Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có tầm quan trọng đặc biệt về lý luận và thực tiễn.
Bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho biết, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã luận giải sâu sắc, thấu đáo “cái gốc” của tham nhũng, tiêu cực, đó là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực. Do đó, vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ sớm, từ xa, mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tức là trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh cần phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của cơ quan và đại biểu dân cử, MTTQ và các tổ chức thành viên; của nhân dân, cơ quan truyền thông, báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Những năm qua, MTTQ các cấp TP Hà Nội đã đẩy mạnh phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân trong tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tham gia giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Để công tác giám sát cán bộ, đảng viên được triển khai đồng bộ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã ban hành Hướng dẫn số 30/HD về việc giám sát và nhận xét của Ban Công tác Mặt trận đối với đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với nhân dân ở nơi cư trú; xây dựng chuyên đề “Giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ nhằm thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII về giám sát cán bộ, công chức”.
Để thực hiện tốt việc đó, Ủy ban MTTQ các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thực hiện giám sát và nhận xét đối với đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với nhân dân ở nơi cư trú, đảm bảo thời gian hoàn thành việc nhận xét trước ngày 30/11 hàng năm theo hướng dẫn.
Bà Nguyễn Lan Hương cho biết, để thực hiện các hoạt động giám sát, MTTQ các cấp thành phố Hà Nội đã triển khai đặt hòm thư tiếp nhận phản ánh của nhân dân ở các khu dân cư, lập sổ theo dõi mở hòm thư tiếp nhận thông tin của nhân dân và các kênh khác theo quy định; chỉ đạo các khu dân cư thực hiện việc niêm yết 19 điều quy định đảng viên không được làm, 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tại nhà văn hóa, phòng họp tổ dân phố, nơi sinh hoạt cộng đồng, tạo điều kiện để nhân dân biết, nhận diện và tham gia giám sát.
“Kết quả giám sát, nhận xét của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư là một kênh thông tin để cấp ủy xem xét về công tác cán bộ trong quy trình đánh giá nhận xét, bổ nhiệm, đề bạt, điều động, luân chuyển cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng đảng viên, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực” - bà Hương nhấn mạnh.
Để nâng cao hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân, bà Hương cho biết, trong thời gian tới MTTQ các cấp thành phố Hà Nội sẽ tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng, nghiên cứu, học tập chuyên đề về tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư để cán bộ Mặt trận các cấp, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cốt lõi trong tác phẩm; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác giám sát cán bộ, đảng viên.