Phát triển bền vững (PTBV) không phải là một lựa chọn, đó là con đường duy nhất! Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp (DN) vì sự PTBV Việt Nam (VBCSD) khẳng định trong phát biểu khai mạc Diễn đàn DN PTBV Việt Nam (VCSF) lần thứ IV với chủ đề “Nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức PTBV” được tổ chức ngày 10/10, tại Hà Nội.
Toàn cảnh diễn đàn.
Diễn đàn lần này quy tụ hơn 350 đại biểu đến từ khối nhà nước và DN, trong đó có cả các DN FDI.
Phát triển bền vững: Từ đòi hỏi thực tiễn
Tại phiên toàn thể của diễn đàn, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc (UN) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những điển hình thành công về phát triển kinh tế trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên Việt Nam cũng đang phải đối diện với những thách thức đến từ việc tăng trưởng có xu hướng ít bao trùm hơn.
Bên cạnh việc cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam thúc đẩy các nỗ lực chung hướng đích phát triển bền vững (PTBV), đại diện UN cũng chỉ rõ vai trò cốt yếu của DN đối với việc thúc đẩy và nhân rộng các mô hình kinh doanh sáng tạo để thực hiện thành công các mục tiêu PTBV.
Đại diện cho Bộ Tài nguyên Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân trình bày về kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu của Việt Nam. Trong đó, Thứ trưởng Nhân đặc biệt nhấn mạnh vai trò của DN và nhận định rằng đây là một trong những lực lượng nòng cốt thực hiện thành công thỏa thuận Paris.
Vì vậy, VBCSD nói riêng và VCCI nói chung có nhiệm vụ cũng như vai trò tối quan trọng trong việc huy động sự tham gia và kết nối cộng đồng DN với Chính phủ, các bộ, ban, ngành có liên quan để đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Bên cạnh thách thức từ biến đổi khí hậu, sự bùng nổ dân số cũng đang gây ra nhiều nguy cơ cho vấn đề an ninh lương thực trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, phát triển nông nghiệp xanh, theo hướng bền vững có thể mang lại rất nhiều cơ hội kinh doanh tiềm năng cho Việt Nam - một đất nước có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp.
Đó là nhận định ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Diễn đàn. Ông khẳng định việc đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh nói trên không phải là những ưu tiên hay kỳ vọng, mà đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của chính phủ, các bộ, ban, ngành, DN.
Đến nhu cầu tự thân của doanh nghiệp
Nhận định về tình hình thực hiện các Mục tiêu toàn cầu (SDGs) trong Chương trình Nghị sự 2030, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký VCCI kiêm Phó Chủ tịch VBCSD cho biết, cộng đồng DN đã có nhận thức rõ hơn về những cơ hội mà các Mục tiêu PTBV mang lại, cũng như các rủi ro có thể được khắc phục. Số lượng các DN lập báo cáo bền vững tăng gấp 2 lần trong 5 năm, 90% các DN trong danh sách 500 công ty lớn nhất đã lập BCBV. Mạng lưới hợp tác được tăng cường với sự liên kết chặt chẽ, tích cực giữa các DN và các quốc gia.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của khối DN đến tiến trình PTBV vẫn còn hạn chế và muốn tác động vào tiến trình PTBV, DN cần có các giải pháp kinh doanh bền vững để thu lại được những lợi ích lâu dài, thay vì chỉ hoạt động theo những cái lợi trước mắt.
Tiếp nối những nội dung chia sẻ của lãnh đạo các bộ, ngành, VCCI và DN tiêu biểu, trong phiên tọa đàm với chủ đề “Các sáng kiến của DN trong việc thực hiện các Mục tiêu PTBV”, đại diện các DN hàng đầu của Việt Nam và quốc tế như Bảo Việt, Heineken, Coca-Cola, SCG, Suntory Pepsico và Vingroup đã mang đến Diễn đàn những kinh nghiệm, bài học thực tế cũng như các thông lệ tốt tại DN trong việc thực hiện các sáng kiến, triển khai những mô hình kinh doanh mới hướng đến PTBV.
Chẳng hạn như với Heineken, suốt 26 năm qua đã bền bỉ thực hiện hành trình “Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn” nhằm góp phần tạo nên những tác động tích cực cho con người- hành tinh và sự thịnh vượng. Về vấn đề này, cả ông Leo Evers – Tổng Giám đốc điều hành Nhà máy bia Heineken và ông Matt Wilson, giám đốc ngoại vụ cấp cao Heineken đều chia sẻ những nỗ lực nhằm cải thiện cuộc sống của người dân Việt Nam thông qua việc lồng ghép hoạt động sản xuất và kinh doanh hướng đến bảo vệ môi trường và giúp đỡ DN nhỏ và vừa Việt Nam cùng phát triển.
Cụ thể, Heineken đã sử dụng 100% năng lượng thân thiện với môi trường như, năng lượng sinh khối (biomass) và khí sinh học (biogas) để nấu bia, nhằm cắt giảm lượng chất thải phát sinh- mô hình kinh tế tuần hoàn. Nhờ vậy, Heineken đã cắt giảm 50% lượng phát thải CO2 trong các năm 2014-2016. Công ty này còn thu mua vỏ trấu để tạo năng lượng sinh khối, giúp nông dân có thu nhập.
Với Suntory Pepsico đó cũng là việc nâng cao ý thức và nhận thức của người dân Việt Nam trong bảo vệ môi trường. Công ty này, theo như bà Chung Hương Giang, giám đốc truyền thông và đối ngoại khu vực phía Nam thì họ đã khởi động dự án “Em yêu nước sạch” nhằm giáo dục ý thức tiết kiểm và bảo vệ nguồn nước cho các em nhỏ ở lứa tuổi tiểu học.
Còn Vingroup, thông qua hệ thống nông nghiệp sạch cũng đã giúp cải thiện chất đất ở những nơi họ hợp tác sản xuất cùng nông dân.
Ngay sau Diễn đàn này, dự án “Zero Waste to Nature – Không xả thải vào môi trường tự nhiên”, hoạt động đầu tiên của Trung tâm hỗ trợ DN triển khai nền kinh tế tuần hoàn (VCCE), sẽ được khởi động. Đồng thời, VBCSD cũng sẽ hợp tác với Trung tâm Thương mại quốc tế (International Trade Center) áp dụng “Sustainability Map”, bộ hệ thống tiêu chuẩn để hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.