TP HCM đề xuất, kiến nghị phân cấp và ủy quyền mạnh cho chính quyền thành phố thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh một số ngành - lĩnh vực cho phù hợp với đặc thù của thành phố hoặc để cụ thể hóa các quy định của Trung ương sát với thực tế của thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.
Theo ông Tất Thành Cang- Phó Chủ tịch UBND TP HCM, nhiều năm qua thành phố đón nhận một lượng lớn dân nhập cư từ các nơi đổ về, là một trong những nguyên nhân gây quá tải về cơ sở hạ tầng, điều kiện môi trường và mỹ quan thành phố.
Để giải quyết vấn đề này, TP HCM đã tập trung các nguồn lực triển khai thực hiện công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất, quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hình thành các trục xuyên tâm, trục Bắc - Nam, đường vành đai; các tuyến Metro, đường trên cao,…
Bên cạnh đó là đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật theo NQ-48 để phù hợp hơn với công tác quản lý xã hội trên thực tiễn.
Thành phố đã tiến hành rà soát, thực hiện công tác tự kiểm tra 1.499 văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện và đề xuất xử lý 71 văn bản có nội dung, hình thức không phù hợp quy định pháp luật (chiếm 4,7% số văn bản được kiểm tra).
Đáng chú ý, trong quá trình kiểm tra 11.658 văn bản do HĐND, UBND quận - huyện, phường - xã - thị trấn ban hành, thành phố đã phát hiện 1.157 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật (chiếm 9,9% văn bản đã kiểm tra).
Sau 10 năm thực hiện NQ-48, UBND TP HCM cũng nhìn nhận, thành phố mang tính đặc thù của đô thị loại đặc biệt, tuy nhiên việc phân cấp, ủy quyền quản lý trên một số lĩnh vực cho thành phố chỉ là giải pháp tình thế, chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi nhằm phù hợp với xu thế phát triển của đô thị loại đặc biệt; cũng như chưa tạo sự phối hợp đồng bộ về quyền hạn, trách nhiệm của các Bộ, ngành với thành phố trong nhiều lĩnh vực liên quan đến quản lý hành chính nhà nước.
Hiện nay theo phân cấp của Chính phủ thì mới phân cấp cho thành phố quản lý một số lĩnh vực, trong khi nhiều lĩnh vực khác có liên quan trực tiếp đến quản lý đô thị chưa được phân cấp, như: vấn đề quy định về xử lý vi phạm hành chính, quản lý trật tự an toàn giao thông, trật tự xây dựng, quản lý các hoạt động dịch vụ văn hóa phù hợp với điều kiện đặc thù của thành phố để tăng cường giáo dục, răn đe, bảo đảm trật tự an toàn đô thị.
Cùng đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên thay đổi ngoài dự báo của địa phương, hoặc tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành là một trong những nguyên nhân làm cho thành phố rơi vào bị động, khó khăn trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước.
Từ những bất cập nêu trên, UBND TP HCM đã kiến nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành theo hướng đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất, trình độ kỹ thuật lập pháp tiến bộ, đảm bảo hệ thống pháp luật ổn định, bền vững, có hiệu lực thi hành cao.
Đối với Chính phủ, TP HCM đề xuất, kiến nghị phân cấp và ủy quyền mạnh cho chính quyền thành phố thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh một số ngành - lĩnh vực cho phù hợp với đặc thù của thành phố hoặc để cụ thể hóa các quy định của Trung ương sát với thực tế của thành phố.