Giám sát - Phản biện

Phát triển các khu công nghiệp: Tắc ở đâu?

Nguyên Vũ 04/01/2024 07:15

Tỉnh Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 39 Khu công nghiệp (KCN) đến năm 2020. Thế nhưng đến cuối năm 2023 địa phương này mới chỉ có 33 KCN được thành lập, trong đó, 32 KCN đã và đang hoạt động, cho thuê được 85% công suất. Nhiều KCN đang vướng giải phóng mặt bằng, khiếu nại từ người dân...

baitren.jpg
Một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: NV.

Phải chờ quy hoạch

Ngày 14/7/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký quyết định số 842/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Long Đức 3, tỉnh Đồng Nai. KCN có quy mô sử dụng đất là 244,5ha; tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 270 tỷ đồng, Công ty cổ phần KCN Long Đức 3 là nhà đầu tư. Ông Nguyễn Trí Phương – Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai cho biết, KCN Long Đức 3 được chấp thuận chủ trương, nhưng việc tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng các vấn đề liên quan về pháp luật đất đai, pháp luật về môi trường, pháp luật về xây dựng… thì phải chờ quy hoạch của tỉnh (Quy hoạch của tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050).

“Sau khi quy hoạch chung của tỉnh Đồng Nai được thông qua, các KCN, đơn cử như dự án KCN Long Đức 3 sẽ có cơ sở pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện. Ngoài ra, hiện nay các chủ đầu tư và Ban quản lý đầu tư KCN đã và đang trình cho UBND tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 3 KCN, trong đó có KCN diện tích khoảng 290ha ở huyện Long Thành, KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp quy mô 2.623ha, KCN khác quy mô khoảng 100ha, hiện nay đang trong quá trình thẩm định, ý kiến của các bộ, ban, ngành”, ông Phương chia sẻ.

Nói về vấn đề quy hoạch của tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Hữu Nguyên - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện UBND tỉnh đã báo cáo với Hội đồng quy hoạch Quốc gia, Bộ KHĐT, hiện nay Bộ đã lập Hội đồng thẩm định và thụ lý hồ sơ quy hoạch tỉnh Đồng Nai. Dự kiến trong tháng 1/2024, tỉnh Đồng Nai sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định.

Cũng theo ông Nguyên, việc chậm phê duyệt quy hoạch ngày nào thì ảnh hưởng tới việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ngày đó, đây là vấn đề rất rõ ràng. Lý do, quy hoạch là đầu tiên, tiên quyết để hình thành, xem xét đối với các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, kể cả dự án đầu tư công hay dự án đầu tư ngoài ngân sách, đều đối chiếu quy hoạch đầu tiên và đảm bảo sự đồng bộ quy hoạch trước khi triển khai các bước tiếp theo. Do đó quy hoạch được phê duyệt càng sớm thì sẽ tác động tích cực lên việc phát triển kinh tế - xã hội. Càng để chậm thì càng ảnh hưởng tiêu cực lên tình hình kinh tế - xã hội.

Cần nhiều giải pháp để KCN “cất cánh”

Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai Nguyễn Trí Phương cho biết, theo lộ trình 2024, tỉnh Đồng Nai dự kiến sẽ xin phát triển thêm 3-4 KCN mới. Tuy vậy, ngoài việc đang “vướng” quy hoạch chung của tỉnh. Việc phát triển KCN tại tỉnh Đồng Nai đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khác.

Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, toàn tỉnh có tới 10 KCN đang vướng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với tổng diện tích đất khoảng 820ha. Nguyên nhân chủ yếu là do các hộ dân không đồng ý nhận tiền bồi thường vì cho rằng giá bồi thường thấp, chưa bố trí được các lô tái định cư cho các hộ dân sau khi thu hồi đất.

Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Đồng Nai - Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, tỉnh đã thành lập tổ công tác để xử lý, thúc đẩy phát triển các KCN, tổ công tác có nhiệm vụ thường xuyên xử lý các vướng mắc trong quá trình phát triển các KCN. Trong thời gian tới sẽ tháo gỡ để các KCN hoàn tất việc giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, việc phát triển các KCN tại tỉnh Đồng Nai đang gặp phải bài toán hạ tầng giao thông kết nối xuống cấp, thiếu đồng bộ. Việc này ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, cũng như phát triển sản xuất kinh doanh của KCN. Một số doanh nghiệp đầu tư trong KCN An Phước, KCN Long Đức phản ánh đường nối từ Quốc lộ 51 vào các KCN này xuống cấp.

Trả lời phóng viên vấn đề hạ tầng giao thông kết nối KCN, ông Nguyễn Hữu Nguyên cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh cải tạo lại tuyến đường nối từ Quốc lộ 51 vào các KCN. Còn KCN Ông Kèo, hiện nay tuyến đường vào đang được UBND huyện Nhơn Trạch xúc tiến đầu tư. Đường nối vào KCN Dầu Giây cũng được xem xét đầu tư... Ngoài giao thông thì sẽ tập trung vào các hạ tầng khác như cấp điện, cấp nước, đối với tỉnh UBND tỉnh Đồng Nai đảm bảo đủ điện phục vụ KCN”.

Là một trong những địa phương có số lượng KCN lớn nhất cả nước, Đồng Nai sẽ tiếp tục hình thành và đưa vào hoạt động các KCN mới trong những năm tới. Bài toán đặt ra cho tỉnh Đồng Nai là phải giải quyết những vấn đề nội tại mà các KCN đang gặp phải.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển các khu công nghiệp: Tắc ở đâu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO