Dư luận đang đặc biệt quan tâm tới việc phân định bộ ngành nào sẽ quản lý việc sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX), nhất là khi Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa gửi văn bản tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị, không nên chuyển nhiệm vụ đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.
Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA) cho rằng quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX thuộc lĩnh vực dân sự, chuyển sang Bộ Công an quản lý không phù hợp.
Theo VATA, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 phân định rõ trách nhiệm quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe dân sự do Bộ GTVT quản lý. Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho lực lượng mình quản lý.
Tuy nhiên, tại Dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (luật mới được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ) lại chuyển hoạt động quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ lĩnh vực dân sự sang Bộ Công an quản lý.
Quy định này không phù hợp Nghị quyết số 17/2007, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Vận tải ô tô khẳng định nguyên tắc chế định trong pháp luật nước ta là cơ quan tổ chức thực thi và cơ quan kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm phải độc lập với nhau. Với mô hình hiện nay, ngành giao thông vận tải quản lý đào tạo lái xe, ngành công an kiểm tra, giám sát.
Nếu có trường hợp sai phạm, tiêu cực thì Công an xử lý. Như vậy đảm bảo nguyên tắc việc giám sát giữa các ngành, tránh hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” dễ phát sinh tiêu cực. “Trong trường hợp ngành công an quản lý công tác này thì cơ quan nào có chức năng kiểm tra, giám sát việc đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe?”, văn bản nêu...
Mặt khác, đối với việc tách Luật Giao thông đường bộ ra làm hai dự luật (thêm Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ), Hiệp hội cho rằng sẽ thiếu sự đồng bộ, nhất quán, hài hòa khi xây dựng và ban hành các văn bản dưới luật.
Bởi theo Hiệp hội, trong quản lý hoạt động GTVT nói chung và giao thông đường bộ nói riêng, hai mục tiêu đảm bảo hiệu quả và an toàn luôn luôn được đặt ra có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. “Đặc biệt, khi tách Luật Giao thông đường bộ thì có cần tách các luật khác như Luật Đường thủy nội địa, Luật Đường sắt... thành hai luật không?”, VATA đặt vấn đề. Do đó, VATA cho rằng không cần thiết và không thể tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành hai luật.
Đến nay vẫn chưa ngã ngũ Bộ Công an hay Bộ GTVT sẽ trở thành bộ chủ quản việc sát hạch và cấp GPLX.
Về phía người tham gia giao thông, tài xế Nguyễn Văn Thông, Hà Nội cho hay: Với đề xuất Bộ Công an thay Bộ GTVT quản lý sát hạch và cấp bằng lái xe, theo tôi các ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ, trong trường hợp nhận thấy Bộ GTVT tồn tại sự bất cập, chưa chuẩn về việc sát hạch cấp bằng lái xe thì Bộ Công an có thể góp ý, xây dựng.
Chứ chúng ta chưa thể chắc chắn cứ chuyển sang Bộ Công an thì sẽ làm tốt hơn. Bởi chỉ việc thay đổi đầu tiên là bộ chủ quản thôi cũng sẽ khiến người dân gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục.
Trả lời cho câu hỏi vậy Bộ nào quản lý sẽ hiệu quả hơn? Theo luật sư Ngọc Anh – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Mấu chốt vấn đề là sao vừa giữ nguyên quy định như hiện hành mà vẫn có các giải pháp để ngăn ngừa tiêu cực. Với công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, hệ thống dữ liệu liên thông từ cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm, xử phạt… các cơ quan chỉ cần phối hợp tốt sẽ mang lại hiệu quả cao.
“Điều mà dư luận quan tâm nhất là dự thảo sau khi đi vào thực tế sẽ góp phần cải cách hành chính cũng như nâng cao được chất lượng sát hạch giấy phép lái xe để tạo được sự bình an hơn cho người tham gia giao thông”, LS Ngọc Anh nhấn mạnh.
Với góc nhìn chuyên môn, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất: Nên chăng giao Bộ LĐTBXH quản lý đào tạo lái xe. Bộ GTVT quản lý việc sát hạch và cấp GPLX. Công an chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. “Để tạo sự đồng thuận lớn, tôi mong muốn Chính phủ, Quốc hội nên giao một tổ chức độc lập tổ chức thăm dò dư luận xã hội về hai dự luật trên”, theo ông Thanh.
Trước đó, tại phiên thảo luận tổ ngày 11/11, về Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (do Bộ GTVT soạn) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ (Bộ Công an soạn), nhiều đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến khác nhau về việc chuyển công tác đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe cho Bộ Công an. Bên cạnh đó là việc tách luật Giao thông đường bộ ra thành hai luật. Theo đó, các đại biểu kiến nghị cần lấy phiếu xin ý kiến đại biểu về những vấn đề trên trước khi bàn luận sâu đến nội dung dự luật.