Chính phủ vừa ra Nghị quyết đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030.
Kết quả xóa đói, giảm nghèo ở một số địa phương còn chưa bền vững.
Đầu tư để phát triển toàn diện
Để thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cho kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi thông qua các Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình giảm nghèo
Nhiều năm qua, diện mạo của khu vực dân tộc thiểu số và miền núi đã có những thay đổi đáng kể, góp phần giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, ổn định cuộc sống; tình hình an ninh chính trị theo đó cũng ngày càng ổn định...
Tuy nhiên, kết quả xóa đói, giảm nghèo ở một số địa phương còn chưa bền vững và không đồng đều giữa các vùng, các nhóm dân cư. Xu hướng phân hóa giàu nghèo giữa các nhóm dân cư ngày càng gia tăng. Tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng đồng bào DTTS tại địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn giảm chậm. Mức độ tiếp cận các chính sách, dự án giảm nghèo của các hộ nghèo DTTS sinh sống ở vùng cao, vùng sâu như La Hủ, Si La, Mảng, Cống, Kháng, Khơ Mú, Nùng, Dao, H’Mông... còn quá thấp.
Sau nhiều thập niên tập trung sức phát triển tổng thể nguồn nhân lực theo diện rộng, đến nay trình độ dân trí của vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được nâng lên đáng kể. Về cơ bản, chúng ta đã thực hiện thành công sự nghiệp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; quy mô đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tiếp tục tăng với tốc độ cao; trình độ tay nghề, chuyên môn kỹ thuật của lao động nước ta cũng được nâng lên; tiềm lực và trình độ khoa học - công nghệ trong nước đã có những bước phát triển đáng kể...
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung toàn quốc, thì trình độ khoa học – công nghệ và chất lượng của lực lượng lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của thanh niên dân tộc thiểu số có được cải thiện song vẫn còn thấp so với mặt bằng chung toàn quốc.
Trước thực tế đó, Chính phủ đã đặt mục tiêu nâng cao, phát triển toàn diện nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số về thể lực, trí lực và tác phong, kỷ luật, kỹ năng nghề nghiệp, cơ cấu hợp lý, trong đó, ưu tiên các dân tộc thiểu số có nguồn nhân lực còn hạn chế để từng bước thu hẹp khoảng cách với trình độ chung của quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, nhu cầu thị trường lao động hiện tại và tương lai; xây dựng đội ngũ trí thức, doanh nhân, cán bộ người dân tộc thiểu số và lao động trực tiếp có chất lượng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm quốc phòng an ninh quốc gia và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cụ thể, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 nâng tuổi thọ bình quân của người dân tộc thiểu số lên 73 tuổi, năm 2030 khoảng 75 tuổi gần với tuổi thọ bình quân quốc gia; giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi đến năm 2020 còn 29% và 2030 xuống 19%; phấn đấu đến năm 2030, tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng tuổi gần với mức bình quân của cả nước ở tất cả các cấp học.
Đến năm 2020, số sinh viên người dân tộc thiểu số (đại học, cao đẳng) đạt từ 130 đến 150 sinh viên/vạn dân (người dân tộc thiểu số); tỉ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo các chương trình giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 đạt trên 30%, nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp đạt tối thiểu 25%; phấn đấu năm 2030 tỉ lệ tương ứng là 50% và trên 45%...
Phấn đấu đến năm 2020, số sinh viên người dân tộc thiểu số (đại học, cao đẳng) đạt từ 130 đến 150 sinh viên/vạn dân.
Hướng nghiệp rõ ràng
Theo Ủy ban Dân tộc, lao động dân tộc thiểu số chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật chưa nhiều, số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở nhiều vùng miền chưa đáp ứng yêu cầu quản lý và sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
Vì vậy, để đạt được các mục tiêu trên, Nghị quyết đã đưa ra nhiều giải pháp như mở rộng các trường phổ thông dân tộc bán trú ở các huyện nghèo; tổ chức liên thông trung học cơ sở và trung học phổ thông tại trường dân tộc nội trú cấp huyện; phát triển đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số; nâng mức học bổng học sinh dân tộc nội trú và định mức hỗ trợ học sinh bán trú phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước...
Về lĩnh vực y tế, chăm sóc và nâng cao sức khỏe đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ về chăm sóc hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa khi sinh con theo đúng chính sách dân số; nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ dinh dưỡng “uống sữa miễn phí” cho trẻ em từ 2 đến 3 tuổi phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước...
Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm, phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, nghề trọng điểm theo các cấp độ và các trường, khoa giáo dục nghề nghiệp nội trú cho người dân tộc thiểu số; tăng cường cung cấp thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh và mở rộng công tác tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số...
Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015 được xây dựng khá đồng bộ, bao phủ tất cả các lĩnh vực, địa bàn vùng dân tộc và miền núi. Ngân sách Nhà nước đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhiều hơn. Trong 5 năm qua, ngân sách Nhà nước đã bố trí đầu tư 135.800 tỷ đồng (chiếm 12,8% kinh phí đầu tư cho nông nghiệp nông thôn) để thực hiện các chính sách ở vùng dân tộc và miền núi. Riêng kinh phí thực hiện các chương trình, chính sách do Ủy ban dân tộc trực tiếp quản lý là 27.144 tỷ đồng, chiếm 2,55% kinh phí đầu tư cho nông nghiệp nông thôn. |