Phí công đèn sách, ai chịu?

Tinh Anh 19/09/2020 08:30

Sau nhiều tai tiếng của Trường Đại học (ĐH) Kinh doanh và công nghệ Hà Nội về việc tuyển sinh chui hàng nghìn sinh viên ngành dược, Bộ GDĐT mới vào cuộc và khẳng định đơn vị này đã sai. Động thái của Bộ GDĐT có thể nói là khá muộn màng, dẫu vậy cũng vẫn còn hơn im lặng coi như không nghe, không thấy. Dư luận cho rằng, việc ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội sai phạm nhiều năm mà không bị nhắc nhở, dẫn đến hậu quả hàng nghìn sinh viên “tiền mất, tật mang”, trách nhiệm chính thuộc về Bộ GDĐT.

Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội.

Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 2, Quyết định 18/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe (trong trường hợp này là ngành dược), cơ sở giáo dục đại học phải bảo đảm thêm điều kiện có ít nhất một khóa sinh viên trình độ đại học chính quy đã tốt nghiệp.

Điều đó có nghĩa, ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội không được phép tuyển sinh liên thông ngành dược, vì chưa có bất cứ khóa sinh viên ĐH chính quy nào tốt nghiệp tại đây (mới mở đào tạo ngành dược từ 2016).

Tuy nhiên, ĐH Kinh doanh và công nghệ đã tự ý tổ chức thí điểm đào tạo liên thông ngành dược từ năm 2017. Những năm sau đó trường này chính thức tổ chức liên kết đào tạo liên thông ngành dược với nhiều trường trung cấp, cao đẳng, cơ sở giáo dục ở nhiều địa phương trên cả nước, thu hút hàng nghìn sinh viên theo học.

Mới đây, do có nhiều ý kiến về việc đào tạo chui của ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, trường này bị thanh tra nên buộc phải dừng đào tạo khiến hàng nghìn sinh viên đang theo học hết sức lo lắng.

Đó là lý do mà cách đây mấy hôm, rất nhiều sinh viên cùng các cơ sở liên kết đào tạo ngành dược với ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội đã kéo về trường này “hỏi cho ra lẽ”.

Các cơ sở liên kết đào tạo chất vấn ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội về việc hàng loạt sinh viên đã phải nghỉ học, đề nghị trường này trả lại học phí và tiền dự thi cho họ. Còn các sinh viên thì thắc mắc liệu ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội có tiếp tục đào tạo cho họ nữa không, quan trọng hơn là họ có được cấp bằng hay không?...

Tất nhiên là ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội sẽ không thể tiếp tục đào tạo số sinh viên hiện đang theo học ngành dược liên thông tại trường này, vì đã vi phạm quy định của Thủ tướng Chính phủ. Và cũng tất nhiên ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội sẽ buộc phải trả lại tiền học phí, cũng như lệ phí dự thi vào ngành dược liên thông đã thu của người học.

Song, vấn đề không chỉ đơn giản là tiền học phí, mà việc tuyển sinh chui, đào tạo chui của trường này đã khiến hàng nghìn người học lãng phí thời gian, công sức.

Để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như ngày hôm nay, trách nhiệm chính thuộc về Bộ GDĐT với vai trò quản lý nhà nước về giáo dục. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 3, Quyết định 18 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian 3 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định tuyển sinh đào tạo liên thông, cơ sở giáo dục đại học phải gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện một bản báo cáo về Bộ GDĐT. Điều đó có nghĩa Bộ GDĐT biết ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội tuyển sinh chui ngành dược nhưng không “thổi còi”.

Ngay cả khi ĐH Kinh doanh và công nghệ không thực hiện việc báo cáo theo quy định, thì với vai trò quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ GDĐT cũng buộc phải biết trường này đang tuyển sinh và đào tạo chui hàng nghìn sinh viên liên thông ngành dược.

Nếu Bộ GDĐT không biết ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội tuyển sinh và đào tạo chui có nghĩa là năng lực quản lý nhà nước yếu kém, thiếu trách nhiệm. Còn nếu biết mà “nhắm mắt làm ngơ” là cố tình vi phạm pháp luật, chống lại quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Dư luận cho rằng, nếu Bộ GDĐT chỉ cần làm đúng phận sự được giao, có lẽ đã không có chuyện ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội tuyển sinh và đào tạo chui liên thông ngành dược trong một thời gian dài như vậy.

Mà khi không có tuyển sinh và đào tạo chui thì làm gì có hậu quả ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội “mang con bỏ chợ”, khiến hàng nghìn sinh viên “bơ vơ” không biết đi đâu về đâu. Cứ cho là trường này sẽ trả lại sòng phẳng tiền đã thu, nhưng còn mấy năm “đèn sách” vô bổ của người học thì ai sẽ bồi thường?

Vậy nên, dư luận xã hội không chỉ mong mỏi cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc lãnh đạo ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, mà còn đòi hỏi xem xét trách nhiệm của Bộ GDĐT trong việc buông lỏng quản lý, gây hậu quả.

Nếu không xử lý nghiêm minh, e rằng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều trường ĐH khác noi theo “gương xấu” của ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, thoải mái, tự do tuyển sinh và đào tạo chui những ngành học có liên quan đến tính mạng và sức khỏe con người. Như vậy thì xã hội sẽ nguy lắm thay!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phí công đèn sách, ai chịu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO