Giáo dục

Phân luồng sau trung học cơ sở: Linh hoạt mô hình cao đẳng 9+

Thu Hương 12/04/2024 07:01

Chỉ còn 2 tháng nữa kỳ thi vào lớp 10 THPT ở Hà Nội sẽ diễn ra. Bên cạnh việc ôn tập kiến thức, chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho học sinh, nhiều trường học cũng tổ chức các chương trình tư vấn, hướng nghiệp nhằm giúp các em có được sự lựa chọn phù hợp.

anhbaitren.png
Phụ huynh, học sinh trường THCS Nguyễn Công Trứ (quận Ba Đình, Hà Nội) tìm hiểu về các trường THPT, cao đẳng trên địa bàn. Ảnh: NTCC.

Chú trọng hướng nghiệp

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội, ở năm học 2022 - 2023, trên 129.000 HS tốt nghiệp THCS chỉ có gần 80.000 HS trúng tuyển vào lớp 10 công lập (chiếm hơn 60%). Dự báo áp lực thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024 - 2025 sẽ lớn hơn.

Thời điểm này, HS đang đứng trước các lựa chọn khác nhau về con đường sau khi tốt nghiệp THCS. Mong muốn thì có nhiều nhưng năng lực, điều kiện để phù hợp với từng hướng đi lại là điều các gia đình và HS cần phải thận trọng cân nhắc. Nhằm giúp HS hiểu mình, hiểu nghề, nhiều trường đã phối hợp tổ chức các chương trình hướng nghiệp dành cho HS, đặc biệt là các em khối 9.

Tại Trường THCS Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội, chương trình hướng nghiệp thường niên dành cho HS khối 9 với chủ đề: Hiểu mình - Hiểu nghề - Vươn tới ước mơ đã được tổ chức từ cuối tháng 3 vừa qua thu hút đông đảo sự quan tâm của phụ huynh, HS. Cô giáo Trần Thị Quỳnh Hương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thành Công, bằng kinh nghiệm của một nhà giáo nhiều năm gắn bó với nghề đã có những chia sẻ giúp các em hiểu về mục tiêu phía trước của bản thân. Trong đó, hiểu mình để biết rõ năng lực của bản thân, từ đó đưa ra những nguyện vọng, mục tiêu phấn đấu phù hợp. Hiểu nghề để biết thêm về định hướng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp cấp THCS. Những thông tin về các ngành nghề xã hội đang cần, nghề nào phù hợp với khả năng của mình….

Theo đó, mỗi HS nên đặt ra những mục tiêu phù hợp với khả năng để phấn đấu. Chẳng hạn, những HS đang học tập tốt, kết quả cao, mục tiêu các trường chuyên, trường tốp đầu thành phố là sự lựa chọn hợp lý. Trong khi những HS học khá có thể chọn các trường vừa sức hơn để đăng ký. Đặc biệt, với một số HS đang phân vân, chưa biết sau khi tốt nghiệp THCS thì chọn con đường nào: học dân lập, học tại trung tâm giáo dục thường xuyên hay đi học nghề…, cô Hương đã đưa ra các ví dụ rất cụ thể, gần gũi về định hướng nghề nghiệp của một số HS từng được cô dìu dắt. Những dẫn chứng đó khiến các con cảm thấy tự tin hơn và nhận ra không phải chỉ có duy nhất cánh cửa công lập dành cho những năm cấp 3.

Tương tự, Ngày hội hướng nghiệp do Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, quận Ba Đình, Hà Nội tổ chức là dịp để các bậc phụ huynh cùng các em HS khối lớp 9 được lắng nghe những chia sẻ và tư vấn từ các trường THPT, các trường trung cấp, cao đẳng, giáo dục thường xuyên trên địa bàn quận Ba Đình và thành phố Hà Nội về “Cơ hội học THPT và học nghề dành cho HS sau khi tốt nghiệp THCS”. HS đã được cung cấp các thông tin về nghề nghiệp, các ngành nghề mới của xã hội và giải đáp những thắc mắc chưa nắm rõ. Từ đó HS có cái nhìn tổng thể về định hướng ngành nghề sau tốt nghiệp THCS.

Rộng cửa học “song bằng”

Sau nhiều trông đợi, Hà Nội cũng đã chốt số môn thi vào lớp 10 THPT công lập năm 2024 là 3 môn thay vì 4 môn như lo lắng trước đó của nhiều phụ huynh và HS. Dẫu vậy, mức độ cạnh tranh của kỳ thi này vẫn không giảm so với những năm trước do chỉ khoảng 60% HS đỗ vào các trường THPT công lập. Nhiều gia đình sau khi tìm hiểu và được tư vấn đã chủ động đăng ký học tập cho con em mình tại các trường nghề, trong đó mô hình cao đẳng 9+ đang là một trong những lựa chọn được nhiều phụ huynh quan tâm do chi phí cơ bản thấp và HS được học “song bằng”.

Cụ thể, theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, HS tốt nghiệp THCS được phép vào học trình độ trung cấp. Trong quá trình học trình độ trung cấp, HS sẽ được học song song khối lượng kiến thức văn hóa THPT gồm 4 môn văn hóa cơ bản hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT do nhà trường phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tổ chức. Nếu HS lựa chọn học 8 môn văn hóa theo quy định sẽ đủ điều kiện tham gia dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia do Bộ GDĐT tổ chức. Như vậy, các em khi tốt nghiệp sẽ vừa có bằng nghề vừa có bằng THPT.

Chia sẻ về mô hình 9+, TS Lê Danh Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, trong 5 năm triển khai mô hình đào tạo này đã ghi nhận không ít HS cao đẳng 9+ tại nhà trường có kết quả học nghề và học văn hóa nổi trội. Ngoài ra, nhiều HS đạt giải cao tại kỳ thi HS giỏi cấp TP Hà Nội, giành Huy chương Vàng tại Kỳ thi Kỹ năng nghề các cấp. Đáng chú ý, có sinh viên khi đi thực tập đã được doanh nghiệp trả lương tới gần 19 triệu đồng/tháng. Từ những câu chuyện người thật, việc thật này cho thấy việc lựa chọn, phân luồng sau THCS cần được mỗi gia đình và HS cân nhắc thận trọng với mục tiêu phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện gia đình để phát triển đúng hướng trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phân luồng sau trung học cơ sở: Linh hoạt mô hình cao đẳng 9+