Chiều 7/4 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) đã tổ chức phiên họp Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban chỉ đạo, đồng chủ trì phiên họp.
Tăng chỉ tiêu hiệu quả
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2022 là năm dấu mốc quan trọng của khu vực KTTT, HTX. Trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW triển khai định hướng phát triển KTTT, HTX của chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã được ban hành. Đây là nền tảng quan trong trong thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KTTT, HTX giai đoạn tới.
Trên thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực KTTT, HTX được khôi phục trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Về số lượng, ước tính năm 2022, cả nước có 29.378 HTX; 125 liên hiệp HTX và 71.000 tổ hợp tác.
So với năm 2021, số HTX tăng 7% (tăng 2036 HTX); số liên hiệp HTX tăng khoảng 17% (tăng 18 liên hiệp HTX). Tổng số thành viên HTX là 5.935 nghìn thành viên, tăng 243 nghìn thành viên (khoảng 4%). Số HTX là thành viên của liên hiệp HTX là 851, tăng 183 HTX (khoảng 27%) so với năm 2021,…
Nhìn chung, các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động của HTX đều tăng so với năm trước. Doanh thu bình quân của các HTX đạt 3.592 triệu đồng/1HTX, tăng 935 triệu đồng (khoảng 35%) so với năm 2021.
Số lãi bình quân của 1 HTX là 366 triệu đồng/HTX/1 năm. Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 56 triệu đồng/người (tăng khoảng 4 triệu đồng, tương đương 8% so với năm 2021).
Tăng cường liên kết
Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển KTTT, HTX đặt mục tiêu trong năm 2023, cả nước sẽ có khoảng 73 nghìn tổ hợp tác với 1,1 triệu thành viên; 31 nghìn HTX với 6,7 triệu thành viên, 158 liên hiệp HTX với 870 HTX thành viên.
Số hợp HTX hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm trên 60%. Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt trên 22,5%. Trên 2.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với nông sản.
Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX, phấn đấu có khoảng 32% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Xử lý dứt điểm tình trạng các HTX đã ngừng hoạt động và các HTX chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Để đạt được các mục tiêu trên, Ban chỉ đạo đưa ra các giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, nâng cao nhận thức về KTTT, HTX; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh HTX Việt Nam đối với phát triển KTTT; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc xây dựng và triển khai các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế về phát triển KTTT, HTX. Cùng với đó là việc xác định rõ động lực để thúc đẩy khu vực HTX nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn.
Tại đây, đại diện các bộ, ngành, chuyên gia và các nhà khoa học cũng đã trao đổi và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong việc phát triển KTTT, HTX.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao những kết quả đã đạt được về phát triển KTTT trong thời gian qua. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần nhận xét, đánh giá đầy đủ thực trạng, nhận diện bất lợi, khó khăn để khắc phục và tập trung phát triển kinh tế HTX tương xứng với tiềm năng và mục tiêu đề ra.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, KTTT, HTX là mô hình kinh tế của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, là con đường để đưa nhân dân đến gần hơn với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội...