Văn hóa

Phê bình văn học, nghệ thuật: Vì sao vừa thiếu vừa yếu?

LAN PHƯƠNG 24/12/2023 08:31

Tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới, phát triển: Thực trạng và định hướng cho những năm tiếp theo” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, một lần nữa câu chuyện phê bình văn học lại được các chuyên gia nhìn nhận, đánh giá, phân tích…

bai-chinh.jpg
“Đất rừng phương Nam” - bộ phim chịu áp lực lớn từ “phê bình mạng” nhưng lại vắng bóng lý luận, phê bình chuyên nghiệp. Ảnh: ĐPCC.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, đại biểu đã tập trung trao đổi, bàn thảo trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, khoa học, khách quan đánh giá, khẳng định đường lối, chính sách văn hóa, văn nghệ đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Nhà nước trong tiến trình xây dựng và phát triển văn hóa, văn nghệ, nhất là công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nước ta qua 50 năm đất nước thống nhất, hòa bình, đổi mới, phát triển.

GS Phong Lê nhận định thành tựu của hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật xuất hiện nhiều ở giai đoạn 1930-1945. Theo ông, đây là thời kỳ hoàn thiện diện mạo hiện đại của đời sống văn học. Một số tác giả như Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Trương Chính đã có các công trình phê bình giá trị.

Nhưng đến thời điểm hiện nay, theo vị giáo sư này, “phê bình chuyên nghiệp là ai, và ở đâu thì cũng rất khó tìm”, ngoài một số người ở khoa Văn, khoa Văn hóa, Khoa học xã hội ở các trường. Những người có lịch sử viết gắn với giai đoạn trước đều đã cao tuổi, không còn sung sức.

GS Phong Lê chỉ ra từ nửa sau thập niên 1990, sự phát triển của báo chí, với đặc thù về dung lượng, nội dung chủ yếu đề cập những vấn đề chính trị, xã hội nhiều hơn đời sống văn chương, khiến việc bàn thảo về một tác phẩm hay bỗng trở nên rất hiếm, kể cả trên các báo của hội nghề nghiệp.

''Thực trạng phê bình văn học hiện nay gắn bó trực tiếp với hoạt động báo chí, còn phê bình trong đời sống nghiên cứu và giảng dạy ở các viện và học đường thì ít có tác động đến công chúng", ông nói.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Quang Long cho rằng, phê bình hiện nay nhợt nhạt bởi quá ít những phê bình đích thực, phê bình đúng thực trạng tác phẩm.

Quá nhiều kiểu phê bình thù tạc, giao đãi. Tính hiệu quả của các bài phê bình ấy yếu đã đành mà còn gây tác hại. Độc giả phần đông đọc theo nhu cầu, nhưng khi đọc phê bình lại thấy quá khác với những gì mình tiếp nhận, sẽ hình thành một tâm lý xa lánh, chán đọc phê bình.

Người đọc không muốn đọc phê bình. Nhà văn đọc thấy vô bổ. Nhưng điều nguy hại nữa là nó tạo ra những giá trị giả của một hoạt động tinh thần vốn rất cần cho con người. Nó gây hại cho xã hội từ chỗ tưởng chừng vô hại ấy.

Trong phê bình âm nhạc, nhạc sĩ Trần Lệ Chiến nhận thấy những người làm công tác này ngày càng thưa vắng do không được đầu tư thỏa đáng, đầu ra cho các công trình còn khó khăn, khó tìm người trao truyền.

Mặt khác, nhạc sĩ chỉ ra đội ngũ công tác đang thiếu tính phản biện, đôi khi là những phát ngôn phớt qua chứ không tranh biện sôi nổi để tìm ra tiếng nói chung, hóa giải mọi tranh cãi.

Ở lĩnh vực sân khấu, NSND Lê Tiến Thọ cho biết công tác lý luận, phê bình dường như đang đứng ngoài cuộc. Bởi có rất ít bài viết đánh giá chất lượng các liên hoan, cuộc thi sân khấu, ý kiến nhận xét về chất lượng giải thưởng, công tác tổ chức, thành phần ban giám khảo còn hạn chế.

Những người có kinh nghiệm đã lớn tuổi, trong khi lớp trẻ không sống được với nghề, khiến đội ngũ nhà phê bình sân khấu các năm qua trở nên "mỏng".

Một bộ phận có tâm lý thương cảm những đơn vị nghệ thuật, dẫn tới loạt bài viết theo tỷ lệ "bảy khen, ba góp ý".

Lĩnh vực phim ảnh cũng tương tự, khi mà các bộ phim ra rạp cũng rất ít nhận được những ý kiến phân tích, bình luận của những người làm nghề phê bình.

Trên báo chí, chỉ đa số gặp những bài viết mang tính PR, giới thiệu các nhân vật, cảnh nóng trong phim.

Một số ý kiến cho rằng, việc phải bỏ tiền mua vé vào rạp xem phim rồi về kỳ cạch viết bài bình luận, phân tích về phim sau đó gửi đăng báo, được trả vài ba trăm ngàn tiền nhuận bút là không xứng đáng.

Tuy nhiên, ngay cả những bộ phim phát sóng trên truyền hình thì vẫn vắng bóng các bài viết phê bình của những người làm nghề. Đó là điều khó hiểu.

Khi các nhà phê bình đang cân nhắc, lo ngại sự bủa vây của các “anh hùng bàn phím” thì đã xuất hiện một nhân tố mới là “phê bình mạng” với các Tiktoker, Facebooker...

Như TS Huỳnh Vũ Lam nhận định, có thể hiểu đây là phê bình “liều mạng”, phê bình “văng mạng”, đu “trend”… bất chấp việc có thưởng thức tác phẩm hay không. Song sức lan tỏa của phê bình mạng lại rất khủng khiếp, đem lại nhiều hậu quả khôn lường.

TS Vũ Lam cũng cho rằng, đã đến lúc những người làm phê bình văn học, nghệ thuật cần phải đổi mới tiếp cận bạn đọc, mạnh dạn viết gọn lại, xé nhỏ vấn đề, hòa theo nhịp xu hướng để mong vớt lại những giá trị đích thực của văn học, nghệ thuật trên dòng chảy mạng xã hội.

Để khắc phục tình trạng thiếu đội ngũ lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, công tác đào tạo lực lượng hoạt động chuyên nghiệp cần phải được đặc biệt quan tâm, có như vậy mới thực hiện tốt định hướng phát triển công tác lý luận phê bình thời gian tới.
Bên cạnh đó, cần có đề án quy hoạch và phát triển công tác lý luận phê bình; có chính sách đầu tư, chế độ nhuận bút, giải thưởng cho tác phẩm, công trình chất lượng. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước, các hội chuyên ngành cần có cơ chế bảo vệ, hỗ trợ các nhà lý luận phê bình…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phê bình văn học, nghệ thuật: Vì sao vừa thiếu vừa yếu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO