Mới đây, trình bày báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá, những vụ việc như Tân Hoàng Minh, Công ty An Đông của Vạn Thịnh Phát đã và đang gây nhiều hệ lụy đối với việc phát triển bền vững thị trường vốn, gây mất niềm tin của người dân và nhà đầu tư. Vậy, lời khuyên nào dành cho các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới?
Ông Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ngày càng được mở rộng nhưng có giai đoạn tăng nóng; cơ cấu thị trường còn thiếu cân đối; chất lượng phát hành TPDN riêng lẻ chưa cao; sử dụng vốn huy động qua phát hành TPDN riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch.
“Tình hình tài chính kém lành mạnh có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản tín dụng hoặc nợ trái phiếu đến hạn” - ông Thanh nói và dẫn báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, khối lượng trái phiếu đáo hạn của DN bất động sản, xây dựng trong giai đoạn 2022-2025 vào khoảng 374.700 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 42% tổng khối lượng đáo hạn.
“Cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và đánh giá thận trọng, chính xác về mức độ ảnh hưởng để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, thị trường vốn” - ông Thanh nói.
TPDN là một trong những kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, thu hút nhà đầu tư bởi lãi suất cao. Tuy nhiên, gần đây, cũng chính kênh huy động vốn này lại đang chững lại, gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính được cho là do một số DN đã lợi dụng việc thực thi pháp luật chưa nghiêm để phát hành TPDN với lãi suất cao trong bối cảnh tình hình tài chính yếu. Điều này đã dẫn đến một số vụ việc vi phạm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của thị trường và đã bị các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.
Nói như TS Võ Trí Thành (Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh) tại Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường TPDN - Niềm tin và trách nhiệm” hồi giữa tháng 9/2022 thì thời gian qua có nhiều điều chưa được “hài lòng” về thị trường trái phiếu. Còn theo TS Lê Xuân Nghĩa (thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia), giám sát không chặt chẽ đã khiến thị trường “lên bờ xuống ruộng”.
Trong khi đó, báo cáo mới đây của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy thị trường TPDN vẫn nối dài thêm thời gian trầm lắng ở hoạt động phát hành mới. Cụ thể, trong tháng 8/2022, có 26 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng. Trong đó, các ngân hàng thương mại phát hành là chủ yếu và chỉ có 2 đợt phát hành từ Công ty cổ phần Fuji Nutri Food và Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền với tổng 1.800 tỷ đồng.
Như vậy, trong 4 tháng gần đây, hoạt động phát hành TPDN rơi vào “khoảng trống” đột ngột kể từ khi bùng nổ và liên tục gia tăng trong các năm 2020 và 2021.
Nói như PGS.TS Phạm Thế Anh (Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) thì trước những bất ổn thị trường TPDN do sự vi phạm pháp luật của một số DN, thời gian gần đây nhà đầu tư nghi ngờ về chất lượng trái phiếu, bất kể là trái phiếu tốt hay xấu. “Không nguyên nhân nào khác ngoài khủng hoảng niềm tin khiến họ “gần như quay lưng” với thị trường này”.
Còn ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần FiinGroup thì cho rằng chưa kể với làn sóng lo ngại sẽ vướng vào các vấn đề pháp lý, DN trong cơn “bĩ cực” về thanh khoản sẽ rất chật vật xoay dòng tiền để mua lại trái phiếu trước hạn. “Thế là từ một kênh dẫn vốn trung và dài hạn được đánh giá là tiềm năng, trái phiếu lại có nguy cơ trở thành “cơn ác mộng” với cả nhà đầu tư lẫn DN”- ông Thuân nêu ý kiến.
Đáng chú ý, khi thị trường TPDN suy giảm, lại xuất hiện không ít thông tin thất thiệt về lãnh đạo các tập đoàn lớn, DN có đơn cầu cứu Chính phủ; kể cả việc xe cảnh sát tình cờ đỗ trước DN thì mạng xã hội lập tức “chia sẻ” như thể lãnh đạo DN sắp bị bắt đến nơi. Chính những tin đồn vô căn cứ ấy khiến thị trường chứng khoán, trong đó có TPDN tụt dốc.
Theo giới chuyên gia kinh tế, trong thị trường vốn, yếu tố vô cùng quan trọng là lòng tin của nhà đầu tư. TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đã đến lúc cần cải tổ và chấn chỉnh tận gốc để lấy lại niềm tin nhà đầu tư, trong đó có kênh huy động vốn là TPDN. Ông Hiếu cho biết, 4 năm qua TPDN có giá trị phát hành đạt hơn 700.000 tỷ đồng, tương đương 16,7% GDP, chiếm gần 12% dư nợ tín dụng cả nước. Tuy nhiên, trước sự “tụt dốc” của TPDN, vị chuyên gia này cho rằng lấy lại niềm tin thị trường, niềm tin của nhà đầu tư là vô cùng cần thiết. Mà muốn thế DN phát hành, tổ chức phân phối như ngân hàng, công ty chứng khoán cần cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của DN phát hành, mục đích phát hành trái phiếu, tài sản đảm bảo của trái phiếu, quyền lợi của nhà đầu tư và nhất là các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của DN phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu.
Cũng theo ông Hiếu, để lành mạnh hóa thị trường huy động vốn, các công ty kiểm toán độc lập khi thực hiện kiểm tra, xác minh báo cáo tài chính của DN phải cung cấp những thông tin chính xác về tình hình tài chính của DN đó. Vì nếu các công ty kiểm toán không làm đúng, con số không chính xác sẽ dẫn tới sự thẩm định sai từ phía nhà đầu tư, dẫn đến rủi ro.
Vậy, lời khuyên nào dành cho các nhà đầu tư TPDN? Theo ông Hiếu, lời khuyên đặc biệt chính là: Đừng ham lãi suất cao mà sa bẫy. Hãy tìm tới những nhà phát hành trái phiếu (ngân hàng, công ty chứng khoán) có xếp hạng tín nhiệm cao và phải có được những thông tin cơ bản về DN phát hành trái phiếu.
Tương tự, TS Lê Đạt Chí (Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) cũng cảnh báo về TPDN “3 không”: Không tài sản đảm bảo; Không định mức tín nhiệm; Không có đơn vị bảo lãnh phát hành. Tuy nhiên, ông Chí cũng cho rằng không nên quá hoang mang vì nếu TPDN được quản lý tốt, minh bạch thì vẫn sẽ là kênh đầu tư được ưu tiên lựa chọn do lãi suất cao.
Vậy, bao giờ sóng gió sẽ qua với thị trường, trong đó có TPDN? Đó là câu hỏi không dễ trả lời. Tuy nhiên, giới chuyên gia tài chính cho rằng với việc kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP cao, lạm phát được kiềm chế thì “sóng gió cũng không nổi quá lâu”. Đặc biệt, khi việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý sai phạm được siết chặt hơn thì “tính minh bạch sẽ mang nhà đầu tư trở lại”.