Kể từ ngày 21/5, một số quy định về phạt nguội và xử phạt đối với hành vi vi phạm Luật Giao thông sẽ được thay đổi theo nội dung Thông tư 15/2022 của Bộ Công an. Đáng chú ý, thời hạn xử lý phạt nguội sẽ được gia tăng, chủ phương tiện có xe bị phạt nguội cũng không cần quay lại nơi vi phạm giải quyết phạt nguội, thay vào đó có thể nộp phạt giao thông tại cổng dịch vụ công của Bộ Công an.
Cụ thể: (1) Thời hạn xử lý phạt nguội tăng lên 10 ngày thay vì 5 ngày như quy định trước đây. (2) Kết quả phạt nguội được gửi cho Công an nơi người vi phạm cư trú để xử lý. Thông báo phạt nguội cũng sẽ được gửi về cho Công an cấp huyện nơi chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm cư trú, đóng trụ sở xử lý nếu hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an cấp xã. (3) Người bị phạt nguội không cần phải quay trở lại nơi vi phạm để giải quyết. (4) Tăng thời hạn gửi thông báo cảnh báo đăng kiểm ô tô lên 20 ngày (trước đó là 15 ngày). (5) Cho phép nộp phạt giao thông tại Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an.
Việc Bộ Công an ban hành một số quy định mới về phạt nguội, xử phạt đối với hành vi vi phạm Luật Giao thông được dư luận đồng tình, coi đây là biện pháp phù hợp với tình hình mới khi mà các phương tiện giám sát giao thông đường bộ đã được áp dụng rộng rãi. Hệ thống camera sẽ ghi lại chính xác hình ảnh khi người tham gia giao thông, trong đó có biển số xe, thời gian, địa điểm vi phạm (nếu có).
Vì thế, khi thông báo phạt nguội được gửi tới thì “không còn gì để chối cãi”. Việc quy định cho phép người vi phạm được nộp phạt tại Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an cũng được đánh giá tích cực vì giúp giảm bớt thời gian của người chấp hành phạt cũng như hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp nhờ vào việc cải cách thủ tục hành chính. Việc phát hiện, xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh có rất nhiều ưu điểm: nhanh, tiết kiệm thời gian, bớt nhũng nhiễu trên đường.
Trên thực tế, từ năm 2004, phương thức phạt nguội vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đã được triển khai. Tuy nhiên, việc này vẫn còn bất cập. Rõ nhất là việc cơ quan chức năng chỉ có thể xác minh được chủ sở hữu phương tiện vi phạm, chưa xác minh được người vi phạm nên không đủ cơ sở để ra quyết định xử phạt mà chỉ có thể gửi thông báo cho chủ sở hữu phương tiện vi phạm để phối hợp xác minh và chờ sự tự nguyện chấp hành của người vi phạm. Trường hợp phương tiện đã chuyển nhượng cho nhiều chủ sở hữu hoặc xe của các cơ sở kinh doanh cho thuê xe thì việc xác minh người vi phạm lại càng thêm khó khăn.
Về việc này, các chuyên gia giao thông cho rằng, để có thể vẫn tiến hành xử phạt nguội được nhanh, chính xác thì việc phạt nguội cần tập trung vào chủ xe, thông báo xử phạt sẽ được gửi cho chủ xe. Trường hợp người đó không điều khiển phương tiện khi vi phạm xảy ra thì phải có trách nhiệm chuyển thông báo tới người trực tiếp cầm lái trong khung thời gian nhất định, còn nếu không chuyển kịp thời, chủ xe cũng sẽ bị phạt; mức nộp phạt chậm có thể tăng gấp nhiều lần.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc phạt nguội sẽ giúp tránh được tình trạng “ong vỡ tổ” khi không thấy cảnh sát giao thông. Tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ cũng đã nhiều, giờ cần phải mạnh tay xử phạt mới răn đe nổi. Còn việc ở đâu đó có bóng dáng tiêu cực thì báo chí, người dân giám sát. Tuy nhiên, rất cần giải pháp đồng bộ về hạ tầng giao thông, phương tiện công nghệ lẫn văn bản luật. Muốn việc phạt nguội mà người vi phạm “tâm phục khẩu phục”, thì hình ảnh trích xuất từ camera phải ghi cảnh vi phạm rõ ràng để tránh tranh cãi không đáng có. Đường sá, vạch kẻ, biển báo cũng phải rành mạch.
Đáng chú ý, hiện nay camera giám sát lắp đặt khá nhiều nhưng vẫn còn đó những đoàn “xe vua” rầm rộ chở quá tải, quá tốc độ. Vì sao vậy? Công nghệ đã có, vì thế tất cả thông tin vi phạm giao thông cần lưu trữ để các cơ quan có thể kiểm tra chéo nhau, tránh tiêu cực. Như thế sẽ minh bạch. Vì thế mới nói, gọi là “phạt nguội” nhưng sẽ là cảnh báo nóng đối với tất cả những người liên quan.