Mới đây, tại tọa đàm với chủ đề “Phát huy giá trị không gian khu khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long”, các chuyên gia đã khẳng định khu di sản Hoàng thành Thăng Long đóng vai trò trung tâm quyền lực quốc gia, nơi hiện hữu các giá trị lịch sử - văn hóa lớn. Tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, cùng tầng lớp di tích, di vật đa dạng, phong phú, sinh động, trong đó có di sản khảo cổ học đã trở thành niềm tự hào của nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung, đồng thời mở ra những cơ hội mới trong hợp tác quốc tế về nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị cho di sản.
Sau hơn 10 năm được UNESCO ghi danh (2010-2023), Di sản văn hóa thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã triển khai cơ bản các công tác về di sản thế giới đạt hiệu quả. Công tác khai quật đã làm phát lộ hệ thống các di tích kiến trúc từ thời Lý đến thời Nguyễn, đặc biệt đã xác định được không gian trục trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ và Lê Trung hưng. Bên cạnh đó là hàng nghìn di vật gạch, ngói, gốm, sứ, kim loại..., góp phần củng cố hơn nữa giá trị to lớn của di sản cũng như góp thêm tư liệu cho quá trình thực hiện đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cũng giống với nhiều quốc gia trên thế giới, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản khảo cổ học là thách thức không nhỏ ở nước ta, trong đó có Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, Vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ học trong sự phát triển không ngừng của đô thị, trước sự tàn phá của thời gian, môi trường và khí hậu vẫn luôn là được đặt ra cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và công chúng. Câu hỏi về sự tồn tại của các di tích khảo cổ học cùng với hàng triệu “hiện vật vô giá” tồn tại hàng thế kỷ trong lòng đất sẽ như thế nào trong bối cảnh hôm nay luôn nóng hổi, mang tính thời sự và gây nhiều tranh luận.
Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia là cơ sở khoa học để Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đưa ra các phương án bảo tồn, phát huy giá trị di sản khảo cổ học phục vụ khôi phục và tái hiện các di sản kiến trúc; đặc biệt bổ sung tư liệu và tham vấn các giải pháp khoa học, ứng dụng công nghệ trong quá trình phát huy giá trị di sản khảo cổ học.