Ngày 3/12, Toạ đàm "Doanh nhân họ Trần Việt Nam thấm nhuần và phát huy tư tưởng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong thời đại mới" đã diễn ra tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ngày 4/12, sẽ diễn ra Lễ báo công của doanh nhân họ Trần Việt Nam dâng lên Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông tại cung Trúc Lâm, Yên Tử.
Chương trình do Hội đồng họ Trần Việt Nam, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh đồng phối hợp tổ chức.
Chương trình được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 764 năm ngày sinh của Phật Hoàng Trần Nhân Tông (ngày 11.11 năm Âm lịch Mậu Ngọ 1258 - ngày 11.11 năm âm lịch Nhâm Dần 2022) và 714 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông viên tịch nhập Niết bàn (ngày 1.11 năm Mậu Thân 1308 - ngày 1.11 năm Nhâm Dần 2022).
Phật hoàng Trần Nhân Tông là nhà chính trị vĩ đại, đã xây dựng nhà nước quân chủ thân dân, thực thi nhiều chính sách vì lợi ích người dân, xây dựng quốc gia hoà bình thịnh vượng; thực hiện chính sách ngoại giao mền dẻo linh hoạt với lân lang. Phật hoàng Trần Nhân Tông là nhà quân sự kiệt xuất với 2 lần trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Đặc biệt, Phật hoàng Trần Nhân Tông là Tổ khai sáng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Năm 2012, Đại học Harvard ở Hoa Kỳ đã thành lập Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hoà giải, vinh danh, truyền bá tư tưởng Trần Nhân Tông. Ngày 1/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1717/QĐ-TTg về việc thành lập Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thượng toạ Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu, nhắc đến văn hoá thời Trần không thể không nhắc đến Phật giáo. Bởi thời Trần là thời kỳ Phật giáo hoà nhập sâu rộng vào mọi mặt của đời sống xã hội, Phật giáo trở thành bệ đỡ tư tưởng, văn hoá và Phật giáo không tách rời sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, trí tuệ Phật giáo hoà cùng trí tuệ dân tộc, Phật giáo trở thành hạt nhân cố kết nhân tâm, đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước cường thịnh.
Thượng toạ Thích Thọ Lạc cho biết thêm, trong bối cảnh hiện nay, những giá trị văn hoá Phật giáo thời Trần vẫn còn nguyên giá trị, trách nhiệm của thế hệ con cháu thời Trần là khơi dậy, phát huy những giá trị mà cha ông bao đời đã vun đắp để làm rạng danh dòng họ, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp.
PGS.TS Nguyễn Tiến Vinh – Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói: Trong công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc, Phật giáo thời Trần đã phát huy mạnh mẽ tư tưởng thiền định của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, xây dựng hệ thống thiền viện trong cả nước để đào tạo Phật học và truyền bá Phật giáo.
Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam, Trung tướng, PGS. TS. Trần Đình Nhã nói: “Chương trình toạ đàm và Lễ báo công của doanh nhân họ Trần Việt Nam dâng lên Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông tại cung Trúc Lâm, Yên Tử là hoạt động tâm linh vô cùng có ý nghĩa của các thế thệ con cháu họ Trần Việt Nam nói chung, của Hội đồng họ Trần Việt Nam và Hiệp Hội Doanh nhân họ Trần Việt Nam nói riêng thành kính dâng lên anh linh Đức Phật Hoàng, với ước nguyện Phật Hoàng chứng giám cho lòng thành kính và sự biết ơn của chúng con đối với Ngài, đặng phù hộ, độ trì cho dân tộc Việt Nam, trong đó có con cháu họ Trần Việt Nam luôn đoàn kết, phát triển, thịnh vượng, mãi phát huy “Hào khí Đông A - muôn đời tỏa sáng”.
PGS. TS. Trần Đình Nhã hy vọng từ những năm sau sẽ có nhiều hơn nữa những chương trình, hoạt động tương tự để con cháu họ Trần Việt Nam có thêm nhiều cơ hội và điều kiện được thành tâm, thành kính, hồi hướng về dòng dõi gia tiên, tiền tổ họ Trần Việt Nam, về anh linh các vị vua nhà Trần, trong đó có Phật Hoàng Trần Nhân Tông và về Quốc công Tiết chế Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.
Nhân sự kiện này, Hiệp hội doanh nhân họ Trần Việt Nam đã thống nhất Chương trình hành động của Hiệp Hội trong thời gian tới với nhiều nội dung thiết thực, tiếp tục giáo dục truyền thống Đông A và tư tưởng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, nhất là tư tưởng kiến quốc của Ngài để con cháu họ Trần và doanh nhân họ Trần cũng như nhân dân cả nước học tập, phát huy trong điều kiện mới.