Ngày 10/2, phát biểu tại phiên họp Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục Trung ương năm 2022, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đã nhấn mạnh tới hoạt động đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong giai đoạn hiện nay.
Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận luôn xác định tham gia hoàn thiện thể chế, hoàn thiện và thực hiện chính sách, pháp luật là nhiệm vụ quan trọng để tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân thực hiện pháp luật xuyên suốt trong 5 chương trình phối hợp thống nhất hành động của Mặt trận và các tổ chức thành viên.
Với tinh thần đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, nỗ lực của cả hệ thống Mặt trận và đoàn thể đã đạt những kết quả quan trọng trong năm 2021, đặc biệt, thông qua công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã khẳng định vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam trong vận động toàn dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; phát huy mạnh mẽ truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam. Hoạt động của tổ Covid cộng đồng, hình ảnh lãnh đạo, cán bộ Mặt trận, đoàn thể trực tiếp nơi tuyến đầu, trách nhiệm, tận tuỵ, không ngại khó, luôn sẵn sàng, nhiệt huyết, gần dân, sát dân, vì dân, đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đẩy lùi và kiểm soát dịch bệnh.
"Trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 vừa qua, MTTQ và các tổ chức thành viên đã hiệp thương thống nhất để cùng chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bởi đại dịch. Theo đó, đã có hơn 58 triệu lượt người đã nhận được những phần quà ấm áp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để cùng nhân dân cả nước đón Tết trong không khí đầm ấm, an vui", Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực thông tin.
Cũng theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, MTTQ các cấp cùng các tổ chức thành viên đã triển khai hiệu quả các hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tổ chức Mặt trận các cấp ở đã tổ chức 21.728 cuộc giám sát; hoạt động giám sát do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tham gia phối hợp với các cơ quan hữu quan là 29.027 cuộc. Qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các địa phương đã tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ trong việc tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách, quy định và các đề án, dự án, chương trình của địa phương có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhân dân. Qua đó, góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng các chính sách, quy định và các đề án, dự án, chương trình này trước khi ban hành, tạo sự đồng thuận xã hội về nhận thức và thống nhất về hành động của các tầng lớp nhân dân.
Cùng với đó, hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng được quan tâm củng cố và kiện toàn. Hiện nay cả nước có 60.059 tổ hoà giải với 353.768 hòa giải viên, trong đó có 81.541 hòa giải viên là cán bộ Mặt trận chiếm hơn 23,4% tổng số hòa giải viên của cả nước. Thông qua hoạt động của Hòa giải viên; của thành viên của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư ở cộng đồng đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân trân địa bàn.
Để tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, thời gian tới, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục hướng dẫn, hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động với các tổ chức thành viên nhằm đẩy mạnh các nội dung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật; kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên có trình độ, kinh nghiệm tham gia công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật; đồng thời tăng cường tổ chức các lớp tập huấn để bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận và các đoàn thể, khuyến khích các tổ chức thành viên của Mặt trận ứng dụng công nghệ thông tin để kiện toàn trung tâm tư vấn pháp luật cho thành viên, hội viên của tổ chức mình.
"MTTQ Việt Nam các cấp sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở, kịp thời tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.", Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.
Để công tác phổ biến pháp luật và vận động Nhân dân thực hiện pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên ngày càng sâu, rộng, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 theo hướng cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm các điều kiện tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng pháp luật; ứng dụng công nghệ số để tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
"Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật; kế hoạch tham gia hòa giải ở cơ sở; phối hợp đánh giá công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; xây dựng thực hiện hương ước, quy ước ở khu dân cư năm 2022", Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực thông tin.