Phát huy giá trị Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Phạm Sỹ 23/08/2022 07:11

Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiện đang lưu giữ và bảo quản hơn 35.000 tài liệu, hiện vật. Đó là thành quả sau 15 cuộc vận động hiến tặng, những chuyến đi sưu tầm trải dài khắp các tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên việc khai thác, phát huy giá trị của các di sản này đang rất khiêm tốn. Nhiều ý kiến cho rằng cần thay đổi mạnh mẽ, thực hiện chuyển đổi số để thích ứng với xu thế phát triển.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày chuyên đề và tọa đàm khoa học về báo chí.

Nơi ghi dấu ký ức về lịch sử

Ngày 28/7/2017, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã chính thức ra đời theo Quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ và được quy hoạch trong hệ thống bảo tàng quốc gia. Trải qua 5 năm thành lập và đưa vào hoạt động, từ con số 636 tài liệu, hiện vật khi bắt đầu Đề án xây dựng Bảo tàng, đến nay Bảo tàng đã sưu tầm, bảo quản được hơn 35.000 tài liệu, hiện vật.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã đóng vai trò nòng cốt và tiên phong trong việc khảo sát, định vị, lập hồ sơ công nhận Di tích lịch sử quốc gia cho Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại Đại Từ, Thái Nguyên.

Cho đến nay, bảo tàng đã sản xuất 250 phim tư liệu và clip về chân dung các nhà báo, các giai đoạn lịch sử báo chí, trong đó có chùm phim đoạt Giải B, Giải Búa liềm vàng năm 2021 và 1 phim được nhận giải Khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI năm 2021.

Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa cho biết: “Bảo tàng đã đóng vai trò nòng cốt và tiên phong trong việc khảo sát, định vị, lập hồ sơ công nhận Di tích lịch sử quốc gia cho Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại Đại Từ, Thái Nguyên. 5 năm là một chặng đường chưa dài nhưng với những người làm công tác bảo tàng thì đây là một chặng đường đặt nền móng đầy ý nghĩa. Kết quả đạt được trong 5 năm qua là tâm huyết và công sức của nhiều thế hệ lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí, các nhà báo lão thành và công chúng báo chí”.

Số hóa phát huy giá trị

Trong thời gian tới, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ còn nhiều việc cần phải làm. Hiện nay, kho cơ sở Bảo tàng đang lưu giữ một khối lượng tài sản báo chí quý, hiếm nhưng việc khai thác, phát huy giá trị của các di sản này để phục vụ cho công tác trưng bày, nghiên cứu khoa học phục vụ công chúng đang rất khiêm tốn; nhất là trong giai đoạn công nghệ số đang ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Công tác sưu tầm vẫn rất nặng nề; các không gian trưng bày cố định cần tiếp tục bổ sung, chỉnh lý để bắt kịp sự chuyển đổi công nghệ trưng bày, đặc biệt là không gian trải nghiệm các loại hình báo chí.

Ông Nguyễn Hải Ninh - Trưởng phòng Quản lý bảo tàng và Thông tin tư liệu (Cục Di sản văn hóa) nhận định, số hóa đang là một yêu cầu cần và đủ cho sự phát triển của ngành bảo tàng. Trong đó Bảo tàng Báo chí Việt Nam rất cần những định hướng có tính khoa học và thực tiễn, rất cần được bổ sung thêm các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực có chất lượng cao. Trong đó, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động bảo tàng.

Một thực tế chỉ rõ, bảo tàng chưa thu hút được khách tham quan ngoài ngành, sự tiếp cận của người dân, độc giả chưa phổ biến, vì thế cần tiếp tục bổ sung, chỉnh lý để bắt kịp sự chuyển đổi công nghệ trưng bày, đặc biệt là không gian trải nghiệm các loại hình báo chí để nhiều người biết đến, tiếp cận nhanh hơn và để lại dấu ấn đẹp cho người tham quan.

Còn theo nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, với định hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bảo tàng Báo chí Việt Nam cần tiếp tục làm phong phú kho tư liệu, cần có sự vào cuộc của tất cả các bên để đưa ra phương pháp sưu tầm và lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng.

“Bảo tàng cần phối hợp, khai thác tốt hơn các di sản của báo chí Việt Nam. Làm phong phú các hoạt động tại địa điểm bằng việc tổ chức các cuộc tham quan, trải nghiệm và học tập. Cần tổ chức trưng bày theo hướng sáng tạo, đổi mới. Đặc biệt, sử dụng công nghệ truyền thông mới, chuyển đổi số mạnh mẽ, tăng cường sự hợp tác với các bảo tàng trong nước và quốc tế…” - ông Lợi chia sẻ.

Cũng theo nhiều chuyên gia, công tác sưu tầm vẫn tiếp tục thực hiện. Các không gian trưng bày cố định cần tiếp tục bổ sung, chỉnh lý để bắt kịp sự chuyển đổi công nghệ trưng bày, đặc biệt là không gian trải nghiệm các loại hình báo chí… Để tiến được xa hơn, Bảo tàng Báo chí Việt Nam rất cần những định hướng có tính khoa học và thực tiễn, rất cần được bổ sung thêm các nguồn lực, đặc biệt là là nguồn lực có chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy giá trị Bảo tàng Báo chí Việt Nam