Sức khỏe

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của y học cổ truyền

Dương Toàn 05/12/2024 14:34

Với lịch sử hàng nghìn năm cùng nguồn dược liệu phong phú, quý hiếm, y học cổ truyền Việt Nam đã đóng vai trò then chốt trong chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân ngay từ cơ sở cùng như có đủ triển vọng và điều kiện để tiếp tục phát triển.

Ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, cùng với sự ra đời và phát triển và phát triển của dân tộc Việt Nam, nền y dược học cổ truyền Việt Nam đã trở thành một nền văn hóa có lịch sử hàng nghìn năm, có nhiều đóng góp to lớn trong bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng như phòng và chữa bệnh.

Hệ thống khám chữa bệnh bằng y, dược cổ truyển đã hình thành và phát triển rộng khắp trên cả nước và trở thành bộ phận không thể thiếu được trong hệ thống y tế quốc gia. Nhiều công trình nghiên cứu về y, dược cổ truyền đã được đưa vào ứng dụng thành công trong việc phòng và chữa bệnh cho nhân dân. Sự kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại cũng ngày càng phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Về sản xuất thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu, một số công ty dược đã nghiên cứu ứng dụng các bài thuốc cổ phương, tân phương đưa vào sản xuất thành công ở quy mô lớn. Do được đầu tư nghiên cứu phù hợp, có sự hợp tác của các nhà khoa học, các sản phẩm đông dược này được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, vẫn giữ được bản sắc cổ truyền và có hiệu quả điều trị cao, đem lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.

Hiện Việt Nam có hệ thống bệnh viện y, dược cổ truyền công lập tuyến Trung ương và tuyến tỉnh là 65 bệnh viện. Mỗi năm có khoảng 30% số người bệnh được khám và điều trị bằng y học cổ truyền hoặc kết hợp y, dược cổ truyền với y, dược hiện đại. Việc kết hợp khám chữa bệnh giữa y học cổ truyền với y học hiện đại ở các tuyến luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân, do đó, ngày càng được mở rộng và phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc nuôi trồng, chế biến, sử dụng dược liệu, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực y dược cổ truyền bước đầu đã được quan tâm và đầu tư; coi trọng hoạt động kế thừa, bảo tồn các bài thuốc quý, hợp tác quốc tế về y, dược cổ truyền được mở rộng…

TS.BS Nguyễn Kim Cương – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: “Trong bối cảnh y học hiện đại không ngừng phát triển, y học cổ truyền vẫn luôn giữ vững vị trí quan trọng nhờ những giá trị tinh hoa và phương pháp điều trị độc đáo, hiệu quả. Đặc biệt, y học cổ truyền đã và đang khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc phòng bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng”.

Mặc dù vậy, bên cạnh những thành tựu to lớn của y, dược cổ truyền, công tác nghiên cứu và ứng dụng các công trình nghiên cứu về y dược cổ truyền còn nhiều bất cập. “Nhiều tiềm năng về y, dược cổ truyền chưa được nghiên cứu khai thác, ứng dụng. Một số nghiên cứu chưa tuân thủ các lý luận và nguyên tắc của y học cổ truyền dẫn đến hiệu quả điều trị chưa cao. Nhiều bài thuốc gia truyền đồng bào miền xuôi, của các ông lang, bà mế vẫn chưa được nghiên cứu khai thác, có nguy cơ thất truyền. Còn tồn tại việc chất lượng dược liệu chưa được quản lý triệt để do trôi nổi trên thị trường, khó kiểm soát làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của các bài thuốc cổ phương” - Thứ trưởng Bộ Y tế nêu thực trạng.

PGS.TS Phạm Lê Tuấn - Chủ tịch Hội Quân dân y Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận, y học cổ truyền có tiềm năng lớn nhưng chưa được khai thác đúng mức, nhiều bài thuốc cổ phương chưa được nghiên cứu đầy đủ, quy trình sản xuất dược liệu còn hạn chế, chất lượng vị thuốc không đồng đều. Đồng thời, dù y học cổ truyền đóng vai trò quan trọng trong hệ thống y tế, nhưng việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn sâu đang là một thách thức lớn.

PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, để phát huy hơn nữa vai trò và tiềm năng của Y học cổ truyền Việt Nam, sẽ đặt mục tiêu phát triển toàn diện y học cổ truyền đến năm 2030. Cụ thể, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ có bệnh viện đa khoa y học cổ truyền hoặc bệnh viện đa khoa y học cổ truyền kết hợp phục hồi chức năng tuyến tỉnh; 95% bệnh viện đa khoa và bệnh viện chuyên khoa sẽ có giường bệnh hoặc khoa Y, Dược cổ truyền; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn và các đơn vị tương đương sẽ triển khai hoạt động tư vấn sử dụng y, dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe hoặc tổ chức khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy tiềm năng, thế mạnh của y học cổ truyền