Sáng 12/3, tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức các ý kiến cho rằng bổ sung vai trò, nhiệm vụ cụ thể của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận trong dự thảo Luật.
Phản biện về nội dung này, ông Đỗ Duy Thường - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) đề nghị, Ban soạn thảo cần bổ sung vai trò, nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban MTTQ các cấp, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư vào tham gia các Ban quản lý di tích, quản lý danh lam thắng cảnh; quản lý di vật, cổ vật, bảo vật của quốc gia, tổ chức lễ hội truyền thống ở thôn, làng ấp bản, buôn, phum, sóc.
Theo ông Thường, với vai trò và quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam dự thảo Luật di sản (sửa đổi) cần bổ sung một điều ở Chương II theo hướng quy định MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội và các tổ chức thành viên của MTTQ các cấp, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư có trách nhiệm tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể; di sản văn hóa phi vật thể; di sản tư liệu và các di tích lịch sử - văn hóa và các danh lam thắng cảnh.
“Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư tham gia việc lựa chọn công dân thực hiện và tham gia Ban quản lý di tích, bảo vệ, chăm sóc di tích, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật ở thôn, làng, bản, buôn, phum, sóc. Phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức lễ hội truyền thống của thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc”, ông Thường kiến nghị đồng thời đề xuất, MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật, các quy định, quy chế về việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; di sản tư liệu, di vật, cổ vật ở địa phương, cơ sở, khu dân cư.
Nêu quan điểm GS-TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp của công dân cũng cần được xem là một chủ thể trong dự thảo luật này. Bởi, MTTQ và các thành viên của Mặt trận là những thiết chế hiến định có vai trò to lớn trong tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước; giám sát và phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
“Dự thảo luật cần bổ sung một số điều quy định về quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa”, GS.TS Trần Ngọc Đường nói và đề nghị Ban soạn thảo nên tập trung thể hiện quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp của công dân ở Chương VIII - Quản lý Nhà nước về di sản văn hóa.
Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, trong chương này cần quy định MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị -xã hội tham gia quản lý Nhà nước, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa bằng giám sát xã hội việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; phản biện xã hội các dự thảo, đề án, dự thảo văn bản của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương các cấp về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị -xã hội tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân và cộng đồng dân cư về di sản văn hóa khi bị cơ quan, tổ chức, cá nhân xâm phạm.
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội (UBTƯ MTTQ Việt Nam) đề xuất, cần nâng cao chất lượng dự thảo luật, lắng nghe thêm ý kiến của những người hoạt động trong thực tiễn, đặc biệt cần làm rõ quyền được tiếp cận, hưởng thụ di sản văn hóa của người dân. Cùng với đó là các chế tài để ngăn chặn hành vi xâm phạm, làm tổn hại di sản văn hóa.