Phát biểu tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu mong mỗi đại biểu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và mỗi công dân Trà Vinh, nhất là cán bộ làm công tác Mặt trận cùng suy ngẫm, trăn trở và cố gắng để mục tiêu “Phấn đấu Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025, là tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030” sẽ trở thành hiện thực.
Nhân dân hiến hơn 1 triệu m2 đất để xây dựng giao thông nông thôn
Nhiệm kỳ qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19 nhưng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh đã tổ chức thực hiện các Chương trình hành động có trọng tâm, trong điểm và đạt được nhiều kết quả thiết thực.
Các cuộc vận động, phong trào thi đua được triển khai đồng bộ, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua, sáng tạo của nhân dân và sự chung sức của cả cộng đồng, góp phần thiết thực vào kết quả của công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội, nhất là hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do xâm nhập mặn năm 2019 - 2020, phòng, chống dịch Covid-19, chi trợ cấp hàng tháng cho hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội từ đủ 60 tuổi trở lên là người neo đơn; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo còn gặp khó khăn về nhà ở...
Nổi bật, tỉnh Trà Vinh đã vận động nhân dân tham gia hiến hơn 1 triệu m2 đất và đóng góp hơn 130 ngàn ngày công lao động để xây dựng giao thông nông thôn và các công trình dân sinh. Xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo... qua thực tiễn xây dựng NTM như: Mô hình cải tạo cảnh quan môi trường gắn với phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn huyện Cầu Kè; mô hình ấp NTM thông minh; mô hình du lịch tâm linh gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa đồng bào Khmer tại quần thể di tích Ao Bà Om; mô hình chuyển đổi số trong xây dựng NTM.
Đến nay, toàn tỉnh có 85/85 xã đạt chuẩn NTM, 51/85 xã NTM nâng cao, 9 xã NTM kiểu mẫu; 9/9 huyện, thị xã, thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; hai huyện đạt huyện NTM nâng cao; tỉnh đã cơ bản đạt 8/8 tiêu chí xây dựng tỉnh NTM.
Hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” và Tháng cao điểm “Vì người nghèo” hàng năm, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Vận động Quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” được 338,4 tỷ đồng (gồm cả tiền mặt và hiện vật). Từ nguồn Quỹ, đã chi 267,6 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 2.380 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 230 người; tặng 374 ngàn phần quà cho hộ nghèo, những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, học sinh hiếu học.
Địa phương còn phối hợp triển khai Dự án hỗ trợ sinh kế (chăn nuôi bò sinh sản) cho 26 hộ nghèo và cận nghèo thuộc huyện Trà Cú, với tổng kinh phí 369 triệu đồng, do Mặt trận Trung ương hỗ trợ.
Quỹ “An sinh xã hội” tỉnh và cấp huyện vận động được 427,3 tỷ đồng. Qua đó, đã chi xây dựng 2.420 căn nhà Đại đoàn kết, xây dựng 320 công trình dân sinh, hỗ trợ hàng tháng cho 2.073 lượt hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội là người cao tuổi neo đơn, tặng 243 ngàn phần quà cho hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách và nhiều hoạt động hỗ trợ khác với tổng trị giá hơn 300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, MTTQ còn phối hợp Công an tỉnh Trà Vinh triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng 1.300 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở, mỗi căn trị giá 65 triệu đồng.
Công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng nâng chất. Vai trò của Mặt trận trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được tăng cường và phát huy. Qua đó góp phần xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, phát huy tốt dân chủ ở cơ sở.
Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận được đổi mới theo hướng mở rộng các hình thức vận động, tập hợp; phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, các vị ủy viên, nhân sĩ, trí thức, chức sắc, chức việc các tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc; tập trung hướng mạnh về cơ sở, khu dân cư, nâng cao vai trò của Ban Công tác mặt trận trong việc kết nối giữa Mặt trận với người dân trong cộng đồng.
Phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu chúc mừng và biểu dương những kết quả xuất sắc, đáng trân trọng của MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Trà Vinh đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu cũng đánh giá cao Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác Mặt trận. Những tồn tại đó cần tiếp tục được làm rõ nguyên nhân, xây dựng kế hoạch và lựa chọn giải pháp cần thiết để khắc phục triệt để trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu đề nghị Đại hội tiếp tục dành thêm thời gian, trí tuệ để trao đổi thảo luận một số vấn đề. Trong đó, Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu đề nghị MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về “tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”; quá trình triển khai cần đảm bảo tính phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, địa phương cấp huyện, cấp xã, đến tận các tổ dân phố, khu dân cư, ấp, bản; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tin, khát vọng xây dựng tỉnh Trà Vinh phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Thứ hai, MTTQ Việt Nam tỉnh cần nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương, địa phương phát động. Thứ ba, MTTQ Việt Nam tỉnh cần tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện ngày càng chặt chẽ, thực chất hơn, đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm công tác giám sát, phản biện xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Thứ tư, tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đổi mới cách nghĩ, cách làm. Chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, nâng cao vai trò chủ trì và hiệp thương thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên.
Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu tin tưởng rằng, với truyền thống văn hóa tốt đẹp, sức sáng tạo, cùng các tiềm năng, lợi thế của địa phương dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh, các tổ chức thành viên sẽ kế thừa truyền thống quý báu, phát huy những kết quả tích cực, kinh nghiệm đã đạt được, khai thác các giá trị mới của thời đại để thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa hoạt động Mặt trận ngày càng đa dạng về nội dung, sâu sắc về giá trị nhân văn và thấm đượm màu sắc của MTTQ Việt Nam.
"Tôi mong muốn mỗi đại biểu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và mỗi công dân Trà Vinh, nhất là cán bộ làm công tác Mặt trận cùng suy ngẫm, trăn trở và cố gắng để mục tiêu được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh nhiệm kỳ 2020 - 2025: “Phấn đấu Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025, là tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030” sẽ trở thành hiện thực. Đồng thời hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ được xác định tại Quyết định số 1142/QĐ-TTg ngày 02/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.
Nhân dịp này, thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tô Thị Bích Châu trao tặng Đại hội bức ảnh Bác Hồ - Bác Tôn, biểu tượng của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chiều cùng ngày, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 sẽ tiến hành phiên làm việc thứ 3.
Báo Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục thông tin.