỉnh bắt đầu từ ngày 1/9/2025.

Khi chỉ còn chính quyền 2 cấp thì vấn đề phân cấp phân quyền đang được đặt ra là làm sao có thể giải quyết tốt nhất các thủ tục hành chính, các công việc liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp. Vừa qua, tại Nghị quyết số 74/NQ-CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Chính phủ giao trước ngày 30/6/2025, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Trả lời về việc mô hình quản lý, vận hành để tránh khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong thủ tục hành chính khi bỏ cấp huyện, bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ Nội vụ được giao tham mưu, xây dựng đề án trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời xây dựng dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi và các văn bản hướng dẫn có liên quan để thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo bà Hà, trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi đã đề xuất các quy định về tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng sau khi bỏ cấp huyện thì chính quyền địa phương cấp xã ngoài thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như hiện nay thì sẽ đảm nhận thêm nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện. “Chính quyền địa phương cấp xã sẽ được trao nhiều quyền hạn hơn, tổ chức bộ máy và chế độ công chức, công vụ cũng sẽ được đổi mới, đảm bảo có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ” – bà Hà nói.

Về thủ tục hành chính, theo bà Hà trước đây những thủ tục hành chính ở cấp huyện thì tới đây sẽ do cấp xã trực tiếp thực hiện. Cho nên, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đơn giản hoá quy trình, thủ tục, và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính phục vụ cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đề xuất các quy định chuyển tiếp để việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp xã mới sau khi bỏ cấp huyện đảm bảo hoạt động liên thông, thông suốt, không bị gián đoạn công việc, không bị chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp thì quan trọng nhất là phân định được thẩm quyền, thẩm quyền của cấp huyện sau khi bỏ đi thì cái gì lên trên tỉnh, cái gì xuống cấp xã? Do đó, cần phân cấp cụ thể những nội dung từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các bộ chuyên ngành cho cấp tỉnh. Sắp tới, khi địa phương thiết lập cấp tỉnh, cấp xã mới thì họ phải biết thẩm quyền của cấp huyện thì nay ai làm. Tỉnh làm gì, xã làm gì, và Trung ương phân cấp gì cho cấp tỉnh? Mỗi bộ cần xây dựng nghị định về phân định thẩm quyền trong lĩnh vực mình quản lý. Ví dụ như Bộ Tài chính, phân cấp quản lý ngân sách nhà nước như thế nào cho cấp tỉnh, cấp xã.

Báo cáo của Bộ Tư pháp cũng cho thấy, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát 19.224 văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, chức danh có thẩm quyền thuộc cấp huyện, cấp xã và một số vấn đề khác liên quan đến cấp huyện, cấp xã cần nghiên cứu, xác định phương án xử lý theo định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Ông Nguyễn Bá Sơn - nguyên Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội (nay là Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp) cho rằng, làm sao xoá bỏ không gian chia cắt để các hoạt động được thuận lợi hơn. Ở góc độ điều hành quản lý hành chính phải làm sao để các quyết sách, chỉ đạo, điều hành của cấp chính quyền đến nhanh nhất và có hiệu quả nhất với cấp cơ sở.

Theo ông Sơn trước kia “cấp trung gian” được giao một số quyền, khi không còn “cấp trung gian” nữa thì có lẽ quyền hạn nào của cấp tỉnh thì trả cho cấp tỉnh, cái nào thuộc về cơ sở thì giao cho cấp cơ sở.

“Chính quyền là phải phục vụ nhân dân, nếu quyền lợi của dân không được đáp ứng một cách thoả đáng và đúng pháp luật thì đó là lỗi của chính quyền chứ không phải do dân” – ông Sơn nêu rõ và đề nghị cần phân cấp, phân quyền triệt để các cấp chính quyền có thể nhanh chóng giải quyết kịp thời các công việc nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp.

100% thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh

Vừa qua tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, Bộ Nội vụ chủ trì tham mưu, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, không để gián đoạn công việc, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng chỉ đạo, từng bộ, cơ quan, địa phương có kế hoạch, giải pháp cụ thể về rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Phấn đấu năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh; 100% thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phân cấp, phân quyền khi còn 2 cấp chính quyền địa phương