Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đang diễn ra, kéo dài đến ngày 5/6/2025. Đây là một sự kiện chính trị sâu rộng của toàn xã hội, không chỉ để hoàn thiện nền tảng pháp lý tối cao của đất nước mà còn là dịp để mỗi người dân thể hiện đầy đủ và sâu sắc quyền làm chủ của mình.
Ngày 7/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Phiên họp tổ đã nhận được nhiều đóng góp từ đại biểu Quốc hội. Trước đó, ngày 5/5, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Kết quả biểu quyết bằng điện tử cho thấy, có 452/452 đại biểu Quốc hội tán thành. Điều này có nghĩa, Quốc hội đã nhất trí cao nhất trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 - quyết định mang tính lịch sử mà chúng ta dường như chỉ mới hình dung ra sau khi Trung ương Đảng, Bộ Chính trị quyết định: phải quyết liệt tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, mở đường cho phát triển kinh tế xã hội trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
Với mỗi một quốc gia, Hiến pháp chính là đạo luật gốc, hệ thống cao nhất của pháp luật. Nó thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân của quốc gia ấy. Trong lịch sử lập hiến Việt Nam, chúng ta đã có một số bản Hiến pháp và mỗi một bản Hiến pháp ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định đều đã hoàn thành sứ mệnh của mình là góp phần thể chế hóa đường lối, chủ trương và định hướng chính sách của Đảng trong mỗi một thời kỳ. Hiến pháp 2013 đã trải qua hơn 10 năm đi vào đời sống đất nước, đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Trong giai đoạn này, để phù hợp với thực tiễn mới, nên có một số điều đã trở nên không còn phù hợp.
Lần này, Quốc hội đã quyết định chỉ sửa đổi 8/120 điều của Hiến pháp 2013 nhưng mang tính quyết định và những điều được xem xét sửa đổi lần này là nhằm mở đường cho việc thực hiện một cách đồng bộ, hoàn thiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị mà Nghị quyết 18-NQ/TW (năm 2017) đề ra. Những điều dự kiến sửa đổi gồm điều 9, 10 (thuộc chương 1 về chế độ chính trị), điều 84 (thuộc chương 5 về Quốc hội); các điều 110, 111, 112, 114, 115 (thuộc chương 9 về chính quyền địa phương). Nó cho thấy tầm nhìn, hướng đi rất rõ ràng. Không phải là sửa lớn, sửa nhiều nhưng những điều được xem xét, sửa đổi bổ sung lần này chính là căn cốt để thực hiện tinh gọn bộ máy. Việc lựa chọn, sửa ít mà trọng tâm, trọng điểm sẽ giúp cho quá trình này không mất quá nhiều thời gian mà lại đạt hiệu quả cao và giúp những dự luật sửa đổi kèm theo sau cũng nhanh chóng được xem xét, thông qua, góp phần cho xã hội vận hành trơn tru theo mô hình mới.
Bắt đầu từ ngày 6/5, các cơ quan liên quan đã tổ chức công bố lấy ý kiến nhân dân về toàn văn dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Thời gian lấy ý kiến nhân dân trong vòng 1 tháng. Đó là một quy trình hết sức dân chủ, công khai, minh bạch để dân biết, dân bàn những điều liên quan mật thiết đến quá trình vận hành của xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn chúng ta đang vươn mình tiến mạnh vào kỷ nguyên mới.
Mỗi một đóng góp mang tính xây dựng của người dân để sửa đổi, bổ sung một số điều của đạo luật gốc chắc chắn sẽ được lắng nghe, được xem xét lỹ lưỡng. Những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và xây dựng từ dân luôn là những ý kiến đáng trân quý nhất. Bởi vì, kể từ khi lập Đảng, lập nước đến nay, trải qua nhiều quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lấy dân làm gốc, xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân; tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Và, trong quá trình lập hiến, lập pháp suốt 80 năm qua người dân luôn được đặt ở vị trí quan trọng trong diễn trình lịch sử nước nhà. Bây giờ là lúc mỗi người dân phát huy quyền làm chủ, tinh thần trách nhiệm đóng góp cho quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 ở vai trò người chủ của đất nước, vì sự phát triển của quốc gia, dân tộc.