Tinh hoa Việt

Phía sau sân khấu thủy đình

MAI HÀ 01/01/2024 08:04

Trải qua bao thăng trầm, người dân làng Đào Thục hiện vẫn lưu giữ nghệ thuật múa rối nước như báu vật của làng. Bên cạnh việc truyền nghề, những nghệ nhân nơi đây không ngại đổi mới để đưa loại hình trình diễn rối nước bắt nhịp với đời sống đương đại. Chính những nỗ lực của họ đã giúp nghệ thuật truyền thống của cha ông được sống mãi với thời gian.

anh-1.jpg
Thủy đình làng múa rối nước Đào Thục.

“Báu vật” được công nhận

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25km, làng cổ Đào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) hiện là địa điểm được nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan và thưởng thức nghệ thuật múa rối nước.

Đến với nơi đây nhiều người sẽ được nghe câu chuyện về lịch sử hình thành và những thăng trầm của nghề múa rối nước Đào Thục. Theo nghệ nhân Đinh Thế Văn (87 tuổi) - một người đã dành trọn đời mình để gìn giữ nghề múa rối nước, cách đây khoảng hơn 300 năm, nghề múa rối nước của làng ra đời.

Tổ nghề là ông Đào Đăng Khiêm (tên thật là Nguyễn Đăng Vinh), từng làm quan Tổng nội giám trong triều Hậu Lê. Sau khi rời quan trường, ông về Đào Thục dạy dân làng các nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, nghề thầy, nghề võ, nghề thó (đóng cối), đặc biệt là nghề múa rối nước được dân làng giữ gìn cho đến ngày nay.

Tồn tại qua nhiều thời kỳ, múa rối nước Đào Thục có những giai đoạn tưởng chừng đã mất nghề, nhất là giai đoạn chiến tranh loạn lạc, phường rối cứ thành lập rồi lại giải tán, lúc thịnh lúc suy nhưng đến nay bằng tâm huyết và tình yêu đối với nghệ thuật múa rối nước, những người nghệ nhân, những người thợ làng Đào Thục đã cùng nhau chắp nối các mảnh vụn còn lại trong ký ức mỗi người để đưa múa rối nước trở thành một hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc, say đắm lòng người.

anh-4-min.jpg
Quân rối là linh hồn của các vở múa rối nước.

Khác với múa rối ở những làng nghề khác, nét độc đáo của rối nước Đào Thục là sự tinh tế trong điều khiển con rối, sự phối hợp nhịp nhàng giữa người điều khiển rối với diễn viên hát, nhạc công. Đặc biệt, điểm thu hút của múa rối nước nơi đây là sử dụng máy sào dây làm cho con rối lắc đều, vung vẩy được cả hai tay, giúp nghệ nhân điều khiển dễ dàng; con rối đi vào buồng trò bằng cách quay ngược trở lại - không giống các phường rối khác, con rối chỉ có thể vào buồng trò bằng cách đi lùi hoặc đi chéo.

Với những nỗ lực gìn giữ nghệ thuật múa rối nước của người dân Đào Thục, ngày 23/12 vừa qua, Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa rối nước Đào Thục đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chính thức được bảo tồn và phát huy giá trị dưới sự bảo trợ của Nhà nước.

Phó Bí thư Thường trực huyện Đông Anh Nguyễn Văn Cường cho biết, việc đưa Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa rối nước Đào Thục vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là sự đánh giá, ghi nhận to lớn của Đảng, Nhà nước đối với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học của Nghệ thuật trình diễn dân gian Múa rối nước Đào Thục, cộng đồng dân cư thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm nói riêng và sự độc đáo, đậm đà bản sắc văn hoá riêng có của huyện Đông Anh nói chung.

Đón nhận danh hiệu sau nhiều năm chờ đợi, nghệ nhân Đặng Thị Thuận, người đã gắn bó gần 20 năm với phường rối nước Đào Thục xúc động chia sẻ, đây là một ngày vui đặc biệt đối với bà cũng như các nghệ nhân của phường rối.

“Với tôi, nghệ thuật múa rối nước không chỉ đòi hỏi người biểu diễn phải hiểu biết về chuyên môn, kinh nghiệm mà quan trọng hơn là tình yêu và đam mê dành cho rối; điều khiển rồi bằng cả trái tim. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được trong những năm qua, giữ gìn và trao truyền cho thế hệ con cháu mai sau của quê hương Đào Thục” - bà Thuận tự hào nói.

img_9113-min.jpg
Kiểm tra con rối trước khi biểu diễn là việc làm thường xuyên của bà Đặng Thị Thuận.

Uống nước mắm chống rét để giữ nghề

Để có được những màn biểu diễn múa rối nước đặc sắc, phía sau sân khấu thủy đình là cả một tập thể đoàn kết để cố gắng bảo tồn giá trị, phát huy nét đẹp và truyền nghề cho thế hệ mai sau.

Người nghệ nhân rối nước ở Đào Thục không chỉ cần tình yêu và đam mê với rối nước, mà còn cần sự tập trung cao độ, khi vừa nghe nhạc, vừa điều khiển con rối đơn, có lúc là đôi hay ba, vừa phải kết hợp với những nghệ nhân rối nước khác sao cho nhịp nhàng, uyển chuyển tạo nên một sân khấu múa rối nước mãn nhãn. Sự kết nối liên tục đã rèn luyện cho người nghệ nhân trở nên nhạy bén và thêm yêu, gắn bó với nghề. Nhưng phải nói rằng những người “nghệ sĩ” làng rối nước Đào Thục là những con người chịu khổ rất giỏi, bởi để biểu diễn được bộ môn này thì người biểu diễn phải thực hiện ở dưới nước.

Trước mỗi buổi diễn, nhóm nghệ nhân phải dành ra 30 - 45 phút để chuẩn bị. Mỗi lần diễn sẽ có khoảng 10 người tham gia. Ông Nguyễn Đức Cường (64 tuổi) đã có thâm niên gần 40 năm tham gia múa rối nước tâm tư về nghề mình đã gắn bó:

“Năm 1984 phường rối Đào Thục được khôi phục, tôi được tham gia biểu diễn từ khi ấy. Ngày đó, trước mỗi buổi diễn chúng tôi thường phải chặt tre, làm mành để dựng sân khấu di động, mãi cho đến năm 2001 mới có thủy đình như bây giờ. Những năm đầu tham gia biểu diễn, người diễn không có quần áo bảo hộ dưới nước. Trời rét, chúng tôi vẫn quần đùi, cổ trần lội xuống. Để giữ sức, chúng tôi phải uống nước mắm và nước gừng. Mặc dù có nhiều vất vả, tiền công không đáng là bao nhưng vì niềm đam mê nên chúng tôi động viên nhau biểu diễn để giữ lấy truyền thống”.

Mỗi người dân ở làng Đào Thục dường như đều góp một chút công sức để gìn giữ nghệ thuật truyền thống của cha ông để lại. Không chỉ trực tiếp sáng tác các tích trò và biểu diễn, người Đào Thục còn đích thân làm ra những quân trò rối, từ chú Tễu, Thạch Sanh, Tấm Cám, cô tiên… đến gà, chim phượng, rồng, hổ, con trâu, cái cày… vô cùng sinh động và bắt mắt, trở thành nét riêng độc đáo của nghệ thuật rối nước Đào Thục.

img_9147-min.jpg
Sự phối hợp ăn ý của các nghệ nhân phường rối quyết định sự thành công của buổi biểu diễn.

Bên cạnh đó, người dân nơi đây còn viết thêm nhiều vở rối để thu hút người xem. Ngoài 17 tích trò cổ thì những năm gần đây phường rối đã sáng tạo ra những tích trò mới hợp với cuộc sống đương đại như: Hà Nội 12 ngày đêm - Điện Biên Phủ trên không, Tặng hoa ngày hội, Chiến sĩ biên phòng... Đó là những sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển.

Để đưa nghệ thuật múa rối nước Đào Thục tiếp cận với thị trường du lịch, anh Nguyễn Thế Nghị - một người con của làng đã dày công thực hiện nhiều chương trình quảng bá trên mạng xã hội với nhiều sáng kiến để phát triển nghề. Không dừng lại ở đó, anh Nghị còn tâm huyết với những hoạt động giữ chân du khách. “Ngoài biểu diễn múa rối chúng tôi đã nghĩ ra nhiều hoạt động về trò chơi dân gian như: nhảy bao bố, đi cầu kiều, đi cà kheo...

Ngoài ra còn mở thêm các trải nghiệm như: thử làm diễn viên, thăm xưởng sản xuất để trực tiếp tô vẽ con rối” - anh Nghị cho biết.

Có thể nói nghệ thuật múa rối nước Đào Thục đã lắng đọng lại những trầm tích văn hóa, lịch sử lâu đời, phản ánh những nét đẹp bình dị của nền văn minh nông nghiệp Việt Nam đang dần mai một đi trong nhịp sống hối hả hôm nay.

Trải qua sự thăng trầm của thời gian nhưng về cơ bản nghệ thuật múa rối nước vẫn giữ được những yếu tố truyền thống, đồng thời có sự kế thừa và phát triển trong tương lai. Để làm được điều đó là sự chung sức của các thế hệ người con Đào Thục.

Vì vậy mà hàng năm làng rối nước Đào Thục đều mở các lớp dạy nghề múa rối nước để truyền lại cái nghề quý báu hơn 300 tuổi cho thế hệ tương lai. Mỗi học viên sẽ mất vài tháng để học nghề và sau khi học xong khóa múa rối nước thì đi biểu diễn khoảng 2 năm thì mới được công nhận là nghệ sĩ múa rối nước.

“Khát khao lớn nhất của chúng tôi là giữ được bản sắc và phát triển môn nghệ thuật dân gian đặc sắc này. Chúng tôi luôn truyền dạy tới thế hệ trẻ về rối nước như một di sản văn hóa vô giá của làng Đào Thục nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Dù vậy, đau đáu trong chúng tôi vẫn là nỗi lo mai một nghệ thuật múa rối nước, bởi để duy trì, phát triển môn nghệ thuật này còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Chúng tôi mong được sự hỗ trợ từ nhiều cấp, nhiều ngành cùng những người yêu nghệ thuật rối nước để những chú rối sinh động, thân thiện của Đào Thục không dừng lại ở tuổi 300...” - nghệ nhân Đinh Thế Văn mong mỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phía sau sân khấu thủy đình