Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 30/8 đã bác bỏ các đề nghị mà phía Mỹ đưa ra trong đó cho phép các quan sát viên của LHQ tới kiểm tra các khu vực quân sự của nước này, tuyên bố trong một buổi phỏng vấn trên truyền hình rằng "chúng tôi sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì bằng vũ lực".
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Nguồn: Sputnik).
Bình luận mà Tổng thống Iran đưa ra là một lời đáp trả lại các đề nghị mà Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley, đưa ra đối với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để kiểm tra các khu vực quân sự và phi quân sự ở Iran, để xem liệu quốc gia này có tuân thủ thỏa thuận ngừng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân đổi lấy việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt hay không.
"Chính các điều luật quy định mối quan hệ của chúng tôi với IAEA, chứ không phải sức ép của Mỹ. Tôi không nghĩ rằng IAEA nên làm điều gì dưới sức ép của Mỹ, nhưng nếu điều đó xảy ra, chúng tôi cũng sẽ không chấp nhận" - Tổng thống Rouhani nói.
"Chúng tôi không phải bên đầu tiên vi phạm thỏa thuận này, nhưng cùng lúc, chúng tôi cũng sẽ không chịu ngồi yên nếu như bên còn lại làm vậy" - ông Rouhani khẳng định.
Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), là một thỏa thuận quốc tế thành quả sau hơn 20 tháng liên tục đàm phán. Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Anh, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Iran đã đạt được thỏa thuận này vào tháng 7/2015 và được thực thi bắt đầu từ tháng 1/2016.
IAEA thường xuyên được chính phủ Iran cho phép tới kiểm tra các khu vực có cơ sở hạt nhân của nước này và xác nhận rằng họ đang tuân thủ thỏa thuận này. Đổi lại, Mỹ, LHQ và EU phải gỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà họ từng áp đặt với nước này do chương trình hạt nhân.
Cứ sau mỗi 90 ngày, Tổng thống Mỹ cần phải xác nhận lại rằng Iran đang tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Hiện nay, Iran vẫn còn đang hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt vì các hoạt động liên quan tới chủ nghĩa khủng bố.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến dịch tranh cử trước đây từng công khai chống lại thỏa thuận hạt nhân mà ông gọi là "thỏa thuận tồi tệ nhất" và đến nay vẫn tiếp tục chỉ trích nó. Nhưng do Iran tuân thủ theo thỏa thuận nên ông Trump đã 2 lần xác nhận điều này. Và thời hạn cuối tiếp theo để xác nhận thỏa thuận này là vào tháng 10 tới.
Đề nghị mà bà Haley đưa ra nhằm tăng cường quyền tiếp cận cơ sở hạt nhân Iran của các thanh tra IAEA xuất hiện sau khi bà có cuộc gặp với các chuyên gia của cơ quan này hồi tuần trước tại Vienna, Áo.
"IAEA hiện đang làm việc tốt, nhưng nó sẽ chỉ tốt nếu như họ được quyền tới quan sát" - bà Haley nói - "Iran đã công khai tuyên bố rằng họ sẽ không cho phép tiếp cận các khu vực quân sự của họ. Nhưng JCPOA không hề phân biệt giữa các khu vực quân sự và phi quân sự. Ngoài ra còn có vô số khu vực chưa được nêu tên và cũng chưa được kiểm tra".
"Tôi tin vào khả năng của IAEA nhưng họ đang phải đối phó với một quốc gia có lịch sử nói dối và theo đuổi các chương trình hạt nhân bí mật, vậy nên chúng tôi khuyến khích IAEA sử dụng mọi quyền hạn và mọi góc độ có thể với JCPOA. Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ IAEA trong tiến trình này" - bà Haley nói thêm.
Bà Haley trước đây từng nói rằng Iran đã không làm đúng "tinh thần" của thỏa thuận hạt nhân, chỉ ra các hoạt động của Tehran trong khu vực, trong đó gồm ủng hộ phiến quân Houthi ở Yemen và ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Được biết, chương trình tên lửa đạt đạo Iran và sự bảo trợ của nước này đối với chủ nghĩa khủng bố là 2 vấn đề không có trong thỏa thuận hạt nhân.
Hồi đầu tháng này, Thứ trưởng Iran cũng từng cảnh báo rằng Mỹ đang làm hỏng thỏa thuận hạt nhân Iran bằng cách áp đặt các lệnh trừng phát mới nhằm vào họ.
Ngày 18/7, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Iran liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của nước này. Lệnh trừng phạt nhắm vào 18 cá nhân và thực thể Iran bị coi là ủng hộ chương trình tên lửa đạn đạo và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Tất cả những cá nhân và thực thể này sẽ bị phong tỏa mọi tài sản và các giao dịch ở Mỹ.
Trong động thái đáp trả, Quốc hội Iran đã bỏ phiếu cho phép tăng ngân sách cho chương trình tên lửa cũng như Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran mà Washington cáo buộc là gây bất ổn tại khu vực.